Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo tồn, quản lý di tích

Hà Nội hiện có 6.489 di tích các loại. Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị, thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt Luật Di sản Văn hóa, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo tồn, quản lý, tu bổ, phát huy giá trị di tích.

Các em học sinh tham quan, học tập tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Các em học sinh tham quan, học tập tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Ngày 20/5, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2065/UBND-KGVX về việc tăng cường quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Để bảo đảm hiệu quả và nâng cao công tác quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện nghiêm Luật Di sản Văn hóa và các quy định của pháp luật khác có liên quan khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa; tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, giá trị của các di tích, sự cần thiết bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tích cực tham gia.

Thành phố nhấn mạnh việc người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích trên địa bàn, gồm di tích đã được xếp hạng cũng như di tích có trong danh mục kiểm kê. Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc địa bàn quản lý.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến thi hành Luật Di sản Văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về cơ sở cho doanh nghiệp, người trực tiếp trông coi di tích và nhân dân theo phân cấp quản lý di tích, các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; cập nhật, tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương.

Cùng với đó, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích theo nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định theo quy định; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí trên địa bàn thành phố có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật...

Sau đợt rà soát, kiểm kê vừa qua, Hà Nội hiện có 6.489 di tích các loại. Thành phố củng cố vị thế đứng đầu cả nước về số lượng di tích. Số lượng di tích lớn cũng đòi hỏi các cấp, các ngành phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong bảo tồn, quản lý để Hà Nội xứng tầm là Thủ đô di sản.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/neu-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-bao-ton-quan-ly-di-tich-post881136.html
Zalo