Nga giăng lưới phòng thủ đáng gờm trên Biển Đen phá tan đội hình USV của Ukraine

Phó Đô đốc Oleksiy Neizhpapa, tư lệnh Hải quân Ukraine cho biết, Nga đã phát triển một hệ thống phòng thủ nhiều lớp tinh vi để chống lại các cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái của hải quân Ukraine ở Biển Đen - động thái báo hiệu sự cải tiến đáng kể về chiến thuật trong xung đột hiện đại.

Nga giăng lưới phòng thủ đáng gờm trên Biển Đen

Phát biểu với các phương tiện truyền thông, ông Neizhpapa tiết lộ, chiến lược này của Nga đã khiến lực lượng Ukraine ngày càng khó xâm nhập vào các khu vực quan trọng như Vịnh Sevastopol ở Crimea - nơi có trung tâm hải quân quan trọng của Nga. Thông báo này cho thấy cuộc xung đột đang thay đổi nhanh chóng, nơi những công nghệ nhỏ, linh hoạt đang viết lại các quy tắc giao tranh trên biển.

Xuồng không người lái của Ukraine trên biển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Xuồng không người lái của Ukraine trên biển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Cuộc xung đột bắt đầu từ tàu chiến và pháo binh truyền thống đã biến thành cuộc chiến công nghệ có rủi ro cao khi máy bay không người lái trở thành vũ khí trung tâm. Đối với cả Nga và Ukraine, ngoài khả năng thích ứng và sao chép, việc đổi mới liên tục phương thức tấn công đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong tương lai sức mạnh của hải quân không chỉ được đo lường bằng quy mô của các hạm đội mà còn bằng sự tinh vi của những hệ thống không người lái.

Cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, đã trở thành nơi thử nghiệm cho cái mà nhiều người gọi là "thời đại phương tiện không người lái". Các phương tiện không người lái của hải quân, nổi lên như một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi và Kiev đã đạt được những thành công ban đầu trong việc sử dụng phương tiện này. Việc Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công sử dụng phương tiện không người lái chứa đầy thuốc nổ đã buộc Hạm đội Biển Đen của Nga phải rút lui khỏi các căn cứ an toàn của họ ở Crimea.

Các cuộc tấn công vào những mục tiêu có giá trị cao, như tàu tuần dương Moskva hồi tháng 4/2022, đã cho thấy tiềm năng cân bằng thế trận của Ukraine trước đối thủ vượt trội về số lượng. Ông Neizhpapa lưu ý, trước đây, máy bay không người lái của Ukraine có thể dễ dàng xâm nhập Vịnh Sevastopol, giáng đòn đau vào đối phương.

Nhưng hiện nay, điều đó rất khó khăn bởi Nga đã xây dựng một hệ thống phòng thủ phân cấp mới, dựa trên cách tiếp cận theo từng cấp độ, trong đó có hệ thống phát hiện tầm xa để phát hiện máy bay không người lái sớm, hệ thống tầm trung để theo dõi chúng và vũ khí tầm gần để bắn hạ chúng. Lá chắn nhiều lớp này đã tạo thành mạng lưới bảo vệ kiên cố, buộc Ukraine phải xem xét lại chiến thuật của mình.

Thay đổi về chiến thuật phòng thủ

Để hiểu được sự thay đổi này, cần phải xét phạm vi rộng hơn của việc sử dụng phương tiện không người lái trong cuộc xung đột. Trên bộ, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất [FPV] - máy bay bốn cánh quạt nhỏ, linh hoạt, thường được cải tiến từ các mô hình thương mại - đã chiếm ưu thế trên bầu trời, thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào xe tăng, quân đội và tuyến tiếp tế. Ukraine cho biết, riêng năm 2024, nước này đã sản xuất hơn một triệu máy bay không người lái FPV, trong khi Nga tuyên bố sản xuất tới 4.000 chiếc mỗi ngày. Cả hai bên đều đặt mục tiêu mở rộng sản xuất lên 3 hoặc 4 triệu chiếc trong năm nay – những con số đáng kinh ngạc phản ánh vai trò của phương tiện này.

Trên biển, việc sử dụng phương tiện không người lái có chút khác biệt. Phương tiện không người lái của hải quân Ukraine, thường được gọi là xuồng cảm tử hay tàu mặt nước không người lái, có kích thước lớn hơn và phức tạp hơn, được thiết kế để di chuyển hàng trăm dặm trên vùng biển rộng. Các USV thường dài khoảng 6m, nặng tới 1 tấn, mang theo tải trọng thuốc nổ lớn, đôi khi lên đến 272kg, dựa vào các liên kết vệ tinh như Starlink để điều hướng và kiểm soát. Tính năng tàng hình và cấu hình thấp khiến chúng khó bị phát hiện, nhưng các biện pháp phòng thủ mới nhất của Nga cho thấy lợi thế đó có thể đang mất đi.

Chiến thuật phòng thủ của Nga đã thay đổi nhiều so với trước đây: thay vì chỉ dựa vào hạm đội của mình, họ đang xây dựng một mạng lưới cảm biến, rào chắn và vũ khí chống máy bay không người lái để vô hiệu hóa đội tàu không người lái của Ukraine. Tuyên bố của ông Neizhpapa cho thấy Nga đang phát triển các cách thức ừng phó phù hợp với mỗi động thái mới của Ukraine.

Ván cờ công nghệ ở trung tâm của cuộc chiến này không chỉ xoay quanh phương tiện không người lái. Việc dò tìm và phát hiện ra các phương tiện này cũng đóng vai trò to lớn. Phó đô đốc Neizhpapa nhấn mạnh "hệ thống phát hiện theo cấp bậc" của Nga, có khả năng tích hợp radar, sonar và thậm chí là trí tuệ nhân tạo để xác định và theo dõi các mối đe dọa đang đến gần.

Để phát hiện vật thể tầm xa, Nga có thể sử dụng các trạm radar ven biển quét đường chân trời. Những trạm radar này có khả năng phát hiện các vật thể nhỏ ở khoảng cách từ 32km trở lên. Để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tầm trung, Nga có thể sử dụng máy bay không người lái chẳng hạn như Orlan-10, một UAV trinh sát có phạm vi hoạt động gần 600km hoặc trực thăng tuần tra được trang bị hình ảnh nhiệt. Phòng thủ tầm gần có thể bao gồm vũ khí tự động như Pantsir-S1- hệ thống phòng không di động kết hợp súng và tên lửa, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ ở tầm gần.

Nga đã triển khai hệ thống Pantsir ở Crimea ít nhất là từ năm 2014 và sử dụng chúng để chống lại phương tiện không người lái. Đối với phương tiện không người lái của hải quân Ukraine, Moscow dường như áp dụng nguyên tắc: áp đảo mối đe dọa trước khi nó đến quá gần.

Ukraine đau đầu tìm cách ứng phó

Về phần mình, Ukraine không muốn “dậm chân tại chỗ”. Ông Neizhpapa cho biết, Kiev đang tìm kiếm "các giải pháp kỹ thuật" để phá vỡ hệ thống phòng thủ của Nga, ý nói đến việc nâng cấp khả năng của máy bay không người lái. Nếu như trước đây, Kiev chỉ triển khai những phương tiện không ngươi lái đơn giản, chứa đầy thuốc nổ nhưng có hiệu quả hạn chế, thì hiện nay, họ đang chú trọng vào tính linh hoạt.

Máy bay không người lái trong tương lai của Ukraine có thể mang theo nhiều loại vũ khí như tên lửa chống hạm cho các mục tiêu lớn hơn, máy gây nhiễu điện tử để phá vỡ radar của Nga, thậm chí là mồi nhử để đánh lạc hướng lực lượng phòng thủ. Bên cạnh đó, Kiev cũng đặc biệt quan tâm đến tốc độ và khả năng tàng hình.

Xuồng không người lái Magura V5 – một trong những phương tiện nổi bật nhất trong cuộc xung đột, cung cấp cái nhìn cụ thể về sự phát triển này. Magura V5 là xuồng không người lái (USV) đa dụng do Ukraine tự sản xuất. Theo nhà phân tích hải quân H I Sutton, xuồng không người lái này dài khoảng 5,5m, có thể mang tải trọng 320kg. V5 có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 48 dặm/giờ và có tầm hoạt động khoảng 450 hải lý. Thân xuồng được chế tạo bằng sợi carbon giúp nó có trọng lượng nhẹ và khó bị radar phát hiện. Nhờ thiết kế mô-đun, Magura V5 có thể mang nhiều tải trọng khác nhau.

Tình báo Ukraine cho biết, các lực lượng nước này đã sử dụng Magura V5 để tấn công tàu hộ tống Ivanovets, tàu tuần tra Sergei Kotov và tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga.

Nga không chỉ dừng lại ở việc tăng cường khả năng phòng thủ mà còn phát triển các phương tiện không người lái hải quân riêng. Mặc dù thông tin chi tiết vẫn chưa được tiết lộ, nhưng ông Neizhpapa thừa nhận rằng một số phương tiện không người lái của Nga rất đáng sợ.

Khi hệ thống phòng thủ của Nga trở nên tinh vi hơn và các phương tiện tấn công mà họ triển khai ngày càng tiên tiến hơn, áp lực đối với các đơn vị vận hành phương tiện không người lái của Ukraine đã gia tăng. Nhiều đơn vị Ukraine trở nên mệt mỏi sau nhiều tháng hoạt động không ngừng nghỉ. Họ chịu tổn thất không hề nhỏ sau những lần tấn công trượt mục tiêu hoặc các do các phương tiện không người lái bị bắn hạ.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgaria Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-giang-luoi-phong-thu-dang-gom-tren-bien-den-pha-tan-doi-hinh-usv-cua-ukraine-post1190421.vov
Zalo