Dây chuyền sản xuất tiêm kích Su-57 Felon tiên tiến nhất của Nga phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện vi điện tử của phương Tây, nếu thiếu những thiết bị này thì việc lắp ráp là không thể.
Thông tin nói trên được tờ Frontelligence Insight đăng tải sau khi khai thác một số hợp đồng mua sắm trang thiết bị của nhà sản xuất linh kiện điện tử quân sự Nga có tên Mikropribor mà họ có được.
Theo yêu cầu của người đứng đầu bộ phận mua sắm của Nhà máy Krasnoye Znamya (trực thuộc Tập đoàn vũ khí Almaz-Antey) và ban quản lý Công ty Mikropribor, linh kiện điện tử phương Tây giữ vai trò tối quan trọng và chưa thể thay thế.
Để quá trình sản xuất diễn ra thuận lợi, tại thời điểm tháng 8/2022, danh sách thiết bị cần thiết để hoàn thành tiêm kích Su-57 đã được đưa ra, trong đó bao gồm bộ máy trạm tự động hoàn chỉnh để kiểm tra và hiệu chỉnh sản phẩm có mã định danh MPPU-50.
Theo dữ liệu nhận được, khách hàng yêu cầu nhận đầy đủ thiết bị vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, danh sách còn bao gồm cả bộ thiết bị WA36, EA-PS 3150 và PLR7 60-12, chúng được cung cấp bởi một số công ty trung gian của Nga, sau khi họ mua từ nước ngoài.
Đáng chú ý nhất trong những thiết bị trên là cụm khí tài MPPU-50 - đây là một thành phần của máy thu vô tuyến hoạt động trên băng tần L và X, được sử dụng để liên lạc thông qua mạng lưới vệ tinh và radar.
Bức thư đề xuất mua sắm nhấn mạnh rằng những linh kiện nói trên giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất tiêm kích Su-57, và nếu nguồn cung bị gián đoạn có thể gây nguy hiểm cho dây chuyền lắp ráp, dẫn đến chậm tiến độ bàn giao máy bay.
Chưa dừng lại đây, theo dữ liệu được tiết lộ thì sự phụ thuộc của hoạt động sản xuất tiêm kích Su-57 không chỉ giới hạn ở linh kiện vi điện tử dành cho hệ thống hệ thống điện tử hàng không bên trong máy bay Nga.
Ngay sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế có hiệu lực, Công ty Mikroprybor đã ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp KMT, đơn vị này đảm nhận cung cấp cụm thiết bị Siemens KLE 360 do Đức sản xuất bằng cách tìm kiếm và mua từ nguồn trung gian.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận vào thời gian gần đây các công ty thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang rất tích cực sử dụng công ty trung gian từ nước thứ ba để lách các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ví dụ điển hình là Tập đoàn ARC của Kazakhstan đã mua thiết bị quân sự từ các công ty Thales và Safran của Pháp, bề ngoài là cho máy bay chiến đấu của Kazakhstan, nhưng thực chất lại lắp đặt chúng trên Su-30SM của Nga.
Ngoài ra theo cách tương tự, một số chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài, sau đó đã quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất máy bay của Nga, họ chịu trách nhiệm bảo dưỡng chiến đấu cơ và quản lý trang thiết bị nước ngoài cung cấp.
Thực trạng trên cho thấy ngành công nghiệp hàng không Nga vẫn phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài, đặc biệt là chip xử lý tốc độ cao do phương Tây sản xuất.
Bên cạnh nỗi lo về thiết trang thiết bị, còn có tâm lý lo ngại khác được thể hiện trong giới chức Nga, đó là bí mật quân sự sẽ bị tiết lộ cho đối phương nếu khí tài có cài cắm sẵn phương tiện trinh sát tình báo.
Trong tương lai gần, không loại trừ khả năng Nga sẽ phải mua thiết bị vi điện tử cần thiết từ Trung Quốc bởi dù sao Bắc Kinh vẫn là đồng minh thân thiết của Moskva.
Việt Dũng