Nêu gương vì việc chung
Dù tuổi cao nhưng nhiều đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn dốc lòng, dốc sức vì việc chung. Họ là những tấm gương sáng để người dân noi theo.
Xây dựng thôn, bản giàu đẹp
Bao năm qua, người dân thôn Bản Đồn, xã Minh Quang (Lâm Bình) đều quen với hình ảnh người bí thư chi bộ Ma Văn Gia, người dân tộc Tày, luôn cần mẫn, nhiệt tình, trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Gia cho biết: Thôn Bản Đồn, có 155 hộ gia đình, với 6 dân tộc anh, em cùng chung sống. Cuộc sống trước đây của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, ông đã cùng các đồng chí trong cấp ủy bàn bạc, thống nhất xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Với phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm sâu”, ông Gia cùng với tập thể chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo ban công tác mặt trận thôn và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, để Nhân dân nắm được chủ trương của Đảng về xây dựng NTM. Cùng với đó, thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên để trực tiếp phản ánh lên cấp trên có hướng tháo gỡ kịp thời, đặc biệt trong phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn Lầu Văn Thào (bên trái) trao đổi, hướng dẫn đảng viên trẻ trong chi bộ.
Qua đó khơi dậy được lòng dân, sức dân để đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng NTM. Nhiều hộ dân trong thôn đã đóng góp tiền, hiến đất làm đường. Trong năm 2024, người dân trong thôn đã hiến 700 mét đất để làm đường bê tông nông thôn; 260 mét đất xây dựng kênh mương nội đồng, xây dựng đường điện chiếu sáng khu dân cư. Đến nay 100% đường giao thông của thôn được bê tông hóa... Có được kết quả này là nhờ có sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc của đồng chí Bí thư Chi bộ Ma Văn Gia.
Tại xã Hồng Thái (Na Hang), nhiều đảng viên cao tuổi người dân tộc thiểu số đã thực hiện việc nêu gương trong phát triển kinh tế. Ông Triệu Văn Tá, dân tộc Dao Tiền, 70 tuổi nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Pác Khoang, là tấm gương tiêu biểu. Trong hơn 20 năm làm Bí thư chi bộ, (từ đầu năm 2025 ông nghỉ làm Bí thư chi bộ thôn), ông đã khuyến khích bà con thôn chuyển đổi cây trồng, từ ngô, sắn sang cây lê và cây chè san tuyết. Hiệu quả kinh tế từ những cây trồng mới đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của người dân. Từ những cây lê ban đầu, giờ đây trong thôn có trăm cây lê, cho thu hàng chục tấn quả mỗi năm. Không chỉ tạo nguồn thu nhập, mùa hoa lê còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương.
Trước kia, thôn Pác Khoang, xã Hồng Thái là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện Na Hang. Thôn có 42 hộ, với 100% là người dân tộc Dao Tiền. Hơn mười năm trước, nơi đây giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thì đến nay thôn Pác Khoang không còn hộ nghèo, những cán bộ nêu gương như ông Tá đã có thể vững tin về một tương lai mới khi người Dao Tiền biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biết làm du lịch mà trước đây họ chưa từng nghĩ có thể làm được.
Tiên phong vì cộng đồng
Thực tế cho thấy, ở những vùng đồng bào DTTS có đảng viên cao tuổi phát huy tốt vai trò thì ở đó các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, cấp ủy, chính quyền và người dân đồng thuận cao. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời khuyến khích đảng viên cao tuổi tham gia hoặc định hướng cho người thân, Nhân dân phát triển kinh tế, tuyên truyền vận động bà con hiểu rõ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó.
Đảng viên Lầu Văn Thào, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ cũng là người có uy tín thôn Nà Tang (Yên Sơn) nói: Trong 18 năm được bầu làm Bí thư chi bộ, người có uy tín, ông đã cùng với cán bộ xã đi hàng trăm lượt đến từng hộ dân, khi là trong bữa cơm chiều, khi là cùng lên nương, rẫy, vừa làm với Nhân dân vừa nói chuyện, kiên trì tuyên truyền, lấy ví dụ thực tế ngay các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết trong và ngoài thôn có con mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, còi cọc không phát triển như người bình thường làm minh chứng. Sự cố gắng liên tục, nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Thào sau một thời gian đến nay, thôn Nà Tang đã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Trước kia ở Nà Tang, 10 cặp kết hôn thì có đến 8 cặp là tảo hôn. Ông đã chứng kiến nhiều những hệ lụy vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình. Chính bởi vậy, với vai trò vừa là Bí thư chi bộ, vừa là người có uy tín, ông nhận thấy trách nhiệm của bản thân, ông luôn tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó.
Hay như đảng viên Hà Đức Tăng, người dân tộc Tày, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hưởng ứng xây dựng thôn Nông thôn mới kiểu mẫu và dự án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp” gắn với phát triển du lịch cộng đồng, năm 2021 gia đình ông Tăng là hộ đầu tiên tự đầu tư trên 2 tỷ đồng và vận động 3 hộ khác tự đầu tư để làm homestay, đến nay các homestay đã đi vào hoạt động tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho các thành viên trong gia đình. Cùng với đó, ông đã vận động được người dân trong thôn tham gia đội văn nghệ của thôn; tham gia đan lát các sản phẩm mây tre đan làm đồ lưu niệm… Không chỉ thế, những năm qua, ông Tăng còn luôn sưu tầm, bảo tồn văn hóa dân tộc Tày. Ông Tăng cho biết: “Hiện tôi còn lưu giữ nhiều vật dụng đặc trưng của người Tày như: Cái cày, cái bừa, mõ trâu, vạy trâu, cối xay lúa, ngô… Bên cạnh đó, tôi còn biết đan lát những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Tày như nong, nia, rổ, rá…”.
Những đảng viên cao tuổi người dân tộc thiểu số đang là “cầu nối” tích cực đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng; là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc; tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn minh góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.