Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày

Cao Bằng có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, đa dạng và phong phú với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống tạo nên một bức tranh văn hóa dân tộc đa sắc màu. Văn hóa dân tộc Tày phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp.

Người Tày chiếm phần lớn số dân của toàn tỉnh. Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 - 20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở của người Tày thường là nhà sàn. Thông thường người Tày làm nhà ba gian, gian giữa là gian để bàn thờ tổ tiên, trang trọng. Sinh hoạt ăn ở của gia đình đều ở trên sàn nhà. Sàn lát bằng những tấm ván xẻ mỏng hoặc vầu, tre, mai được chẻ ra. Gian giữa có bộ bàn ghế, ấm chén để tiếp khách. Nhà sàn người Tày lợp bằng ngói máng, còn gọi là ngói âm dương làm từ đất sét nung chín. Nhà có hai mái, có nơi làm thành 4 mái, hai mái phụ hai bên. Những vị trí thuận lợi, bà con còn bắc nước nguồn về tận nhà bằng hệ thống ống tre, nứa cho chảy vào nơi chứa nước là một khúc gỗ to đục rỗng để rửa chân tay trước khi vào nhà. Nhiều nơi, nhà sàn không thưng bằng ván hoặc buộc cây mà được xây xung quanh bằng đá vôi, gạch nung, tường nhà rất chắc chắn. Những hộ có điều kiện thuận lợi còn làm nhà 5 gian hai trái, nhưng bố trí trong nhà cũng tương tự như nhà ba gian.

Người Tày có bề dày lịch sử truyền thống lâu đời, đa dạng và phong phú với nhiều các món ăn, thức uống độc đáo và thú vị tạo nên một bức tranh văn hóa ẩm thực đa sắc màu. Những món ăn dân tộc Tày thường gắn liền với lúa gạo và hương vị tự nhiên có sẵn ở xung quanh. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực dân tộc Tày thể hiện sự tinh tế, khéo léo và ẩn chứa giá trị nghệ thuật. Khi đặt chân đến các làng bản người Tày, Nùng, du khách sẽ không khó để được thưởng thức vị chua của những món ăn như: thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua, canh cá lá chua và tất cả các loại quả chua: khế, sấu, trám, tai chua... đều được tận dụng trong bữa ăn của đồng bào Tày, hay vị đắng của những món như măng đắng, mướp đắng, rau ngải...

Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Tày.

Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Tày.

Về trang phục, dân tộc Tày được biết đến với màu áo chàm quen thuộc, chất liệu được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Những nét riêng trong trang phục cũng là một cơ sở đặc sắc để phân biệt dân tộc Tày với các dân tộc khác trong cùng một địa bàn sinh sống. Ngoài ra, dân tộc Tày còn có các sản phẩm thủ công nổi tiếng đó là thổ cẩm, sản phẩm này có truyền thống từ rất lâu đời, dùng để làm mặt địu, vỏ chăn, túi, khăn trải bàn... Nguyên liệu là sợi bông, sợi tơ tằm được nhuộm nhiều màu khác nhau.

Về nghệ thuật, hát Then, đàn Tính là loại hình dân ca đặc sắc của người Tày. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt có vị thế quan trọng trong tín ngưỡng người Tày. Hát Then và đàn Tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người Tày cổ. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Đồng bào Tày quan niệm, những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ứng tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng lưu luyến.

Người Tày có nhiều tết quanh năm và lễ hội mang đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, như: Tết Nguyên đán, Tết đắp nọi, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Khoăn vài (vía trâu), Tết Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên), Tết Trung thu, Tết mừng cơm mới (Tết Trùng cửu), Tết Trùng thập, Tết Đông chí.

Về lễ hội, người Tày có những lễ hội: Lễ mừng thọ, lễ hội lồng tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) để cầu cúng thần Nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội Nàng Hai, hay còn gọi là Mẹ Trăng, của người Tày ở Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi. Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 6/2017.

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày.

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày.

Quan hệ xã hội của người Tày ở Cao Bằng có sự giao du rộng rãi, tình cảm chân thành, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và mong ước có thêm nhiều bạn bè, người thân để học hỏi, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Do đó, có những phong tục độc đáo so với các dân tộc khác, trong đó có tục kết bạn “tồng”, nhận họ hàng. Người Tày Cao Bằng có câu “Lảc mạy tẩn, lảc gần rì” (Tạm dịch: Rễ cây ngắn, rễ người dài) ý nói rằng trong cuộc sống, tình người rất rộng rãi và gắn bó sâu xa. Với suy nghĩ này nên đồng bào Tày có tục lệ nhận họ, nghĩa là nhận người ở xa cùng họ với mình kết làm anh em trong nhà bởi quan niệm những người cùng họ ngày nay có thể là những người từ đời cha ông cùng một ông tổ nhưng vì hoàn cảnh sinh hoạt, sinh kế, lấy vợ gả chồng xa, hay đi làm ăn nơi khác nên thất lạc nhau. Bây giờ gặp nhau dù ở một địa phương, hoàn cảnh khác nhưng rất vui mừng và muốn nhận họ làm anh em như người thân trong gia đình.

Lễ nhận họ rất thiêng liêng, được tổ chức trang trọng ở cả hai bên gia đình vào những ngày khác nhau để đôi bạn nhận họ đều có dịp có mặt ở từng bên. Trong lễ nhận họ phải báo cáo tổ tiên và những người thân hai bên chứng kiến; ôn lại lai lịch gia phả tổ tiên dòng họ để tăng thêm tình gắn bó họ hàng... Đặc biệt, đôi bạn nhận họ nói rõ ngày tháng năm sinh của nhau để định hàng anh hay em.

Tục lệ kết bạn “tồng” (“tồng” nghĩa là giống nhau) của người Tày không dựa vào cùng họ, cùng dân tộc mà có thể khác dân tộc. Kết bạn “tồng” chủ yếu dựa vào sự giống nhau về nhiều điểm, sự hợp nhau về tính cách hay còn hiểu là đồng điệu về nhiều mặt giữa hai người. Bạn “tồng” niên (cùng tuổi); bạn “tồng” tên (giống tên); “tồng” chí hướng (cùng chí hướng về học hành, thi cử, nghề nghiệp...); “tồng” sở trường; “tồng” cảnh ngộ...

Người Tày chỉ kết một đến hai bạn “tồng” trong cuộc đời dù có nhiều bạn bè thân thiết. Vì muốn kết bạn “tồng” ngoài những điểm tương đồng thì cần phải thực hiện nghi lễ “kết tồng” chính thức ở mỗi gia đình. Tại buổi lễ, đôi bạn “tồng” được sự công nhận của ông bà, cha mẹ, người thân của gia đình hai bên và sự chứng kiến của bạn bè, hàng xóm. Sau buổi lễ trang trọng, hai người chính thức như anh em ruột thịt trong nhà, vui buồn, hoạn nạn có nhau... Hiện nay, phong tục kết bạn “tồng” và nhận họ hàng vẫn được lưu giữ bởi chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đoàn kết dân tộc của người Tày được kế thừa từ đời xưa đến ngày nay.

Minh Đức

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-van-hoa-truyen-thong-cua-dan-toc-tay-3175550.html
Zalo