New Zealand hủy bỏ các chính sách xanh để thúc đẩy kinh tế

Các thành tựu xanh của New Zealand đang bị đe dọa khi chính phủ đảo ngược cải cách về môi trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu và hiện thực hóa cam kết với cử tri.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 19/6/2024 (Ảnh: Pool/REUTERS)

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 19/6/2024 (Ảnh: Pool/REUTERS)

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, liên minh trung hữu của Thủ tướng Christopher Luxon tuyên bố sẽ đảo ngược lệnh cấm thăm dò dầu khí, đẩy lùi thời gian áp dụng giá carbon cho khí thải nông nghiệp thêm 5 năm và khuyến khích khai thác nhiều hơn.

Đây là một trong những ưu tiên của chính phủ hướng tới việc tăng xuất khẩu để hỗ trợ nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,3% tính đến tháng 3/2024, mức tăng trưởng thấp nhất trong cùng kỳ kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra và thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 6,8% GDP.

Xuất khẩu chiếm gần 1/4 nền kinh tế New Zealand.

"Bối cảnh kinh tế hiện tại có thể xem là tồi tệ nhất trong suốt sự nghiệp của tôi", Bộ trưởng Tài nguyên Shane Jones cho biết.

"Vì vậy, khi có cơ hội thúc đẩy sự trở lại của ngành khoáng sản, động lực chính là sự hiểu biết rõ ràng về tình hình kinh tế hiện tại", ông nói thêm.

Ngành nông nghiệp, bao gồm đánh bắt cá, đóng góp 5% vào nền kinh tế và chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những người nông dân từng ủng hộ chính quyền Luxon cho biết, các chính sách môi trường mà chính phủ liên minh đang nỗ lực đảo ngược sẽ khiến quá trình sản xuất sữa và thịt trở nên tốn kém.

Dù tầng lớp nông dân và giới doanh nghiệp hoan nghênh những thay đổi này, nhưng các nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích liên minh vì những chính sách mà họ cho là thiển cận.

"Họ không xem xét cả hai mặt của vấn đề và những tác động kinh tế của việc phá hủy môi trường chỉ vì một vài đồng cho chính phủ hiện nay, điều này gây nguy hiểm cho sự phát triển của các thế hệ New Zealand tương lai", Nicola Toki, Giám đốc Điều hành của tổ chức môi trường Forest and Bird cho biết.

Tuần trước, hãng hàng không quốc gia Air New Zealand đã hủy mục tiêu phát thải năm 2030, với lý do là sự chậm trễ trong việc cung cấp máy bay mới và giá nhiên liệu thân thiện với môi trường cao. Đảng Xanh đối lập cho biết họ lo ngại rằng cách tiếp cận “thiếu tham vọng” của chính phủ đối với biến đổi khí hậu sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp làm theo.

Một báo cáo từ Ủy ban Khí hậu của chính phủ được công bố vào tuần trước cho biết, có những rủi ro đáng kể đối với việc New Zealand đạt được mục tiêu phát thải trong nước năm 2030 và 2035, với cam kết giảm khí mê-tan từ động vật và chất thải.

Báo cáo cho biết, bất kỳ sự thiếu hụt nào trong việc đạt được các mục tiêu này đều sẽ làm tăng nhu cầu về các biện pháp giảm thiểu từ nước ngoài để đáp ứng các cam kết quốc gia. Bộ Tài chính năm ngoái dự đoán việc giảm thiểu có thể tiêu tốn 23,5 tỷ NZD (14 tỷ USD).

Rủi ro về phát thải

Chính phủ New Zealand hiện đang triển khai kế hoạch biến đổi khí hậu, bao gồm trồng thêm cây xanh, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và đầu tư vào công nghệ tiên tiến để giảm phát thải.

Bộ trưởng Khí hậu Simon Watts cho biết, chính phủ kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu năm 2030 nhưng thừa nhận rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu năm 2035.

“Chính phủ cam kết đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhưng cách thực hiện sẽ khác so với trước đây”, ông nói. “Chúng tôi đang áp dụng giải pháp tiết kiệm chi phí để đạt được các mục tiêu khí hậu. Vì vậy, chúng tôi sẽ không đóng cửa các ngành đang thúc đẩy kinh tế và xuất khẩu”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cho rằng như vậy là chưa đủ.

Sara Walton, Giám đốc nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Otago, cho biết: “New Zealand sẽ gánh chịu thiệt hại đáng kể về uy tín và tài chính nếu không đạt được các mục tiêu đã đề ra”.

Walton cho biết: "Các doanh nghiệp cần phải giảm lượng khí thải nhiều hơn nữa để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế về mặt chuỗi cung ứng".

Sau cuộc bỏ phiếu ở nông thôn giúp chính phủ liên minh ba đảng lên nắm quyền vào năm ngoái, chính phủ cam kết sẽ loại ngành nông nghiệp khỏi hệ thống giao dịch khí thải.

Lượng khí thải từ nông nghiệp vẫn sẽ bị đánh thuế từ năm 2030, nhưng các quy định về bảo vệ "các khu vực tự nhiên quan trọng" để hỗ trợ đa dạng sinh học đang bị tạm hoãn.

Các lĩnh vực khác mà chính phủ hướng đến là năng lượng và tài nguyên khoáng sản.

Chính phủ tuyên bố sẽ cho phép thăm dò dầu khí trở lại, vốn đã bị cựu Thủ tướng Jacinda Ardern cấm vào năm 2018, nhằm mục đích giảm lượng than nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu và giữ giá năng lượng ở mức thấp cho người dân và các doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu khoáng sản lên 2 tỷ USD New Zealand trong 10 năm và công bố kiểm kê các nguồn tài nguyên của quốc gia.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã đề xuất một quy trình cấp phép tinh giản, cho phép các mỏ khai thác lách luật, nếu họ giành được sự chấp thuận của Bộ trưởng.

Cindy Baxter, Chủ tịch của nhóm bảo vệ môi trường Kiwis against Seabed Mining, lo ngại rằng điều này sẽ cho phép một dự án khai thác gây tranh cãi được tiến hành ở bờ biển phía Tây New Zealand.

"Đó là một vùng biển tuyệt đẹp với các rạn san hô và sinh vật biển, chúng có thể bị phá hủy hoàn toàn bởi hoạt động khai thác", Baxter cho biết.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/new-zealand-huy-bo-cac-chinh-sach-xanh-de-thuc-day-kinh-te-715615.html
Zalo