Nếu Israel kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah, mục đích của họ là gì?

Vụ tấn công vô tiền khoáng hậu sử dụng loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah làm vũ khí sát thương có thể là lời cảnh báo từ phía Israel rằng phương tiện liên lạc mà Hezbollah cho là an toàn nhất vẫn có thể bị công phá, báo CNN đưa tin.

Vì sao Hezbollah sử dụng máy nhắn tin?

Theo hãng tin CNN, từ lâu Hezbollah luôn khẳng định việc duy trì được yếu tố bí mật chính là nền tảng trong chiến lược quân sự của lực lượng này. Chính vì thế, Hezbollah thường không sử dụng các thiết bị công nghệ cao nhằm tránh khả năng bị cài cắm các phần mềm gián điệp của Israel và Mỹ.

Lực lượng an ninh Lebanon có mặt tại hiện trường vụ kích nổ loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah do Israel tiến hành (Ảnh: Getty Images).

Lực lượng an ninh Lebanon có mặt tại hiện trường vụ kích nổ loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah do Israel tiến hành (Ảnh: Getty Images).

Không giống như các lực lượng khác tại Trung Đông, các đơn vị trong lực lượng Hezbollah được cho là đã thiết lập một mạng truyền thông nội bộ để liên lạc với nhau. Đây được coi là một trong những nền tảng quan trọng nhất giúp Hezbollah có thể tồn tại và hoạt động như một "nhà nước bên trong một nhà nước".

Từ đầu năm nay, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã kêu gọi các thành viên của lực lượng đang chiến đấu với binh sĩ Israel ở khu vực biên giới phía Nam Lebanon vứt bỏ điện thoại di động với lý do Israel có thể nhờ đó theo dõi nhất cử nhất động của họ.

"Hãy tắt điện thoại, chôn vùi hoặc đặt trong một chiếc hòm sắt và khóa chặt lại. Kẻ tiếp tay cho Israel chính là những chiếc điện thoại di động trong tay các bạn hoặc vợ con các bạn. Điện thoại di động chính là những kẻ đồng lõa và những tên sát nhân", thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah tuyên bố hồi tháng 2.

Theo cựu quan chức tình báo và chuyên gia phân tích Trung Đông người Israel Avi Melamed, Hezbollah từ lâu đã chuyển sang sử dụng những thiết bị liên lạc lỗi thời như máy nhắn tin để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia Melamed ngay cả phương pháp này cũng không phải không có những rủi ro.

"Hezbollah sử dụng những thiết bị này với suy nghĩ rằng sẽ an toàn hơn do điện thoại di động có thể bị theo dõi bằng Hệ thống định vị Toàn cầu (GPS). Tuy nhiên, chính thiết bị liên lạc lỗi thời này đã bị khai thác để chống lại họ", ông Melamed nhận định.

Mục đích tấn công

Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ máy nhắn tin và đe dọa sẽ trừng phạt trong khi Israel hiện chưa bình luận về vụ tấn công và cũng không thừa nhận thực hiện.

Song, theo nhà phân tích tình báo thuộc đài CNN John Miller, qua vụ kích nổ loạt thiết bị nhắn tin nói trên, khả năng Israel muốn truyền đi một thông điệp rõ ràng tới Hezbollah rằng họ có thể tiếp cận với Hezbollah ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và họ có thể làm điều đó chỉ với một lần bấm nút.

Bên cạnh đó, chiến dịch này của Israel nhiều khả năng còn nhằm tạo ra sự hoảng loạn giữa các thành viên Hezbollah, làm giảm khả năng tuyển mộ các chiến binh và xói mòn niềm tin vào các thủ lĩnh trong việc đảm bảo an ninh cho các chiến dịch và nhân sự của Hezbollah.

Khung cảnh hỗn loạn bên ngoài Trung tâm Y tế Beirut thuộc Đại học Hoa Kỳ ở thủ đô Beirut, Lebanon, nơi các nạn nhân được đưa vào điều trị (Ảnh: Reuters).

Khung cảnh hỗn loạn bên ngoài Trung tâm Y tế Beirut thuộc Đại học Hoa Kỳ ở thủ đô Beirut, Lebanon, nơi các nạn nhân được đưa vào điều trị (Ảnh: Reuters).

Ông Amos Yadlin, chuyên gia chiến lược hàng đầu của Israel nhận định, vụ Israel kích nổ loạt thiết bị nhắn tin của Hezbollah đã cho thấy khả năng xâm nhập bằng công nghệ và tình báo tinh vi của Israel, qua đó phát đi lời cảnh báo tới Hezbollah.

Khi được hỏi về việc tại sao Israel lại thực hiện vụ tấn công kiểu như trên, nhà báo người Liban Kim Ghattas cho rằng, hành động này của phía Israel có thể nhằm đe dọa buộc Hezbollah phải khuất phục đồng thời muốn khẳng định rõ ràng rằng việc Hezbollah gia tăng các cuộc tấn công về phía Israel sẽ nhận lại đòn đáp trả gay gắt hơn.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Israel thực hiện một vụ tấn công sử dụng thiết bị kích hoạt từ xa. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2009 và 2010, Israel và Mỹ đã kích hoạt một virus máy tính phức tạp có tên Stuxnet phá hủy các máy li tâm tại một cơ sở hạt nhân của Iran.

Đến năm 2020, một nhà khoa học người Iran đã bị ám sát ngay giữa thủ đô Tehran bằng một khẩu súng máy điều khiển từ xa được gắn bên ngoài một chiếc xe hơi. Mới đây nhất, năm 2024, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đã thiệt mạng do một thiết bị được cài cắm bên trong nhà khách nơi ông nghỉ ngơi tại Tehran phát nổ.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/neu-israel-kich-no-hang-loat-may-nhan-tin-cua-hezbollah-muc-dich-cua-ho-la-gi-192240918101355192.htm
Zalo