Nếu tôi làm sếp
Báo chí và mạng xã hội lại 'lên máu' trước việc một người mua hàng định 'quỵt' tiền shipper, hay nói chính xác là đang ở giai đoạn gây khó khăn, hành anh shipper đến khổ mà vẫn chưa trả tiền, và hành xử nhanh, dứt khoát và rất đáng khen của anh sếp (sếp của cô gái mua hàng).
Chuyện ở Đà Nẵng, nơi cách đây không lâu, cũng một cô gái chày bửa với anh giao hàng, hành anh này ra bã mà vẫn không chịu trả tiền, lại còn đánh giá xấu, đẩy anh này vào thế vừa phải đền tiền hàng, bị quỵt 4 ngàn tiền công, và khả năng là bị phạt thêm 500 ngàn nữa vì bị đánh giá xấu.
Để rồi, án mạng xảy ra, anh giao hàng để lấy tiền công chỉ bốn ngàn đồng bị đánh chết. Lúc này là giáp tết, để lại vợ và con thơ, vợ người Cơ Tu, không có việc làm ổn định, ở nhà chăm con nhỏ, mới 5 tuổi, chỉ trông chờ tiền công làm thuê của chồng...

Câu chuyện của nam shipper được đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh: Tuổi trẻ.
Và vụ mới xảy ra này, cũng một cô gái đặt hàng, rồi gây khó dễ, không chịu thanh toán: "Anh H. (shipper) cho biết đã phải bỏ tiền túi nộp thay khách hàng rồi sau đó nhiều lần nhắc N.V. chuyển khoản, thậm chí nhắc lại chuyện người đồng nghiệp xấu số trong vụ hành hung chết người tại Đà Nẵng trước tết. Anh H. bày tỏ không muốn sự việc đi quá xa nhưng cô này liên tục viện nhiều lý do và kết cục là shipper vẫn không nhận được tiền. Tối 12/2, anh H. hẹn N.V. qua nhà lấy tiền thì bị nữ khách hàng này thách thức. Biết chuyện, trưởng trạm logistics của L.Q.H. lo lắng dễ tái diễn vụ shipper bị đánh chết nên đã đi theo. Tại nhà N.V., người trưởng trạm cũng đã vận động nữ khách hàng trả tiền nhưng bất thành. Vì vậy, anh H. bức xúc quay clip và đưa lên mạng xã hội để làm cơ sở giải quyết. Từ đó, vụ "ngâm" tiền khiến mạng xã hội dậy sóng. "Đến tối về, tôi lại năn nỉ trả tiền nhưng chị này vẫn không trả, còn nói tôi phải qua nhà xin lỗi đàng hoàng mới trả tiền. Tôi rất bức xúc, trong khi đơn hàng chỉ có 4.000 đồng thù lao, tôi chỉ muốn lấy lại tiền của mình và mọi việc êm xuôi", shipper L.Q.H. nói", Trích tường thuật trên báo TN.
Và ngay sau đấy, một cú xả sú páp ngoạn mục đã diễn ra.
Sếp của cô gái định quỵt tiền shipper ấy, sau khi nghe anh em nhân viên trong công ty báo lại vì đã biết sự việc qua mạng xã hội, đã chuyển 245 ngàn tiền hàng của cô này cho shipper, gửi lời xin lỗi shipper, và chấm dứt hợp đồng lao động với cô gái này.
Sự việc này được rất nhiều người ủng hộ và hoan nghênh.
Tôi thì đánh giá rất cao cách ứng xử vừa văn minh vừa dứt khoát, cao thượng của vị lãnh đạo này.
Thực ra thì tôi biết, một số chị em phụ nữ có thói quen hay trả giá, nhất là đi chợ nhỏ, chợ vỉa hè. Vài người có thể bỏ vài triệu để mua món hàng hiệu, để làm đẹp, như sơn sửa móng tay móng chân, gội đầu, làm tóc... nhưng gặp người bán rau muống vài ngàn một bó họ vẫn có thói quen trả giá. Cũng khó lý giải cái thói quen này, và tôi biết có vài người kỳ kèo trả giá thế nhưng khi trả tiền thì... không lấy lại tiền thối. Có thể nó là thói quen tiểu nông chợ xép từ nhỏ, thậm chí... gia truyền, chứ giờ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, họ găm sẵn giá, chỉ có việc nhìn rồi nhặt hàng cho vào giỏ rồi ra thanh toán thì cái thói quen như một khoái cảm ấy nó hết đất sống.
Nhưng ở đây nó không phải là trả giá, nó là, một là định quỵt món tiền ấy, và hai là "hành" cho sướng, như một khoái thú. Cả hai đều đáng bị lên án. Bởi đã đi làm shipper là đã rất khó khăn rồi, mỗi món hàng giao thành công họ được 4 ngàn tiền công. Bốn ngàn ạ, có thể cái chị định quỵt kia cũng không giàu, nhưng nhẫn tâm quỵt tiền để tước 4 ngàn tiền công của shipper, và khi biết anh này đã phải trả tiền để thanh toán trong ngày thì số tiền ấy lên 245 ngàn, thì nó quá là ác. Tôi cũng không biết là với hành động định quỵt 245 ngàn thì pháp luật có vào cuộc được không, nhưng có điều chắc chắn là, dân ta đã có câu "được vạ thì má sưng", bỏ thời gian đi lại kiện tụng thì quả là rất ít người muốn, nhất là nghề shipper, không chạy giao hàng là đói ngay, thời gian đâu mà lên xuống kiện tụng...
Nhưng cũng có những ý kiến phản biện rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Đây là ý kiến của một bạn đọc gửi cho tôi: "Với kinh nghiệm cá nhân từng gần 20 múa bút từ hình ảnh qua viết lách, rồi nghỉ về công ty gia đình... thì tôi thấy cách xử của ông giám đốc là quá dở, không đáng làm lãnh đạo. Vì khi nhân viên của mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì việc đầu tiên là phải gặp tìm hiểu lý do và đưa phương án giải quyết giúp, làm sao để họ thấy cái sai hay họ có khúc mắc gì đó. Rất tồi khi nhân danh giám đốc đối xử với người làm thuê bằng cách chuyển tiền, đuổi việc... đề cộng đồng mạng hân hoan, cổ vũ. Theo tôi, đó là hành động phông bạt tệ hại...
Sao chúng ta không chịu lùi lại chút suy nghĩ, đâu là nguyên nhân thực khiến chị kia hành động như thế, liệu có khuất tất gì giữa bên bán và bên mua trong khi shipper cửa giữa chỉ là người giao hàng... việc làm của ông giám đốc và dư luận có vô tình không khi đẩy một cá nhân (gia đình) họ vào đường cùng. Chúng ta cũng biết rõ, đâu phải sự thật nào cũng là sự thật giữa xã hội bát nháo này. Trong khi mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có những việc diễn ra ngay trước mắt mà chúng ta vẫn bị lừa"...
Thì cũng nêu ra một ý kiến ngược dòng để chúng ta suy nghĩ, chứ tôi thì thấy, cô gái mua hàng kia hoàn toàn không thể biện hộ cho việc làm quá đáng của mình. Và hành xử của anh giám đốc, nó rất hào sảng và đáng được hoan nghênh. Cũng nói thêm, cô gái kia mới chỉ là cộng tác viên thử việc. Nếu là tôi, tôi cũng không để một nhân viên như thế trong cơ quan mình, tất nhiên là, nếu tôi làm sếp...