Tái khởi động đàm phán Nga - Ukraine?

Chưa biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ làm thế nào để thực hiện tuyên bố trước đó rằng 'chấm dứt xung đột Ukraine' khi chính thức nắm quyền từ tháng 1-2025, song việc ông trở lại Nhà Trắng được cho sẽ mở ra khả năng thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự đã kéo dài hơn 2 năm rưỡi qua với những tổn thất nặng nề cho cả hai phía.

Khó có thể giành chiến thắng trên chiến trường

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5-11 trước đối thủ là nữ Phó Tổng thống Kamala Harris có khả năng góp phần thúc đẩy để mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột quân sự Ukraine. Cuộc xung đột quân sự khốc liệt này bùng phát trong nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Mỹ Joe Biden, kéo dài hơn 2 năm rưỡi qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm chấm dứt.

Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng được cho sẽ gây áp lực lớn để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensk chấp nhận đàm phán với Nga

Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng được cho sẽ gây áp lực lớn để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensk chấp nhận đàm phán với Nga

Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay từ đầu khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bùng phát đã luôn dành cho Kiev sự ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ, một mặt siết chặt cấm vận chống Nga, một mặt viện trợ tối đa cho Ukraine. Đến nay, Mỹ và các đồng minh đã viện trợ quân sự hàng trăm tỷ USD, trang bị cho quân đội Ukraine gần như mọi loại vũ khí thông thường hiện đại từ xe tăng, pháo, tên lửa… đến máy bay chiến đấu F-16.

Trong đó, Mỹ viện trợ nhiều nhất với hơn 60 tỷ USD và sự hậu thuẫn này đã góp phần gần như quyết định để Ukraine duy trì được thế giằng co trên chiến trường hiện nay với phía Nga có nguồn lực mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, sự ủng hộ và hậu thuẫn của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như các đồng minh chỉ giúp Ukraine cầm cự, chứ không thể giành chiến thắng trước Nga. Sự giằng co khốc liệt trên chiến trường đã kéo Nga và Ukraine vào một cuộc xung đột quân sự chưa thấy điểm dừng với tổn thất ngày càng nặng nề cho cả hai phía.

Hiện nay vẫn rất khó để biết tương đối chính xác số thương vong của Nga và Ukraine trong cuộc xung đột quân sự bởi cả hai bên đều không tiết lộ hay thống kê tổn thất về nhân lực cũng như vật lực. Giới quân sự thế giới cho rằng, số thương vong của hai bên đều rất lớn, ước tính con số thiệt mạng của mỗi bên lên tới hàng trăm nghìn binh sĩ và hàng trăm nghìn binh sĩ khác bị thương. Nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây tiếp tục đổ vào Ukraine với hy vọng giúp quân đội nước này cầm cự với Nga, đồng thời theo đuổi cuộc phản công khi có cơ hội. Mặc dù, Ukraine đã tận dụng được những sai lầm chiến thuật của Nga trong năm đầu tiên, song cuộc phản công vào mùa hè 2023 của họ đã thất bại và hứng chịu tổn thất nặng nề.

Ukraine hiện nay không thể đẩy lùi quân Nga ra khỏi lãnh thổ như tuyên bố trước đó và cũng không thể giành được vị thế tốt để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán, trong bối cảnh hai bên đều hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tính đến nay, Nga chỉ kiểm soát khoảng trên dưới 20% lãnh thổ Ukraine, tỷ lệ này là 7% vào đêm trước xung đột bùng phát ngày 24-2-2022 và tăng lên 27% trong những tuần đầu sau chiến dịch được phát động. Nga hồi cuối năm 2022 đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, dù không kiểm soát hoàn toàn những tỉnh này.

Thực tế hơn 2 năm rưỡi xung đột khốc liệt cho thấy, Nga hay Ukraine đều khó có thể giành chiến thắng trên chiến trường để kết thúc cuộc xung đột, nói cách khác phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột. Giải pháp này trước hết cần phải ngừng bắn và ngồi xuống đàm phán với nhau. Nga và Ukraine từng tiến hành đàm phán sau khi xung đột bùng phát có 4 ngày, tức ngày 28-2-2022, vào thời điểm các lực lượng Nga đã chiếm giữ các vùng lãnh thổ ở phía Nam, phía Đông và phía Bắc Ukraine và tiến gần đến Thủ đô Kiev. Một vòng đàm phán diễn ra trực tiếp và một số vòng khác được tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa hai bên chấm dứt vào cuối tháng 4-2022 không thống nhất được các điều khoản trong khi chiến sự leo thang ác liệt.

Kế hoạch hòa bình của ông Donald Trump?

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump từng tuyên bố có thể “chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ”. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7-2023, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tôi sẽ nói với Zelensky (Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) rằng: “Không còn cách nào khác. Anh phải đạt được một thỏa thuận”. Và tôi sẽ nói với Putin (Tổng thống Nga Vladimir Putin) rằng: “Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine”.

Vị cựu Tổng thống nay là Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố chắc nịch rằng: “Tôi sẽ hoàn thành thỏa thuận chỉ trong một ngày”. Tuyên bố có thể “chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ” của Tổng thống đắc cử Donald Trump tất nhiên không thể dễ dàng và nhanh chóng như khẳng định trước đó của ông. Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025 chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới cuộc xung đột quân sự tại Ukraine bởi ông có cách tiếp cận cuộc xung đột hoàn toàn khác với chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng phản đối viện trợ vô điều kiện cho Ukraine và nhất là không thể cứ viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev mà không biết điểm dừng của cuộc chiến này. Thậm chí có lần ông còn hé lộ khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine dưới dạng khoản vay. Vì thế, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trước và Kamala Harris - người được cho có quan điểm, chính sách đối ngoại cơ bản như Tổng thống Joe Biden - được cho sẽ thay đổi lớn tới chính sách của Mỹ đối với Ukraine cũng như cuộc xung đột tại đây trong thời gian tới.

Hồi tháng 4 vừa qua, tờ nhật báo hàng đầu của Mỹ Bưu điện Washington (Washington Post) đưa tin rằng, ông Donald Trump có ý định gây áp lực lên Ukraine để họ từ bỏ bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014 và vùng Donbass ở phía Đông. Đến tháng 6, hai cố vấn cấp cao của ông Donald Trump đưa ra kế hoạch yêu cầu Ukraine đàm phán hòa bình với Nga, nếu không Mỹ sẽ ngừng viện trợ quân sự. Kế hoạch này đề xuất lệnh ngừng bắn, giữ nguyên tình trạng hiện tại trên chiến trường. Cố vấn của ông Donald Trump còn nhấn mạnh rằng nếu Nga từ chối, Mỹ sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Gần đây, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin, nhóm của ông Donald Trump đã thảo luận về ý tưởng thiết lập các khu vực tự trị tạm thời ở các vùng do Nga kiểm soát của các tỉnh Donetsk và Lugansk. Và mới đây nhất, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong bầu cử, tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 7-11 cho biết, đội ngũ của Tổng thống đắc cử đang thảo luận một kế hoạch mới nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo các nguồn tin, kế hoạch này bao gồm một số điểm chính, đó là ngừng bắn và tạo ra một khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến hiện nay. Nga cũng sẽ nhận được sự đảm bảo rằng, Ukraine sẽ không gia nhập NATO và các liên minh quân sự khác. Tuy nhiên, nguồn tin của WSJ cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa phê duyệt bất kỳ kế hoạch nào.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump và tuyên bố sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Mỹ. Matxcơva trước đó đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố “chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ” của ông Donald Trump. Một cuộc xung đột quân sự khốc liệt, quy mô lớn không thể chấm dứt trong vòng 24 giờ, song việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn để hai phía Nga và Ukraine ngồi lại đàm phán tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-khoi-dong-dam-phan-nga-ukraine-post594969.antd
Zalo