Nếu nhu cầu du lịch Halal được đáp ứng 1, khách Hồi giáo sẽ đáp lại gấp 10

Đó là phát biểu của Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Mehdizade ở Hội thảo quốc tế Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra ngày 15/4.

Ban điều hành Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”. (Ảnh: Hải Phương)

Ban điều hành Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội”. (Ảnh: Hải Phương)

Sự kiện do Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội (thuộc UBND thành phố Hà Nội) phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) đồng tổ chức.

Gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Thủ đô hướng tới thị trường tiềm năng với hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu.

Toàn cảnh khách mời tham dự Hội thảo. (Ảnh: Hải Phương)

Toàn cảnh khách mời tham dự Hội thảo. (Ảnh: Hải Phương)

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội nhấn mạnh, du lịch Hồi giáo đang là xu hướng toàn cầu, đóng góp ngày càng quan trọng vào ngành du lịch nhiều quốc gia.

Hiện nay, dân số nhóm người này chiếm khoảng 30% dân số thế giới và dự báo du lịch Hồi giáo sẽ đóng góp 350 tỷ USD vào tổng doanh thu ngành du lịch toàn cầu vào năm 2030.

Trên thế giới, hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã có chính sách và đầu tư phát triển du lịch Hồi giáo và rất thành công trong lĩnh vực này. Ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ chú trọng thúc đẩy phát triển ngành du lịch, trong đó có du lịch Hồi giáo. Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển du lịch, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tại Thủ đô nói riêng và trong nước nói chung còn nhiều hạn chế. Định hướng phát triển du lịch Hồi giáo tại Hà Nội sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường tiềm năng này và phù hợp với xu thế phát triển du lịch toàn cầu.

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Hải Phương)

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Hải Phương)

Với mục tiêu đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Hồi giáo tại Việt Nam và Hà Nội.

Cũng tại sự kiện, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Mehdizade đã có những chia sẻ về khái niệm Halal, vai trò, ý nghĩa của Halal trong văn hóa Hồi giáo, cũng như những yêu cầu và kỳ vọng của du khách Hồi giáo khi đến Việt Nam.

Halal là một thuật ngữ trong tiếng Arab có nghĩa là "được phép" hoặc "hợp pháp". Halal không chỉ áp dụng cho thực phẩm mà còn bao gồm các khía cạnh khác của cuộc sống như tài chính, trang phục, hành vi... theo giáo lý của đạo Hồi.

Đại sứ Azerbaijan Shovgi Mehdizade bày tỏ vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của thị trường du lịch Hồi giáo. (Ảnh: Hải Phương)

Đại sứ Azerbaijan Shovgi Mehdizade bày tỏ vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của thị trường du lịch Hồi giáo. (Ảnh: Hải Phương)

“Du khách Hồi giáo kỳ vọng được tôn trọng, chào đón và đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, cầu nguyện và các hoạt động tôn giáo khi đến Việt Nam. Nếu các nhu cầu này được đáp ứng 1, họ sẽ đáp lại bằng cách ủng hộ và hỗ trợ cộng đồng địa phương gấp 10 lần”, Đại sứ Mehdizade khẳng định.

Đồng quan điểm, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Kohdayar Marri nhận định tiềm năng Halal "rất lớn", Hà Nội "có thể mở rộng hoạt động thương mại du lịch lên hàng trăm % chỉ bằng cách đáp ứng nhu cầu của những khách du lịch cụ thể".

Về yêu cầu cơ bản của người Hồi giáo khi tham gia vào hoạt động du lịch ở các nước, ông Ramlan Osman, Giám đốc HALCERT nêu 6 điểm nổi bật, đó là: Cung cấp thực phẩm đúng tiêu chuẩn Halal; có nơi cầu nguyện với cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng nhu cầu cầu nguyện 5 lần 1 ngày của người Hồi giáo; có sự riêng tư trong hoạt động giải trí - tách riêng khu dành cho nam và khu cho nữ; cơ sở vật chất vệ sinh đầy đủ nước sạch, tiết kiệm, đảm bảo nhà vệ sinh, phòng tắm có nước tẩy rửa, vòi xịt đóng; có những khu du lịch phù hợp, thân thiện với gia đình, tránh có hoạt động, địa điểm không phù hợp với trẻ em.

Bàn thêm về tiềm năng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc phát triển du lịch Halal, PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi nhấn mạnh vai trò của Thủ đô với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, song cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế như thiếu cơ sở cầu nguyện, dịch vụ chưa đồng bộ và nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ thị trường Halal.

Giám đốc HALCERT Ramlan Osman trình bày các tiêu chuẩn Việt Nam về chứng nhận Halal hiện nay. (Ảnh: Hải Phương)

Giám đốc HALCERT Ramlan Osman trình bày các tiêu chuẩn Việt Nam về chứng nhận Halal hiện nay. (Ảnh: Hải Phương)

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ quan điểm, Hà Nội có thể trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực về tiếp cận thị trường Halal bằng cách tận dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình chiến lược để biến Thủ đô thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các "Halal Friendly Zones" - khu vực thân thiện với người Hồi giáo - tại các quận trung tâm. Thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực phục vụ trong ngành lưu trú và ẩm thực, với chỉ tiêu đến năm 2030 có ít nhất từ 10 đến 20 khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách Hồi giáo, đồng thời khoảng 30% nhà hàng tại khu vực trung tâm có khả năng cung cấp món ăn đạt tiêu chuẩn Halal.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về khái niệm, bản chất, nguồn gốc của tiêu chuẩn Halal; sự phát triển về du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Việt Nam; xu hướng phát triển du lịch Halal toàn cầu; cơ hội cho Hà Nội và những vấn đề về du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của người Hồi giáo.

Một số hình ảnh bên lề hội thảo:

Đại sứ Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Kohdayar Marri thưởng trà tại gian hàng trà đạt chuẩn Halal. (Ảnh: Hải Phương)

Đại sứ Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Kohdayar Marri thưởng trà tại gian hàng trà đạt chuẩn Halal. (Ảnh: Hải Phương)

Các loại trà thương hiệu Việt Nam được chứng nhận Halal trưng bày tại khu vực bên ngoài Hội trường. (Ảnh: Hải Phương)

Các loại trà thương hiệu Việt Nam được chứng nhận Halal trưng bày tại khu vực bên ngoài Hội trường. (Ảnh: Hải Phương)

Tiết mục múa rối nước giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế của NSƯT Trần Quý Quốc (Quốc Rối). (Ảnh: Hải Phương)

Tiết mục múa rối nước giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế của NSƯT Trần Quý Quốc (Quốc Rối). (Ảnh: Hải Phương)

Hải Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/neu-nhu-cau-du-lich-halal-duoc-dap-ung-1-khach-hoi-giao-se-dap-lai-gap-10-311237.html
Zalo