Nga dự định cho bay thử nghiệm máy bay dân dụng sử dụng động cơ nội địa

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Nga dự định từ năm sau bắt đầu bay thử nghiệm hai dòng máy bay dân dụng MS-21 và SJ-100 sử dụng động cơ sản xuất trong nước. Đây là hai dự án trong chương trình thay thế nhập khẩu trong ngành hàng không.

Máy bay MS-21-300 bay trên bầu trời Moskva, Nga. Ảnh tư liệu - minh họa: AFP/TTXVN

Máy bay MS-21-300 bay trên bầu trời Moskva, Nga. Ảnh tư liệu - minh họa: AFP/TTXVN

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Anton Alikhanov cho biết hai dòng máy bay mới sẽ sử dụng động cơ PD-14 do Nga sản xuất. Các chuyến bay sử dụng động cơ này được cấp phép từ cuối tháng 3/2025 và đây cũng là thời điểm Nga bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử nghiệm dòng máy bay MS-21.

MS-21 là máy bay chở khách thân hẹp tầm trung, do Tập đoàn chế tạo hàng không Yakovlev phát triển, dành cho các đường bay nội địa và quốc tế. Kế hoạch bay thử nghiệm MS-21, sử dụng động cơ PD-14, vào năm 2022 bị gián đoạn do Nga vướng án phạt liên quan đến việc nhập khẩu vật liệu composite. Sau đó, Nga đã tiến hành nội địa hóa toàn bộ các bộ phận của máy bay và chiếc MS-21, dự kiến bay thử nghiệm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm sau sẽ là chiếc máy bay nội địa hóa toàn phần. Hiện Nga đã sản xuất được 10 chiếc MS-21 và công suất toàn ngành có thể đạt 36 chiếc/năm sau 3 năm nữa.

Bộ trưởng Alikhanov cũng xác nhận kế hoạch cấp phép bay cho máy bay SJ-100 sử dụng động cơ PD-18 do Nga sản xuất và hiện còn đang trong giai đoạn phát triển. Dự kiến động cơ PD-18 sẽ được thử nghiệm trong môi trường trên không vào cuối năm, và sang năm 2025 sẽ được thử nghiệm trên Superjet - loại máy bay đầu tiên do Nga chế tạo sau khi Liên Xô tan rã.

Theo kế hoạch, sau năm 2030, Nga cũng sẽ phát triển loại động cơ lực đẩy cao PD-35 dùng cho dòng máy bay thân rộng cũng do Nga sản xuất. Vấn đề duy nhất là vật liệu cho sản xuất mà Nga sẽ khó hoặc không thể nhập khẩu do các án phạt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Alikhanov cho biết ngành đang tiến hành nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, ngân sách có dự trù kinh phí cho việc này, để tiến tới tự chủ cả về vật liệu.

Do án phạt của phương Tây, nên Nga không thể mua hoặc thuê máy bay của hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Chính vì vậy, Nga chỉ có con đường duy nhất là tự chủ hoàn toàn, đặc biệt là khi nước này có lợi thế vì đã tự chế tạo được động cơ máy bay.

Tâm Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nga-du-dinh-cho-bay-thu-nghiem-may-bay-dan-dung-su-dung-dong-co-noi-dia-20241124174449031.htm
Zalo