Nếu nhà trường dạy tốt, học sinh sẽ ít có nhu cầu đi học thêm bên ngoài
Hiện nay, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đổ xô đi đăng ký dạy thêm học thêm. Điều này cho thấy, dạy thêm học thêm khó thể hạn chế được nếu nhà trường không trở thành trung tâm của việc dạy học.
Để triển khai công tác quản lý dạy thêm, học thêm nhiều địa phương đã có công văn hướng dẫn thầy cô giáo và các nhà trường thực hiện quán triệt tinh thần của Thông tư 29.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà trường và giáo viên về trách nhiệm là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.
Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.

Áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân học thêm, dạy thêm tràn lan (ảnh minh họa)
Trong quản lý dạy thêm, học thêm ngành giáo dục kêu gọi cần sự đồng hành với nhà trường để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục (nhà trường, gia đình và xã hội).
Tuy nhiên, có thực tế sau khi Thông tư 29 ra đời, việc các tổ chức, cá nhân đăng ký dạy thêm học thêm tăng mạnh. Nhiều địa phương, hồ sơ xin cấp phép dạy thêm tăng đột biến.
Đơn cử như tại Quận Hải Châu, Đà Nẵng, bình thường mỗi ngày có 50 hồ sơ đăng ký kinh doanh thì nay tăng lên 100 hồ sơ sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2.
Tại Hà Nội, số hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm cũng tăng mạnh. Tại nhiều quận như Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm ghi nhận sự tăng đột biến về số hồ sơ đăng ký dạy thêm, học thêm.
Có thể thấy, Thông tư 29 đang thay đổi vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm trong đó có vấn đề về quản lý dạy thêm học thêm có thu tiền.
Tuy nhiên để dạy thêm không nở rộ, học sinh không quá áp lực trong việc tham gia học tập bên ngoài nhà trường thì cần thiết nhà trường phải là trung tâm của dạy học.
Anh Nguyễn Đức Minh ở quận Hà Đông cho rằng, nếu nhà trường dạy học đáp ứng đủ nhu cầu học tập của các em thì học sinh không cần đi học thêm bên ngoài. Vì thế, có xuất hiện nhiều trung tâm dạy thêm, học thêm đi nữa thì học sinh cũng không có nhu cầu nhiều đi học thêm.
Theo đó, việc dạy thêm, học thêm có nhiều nguyên nhân, tâm lý mong muốn đạt điểm cao của nhiều học sinh và phụ huynh để có cơ hội vào các trường tốt, lớp chọn. Một số em cảm thấy kiến thức của mình còn hổng, chưa theo kịp chương trình chính khóa, cần học thêm để bù đắp.
Nhiều học sinh khá giỏi muốn học thêm để nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết của mình. Ngoài ra đôi khi, học sinh học thêm vì thấy bạn bè mình học thêm, hoặc do áp lực từ xã hội về việc phải học giỏi.
Trong khi đó, dạy thêm là một cách để giáo viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Một số giáo viên có thời gian rảnh muốn tận dụng để dạy thêm, vừa có thêm thu nhập, vừa giúp học sinh.
Bên cạnh đó, chương trình học chính khóa đôi khi quá tải, khiến học sinh không nắm vững kiến thức.
Chị Nguyễn Minh Tuyết ở Nam Từ Liêm cho rằng, việc phương pháp dạy học ở một số trường còn chưa hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm của học sinh. Một số trường còn thiếu cơ sở vật chất, không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, sĩ số lớp quá đông khiến giáo viên không thể quan tâm đến từng học sinh.
Hiện nay, dạy thêm có nhiều hình thức khác nhau, từ dạy kèm tại nhà đến các lớp học thêm, trung tâm luyện thi, gây khó khăn cho việc quản lý. Học sinh phải học quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, gây áp lực, căng thẳng. Việc học quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hạn chế dạy thêm, học thêm cần nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa để học sinh nắm vững kiến thức ngay tại trường.
Thầy cô cần đổi mới phương pháp dạy học để thu hút sự quan tâm của học sinh, giúp các em chủ động, sáng tạo hơn trong học tập. Địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm, xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm trái quy định. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức xã hội về việc học thêm, không nên quá đặt nặng vấn đề điểm số, thành tích.
Có thể thấy, nếu giao trách nhiệm rõ ràng cho nhà trường và thầy cô về chất lượng giáo dục thì việc học thêm ngoài nhà trường sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện vì dạy học là một công việc rất vất vả, nỗ lực của thầy cô cũng có hạn, trong khi đời sống lại không hề dễ dàng.
Chính vì thế, ngoài việc siết chặt cấm dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa thì cũng có chính sách tạo động lực tích cực để thầy cô yên tâm dạy học.