Nga cân nhắc dùng 300 tỷ USD bị đóng băng để tái thiết Ukraine
Moscow có thể đồng ý sử dụng khối tài sản hơn 300 tỷ USD đang bị đóng băng tại châu Âu để tái thiết Ukraine sau chiến sự, các nguồn tin của Reuters cho biết.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Reuters.
Tuy vậy, giới chức Nga mong muốn số tiền này - ước tính khoảng 300-350 tỷ USD tùy biến động thị trường - không hoàn toàn dành cho Kyiv mà dành cả cho các vùng lãnh thổ miền Đông Ukraine đang bị Nga kiểm soát - những nơi bị Moscow coi là lãnh thổ Nga, theo bài viết được Reuters đăng tải hôm 21/2.
Theo một nguồn tin, nội bộ Nga đang thảo luận về khả năng chi tới hai phần ba số tài sản bị đóng băng cho Kyiv trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình. Phần còn lại sẽ dành cho những vùng mà Nga đang quản lý.
Một nguồn tin khác cũng khẳng định Moscow đồng ý chi tiền nhưng cho rằng vẫn chưa thể khẳng định tỷ lệ sẽ là bao nhiêu. Bên cạnh đó, các bên cũng sẽ cần thảo luận về danh sách công ty nhận được hợp đồng tái thiết.
Điện Kremlin từ chối bình luận về thông tin này. Bộ Ngoại giao Ukraine và Nhà Trắng chưa phản hồi đề nghị bình luận. Dù vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hôm 20/2 cho biết cơ quan của bà không tham gia cuộc đàm phán nào về dỡ bỏ cấm vận hay dỡ đóng băng tài sản.
Sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022, Mỹ và các nước phương Tây đã ngăn chặn các giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, qua đó phong tỏa hàng trăm tỷ USD tài sản của Moscow.
Khối tài sản này chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh và châu Âu được giữ trong một trung tâm lưu ký chứng khoán châu Âu.
Hồi năm 2023, G7 tuyên bố khối tài sản sẽ vẫn bị đóng băng tới khi Nga chi trả cho những thiệt hại mà nước này gây ra tại Ukraine.