Nga cho tên lửa chống hạm Bal-E 'thực chiến ảo' gần biển Baltic

Trong một động thái nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Baltic, các binh sĩ Nga vận hành hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E đã phóng điện tử nhắm vào các mục tiêu giả định ở khu vực Kaliningrad.

Cuộc tập trận huấn luyện phóng điện tử tên lửa diệt hạm Bal-E này đã được Bộ Quốc phòng Nga chính thức công bố vào ngày 26/8 vừa qua.

Phóng điện tử là quy trình huấn luyện chiến đấu giống tình huống thực tế, trong đó kíp vận hành thực hiện đầy đủ thao tác từ bám bắt tới nhấn nút khai hỏa, nhưng tên lửa không rời khỏi bệ phóng mà được mô phỏng lao tới mục tiêu trên màn hình.

Trong khuôn khổ các cuộc diễn tập này, các đơn vị Nga đang di chuyển đến các khu vực được chỉ định, sau đó nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu.

Bên cạnh phóng điện tử, binh sĩ Nga còn tiến hành tích hợp công nghệ UAV vào trong quá trình huấn luyện chiến đấu bảo vệ bờ biển.

Về cơ bản, các bệ phóng di động thuộc hệ thống Bal-E được triển khai trên bờ, nơi các quân nhân thực hành tấn công tàu địch giả định bằng các cuộc tấn công tên lửa điện tử.

Sau khi hoàn thành các cuộc tập trận, binh sĩ Nga sẽ nhanh chóng tái triển khai thiết bị của mình đến các địa điểm mới.

Để tăng thêm tính chân thực, các tàu chiến từ Hạm đội Baltic được sử dụng để mô phỏng các đơn vị địch trong các nhiệm vụ huấn luyện này.

Khoảng 100 quân nhân và khoảng 20 đơn vị xe cộ và thiết bị chuyên dụng đã tham gia vào cuộc tập trận đội hình tên lửa để phòng thủ ven biển.

Tên lửa bờ biển Bal-E là hệ thống phòng thủ cơ động được thiết kế để chống lại các tàu nổi.

Hệ thống vũ khí này nhằm mục đích bảo vệ vùng biển lãnh thổ, căn cứ hải quân và các cơ sở hạ tầng ven biển khác khỏi lực lượng hải quân thù địch.

Một đơn vị của Hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E thường bao gồm tối đa 4 bệ phóng tự hành, mỗi bệ phóng mang 8 tên lửa chống hạm Kh-35.

Ngoài ra, nó bao gồm các xe chỉ huy và điều khiển, xe vận chuyển và nạp đạn và xe hỗ trợ.

Hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E tranb bị radar Monolith-B giúp đảm bảo phát hiện mục tiêu, theo dõi và dẫn đường cho tên lửa tập kích tàu đối phương.

Hệ thống radar này có khả năng phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, cũng như có thể dẫn đường cho việc tiêu diệt đồng thời các mục tiêu trên.

Hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E được NATO định danh là AS-20 Kayak, đây là một trong số các hệ thống tên lửa chống hạm uy lực nhất hiện nay của Nga.

Đạn tên lửa của hệ thống này dài khoảng 3,85 mét và đường kính 0,42 mét, nặng 520 kg.

Tên lửa Kh-35 sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho giai đoạn đầu và động cơ phản lực để bay trong quá trình lao vào mục tiêu.

Sự kết hợp động cơ đẩy này cho phép tên lửa Kh-35 đạt tới 130 km, mẫu mới Nga đang phát triển có thể gia tăng tầm bay.

Được trang bị đầu dò radar chủ động, tên lửa Kh-35 có thể định vị và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao.

Hoạt động ở tần số băng tần X, tên lửa Kh-35 đảm bảo khả năng bắt và tấn công mục tiêu đáng tin cậy, ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Để dẫn đường, Kh-35 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính [INS] kết hợp với dẫn đường vệ tinh [GPS/GLONASS].

Sự kết hợp này đảm bảo dẫn đường chính xác giữa chặng bay, cho phép tên lửa điều chỉnh quỹ đạo và duy trì đúng hướng đến mục tiêu.

Bộ thiết bị điện tử hàng không của Kh-35 trang bị biện pháp đối phó điện tử tiên tiến [ECCM] để chống lại việc gây nhiễu điện tử.

Điều này cho phép tên lửa Kh-35 xuyên thủng hàng phòng thủ của đối phương và tiến hành tiêu diệt mục tiêu.

Phạm vi hoạt động của Kh-35 thay đổi tùy theo biến thể, thường kéo dài từ 130 đến 300 km. Phạm vi này cho phép Hệ thống tên lửa bờ biển Bal-E là một trong những hệ thống phòng thủ bờ biển uy lực nhất thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-cho-ten-lua-chong-ham-bal-e-thuc-chien-ao-gan-bien-baltic-post587449.antd
Zalo