Nét nổi bật trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Năm 2024, Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng khẳng định bước tiến vững chắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của mạng lưới CVĐC toàn cầu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CVĐC Non nước Cao Bằng là đẩy mạnh kết nối và hợp tác quốc tế vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực. Năm 2024, Ban Quản lý CVĐC tích cực tham gia các sự kiện quan trọng của mạng lưới CVĐC toàn cầu, gồm các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn trong nước và quốc tế. Đặc biệt, CVĐC Non nước Cao Bằng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8).

Tại hội nghị, CVĐC Non nước Cao Bằng ký kết 4 thỏa thuận hợp tác quan trọng với các CVĐC toàn cầu UNESCO: Lạc Nghiệp - Phượng Sơn (Trung Quốc), Khorat (Thái Lan), Haute Provence (Pháp), Mudeungsan (Hàn Quốc). Những thỏa thuận này tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu rộng, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự phát triển bền vững giữa các CVĐC trên toàn cầu. “Tuyên bố Cao Bằng” được thông qua tại hội nghị không chỉ thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Ban Quản lý Công viên địa chất Mudeungsan (Hàn Quốc) ký biên bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác bên lề Hội nghị APGN-8.

Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Ban Quản lý Công viên địa chất Mudeungsan (Hàn Quốc) ký biên bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác bên lề Hội nghị APGN-8.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng dựa trên các tiêu chí và khuyến nghị của UNESCO. Trong năm 2024, Ban Quản lý tổ chức 15 hội nghị tập huấn với 853 lượt người dân, cán bộ và đại diện các tổ chức địa phương tham gia; tăng cường thúc đẩy các sáng kiến phát triển du lịch bền vững như xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, khám phá làng nghề truyền thống và quảng bá rộng rãi các tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng. Những nỗ lực này không chỉ góp phần bảo vệ giá trị di sản mà còn tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương.

Công tác giáo dục về CVĐC trong trường học được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 11 cuộc tập huấn cung cấp kiến thức, phương pháp giáo dục về CVĐC cho 560 giáo viên và học sinh. Hiện nay, 100% trường THPT và THCS trong vùng CVĐC xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, tích hợp nội dung về CVĐC vào các môn học Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn, tiếng Anh... cũng như trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động ngoại khóa. Tiếp tục duy trì góc trưng bày về CVĐC với nhiều thông tin sinh động, bổ ích, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của các loại hình di sản địa phương, giúp học sinh không chỉ được tiếp cận kiến thức về danh hiệu CVĐC mà còn tham gia tích cực trong việc quảng bá di sản thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội và các chuyến tham quan thực tế tại các điểm di sản với 181 buổi ngoại khóa/15.864 học sinh tham gia. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn bồi đắp tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Học sinh Câu lạc bộ “Cùng em khám phá công viên địa chất” tìm hiểu bảng thông tin tại điểm di sản thác Bản Giốc (Trùng Khánh).

Học sinh Câu lạc bộ “Cùng em khám phá công viên địa chất” tìm hiểu bảng thông tin tại điểm di sản thác Bản Giốc (Trùng Khánh).

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2024 là công tác phát triển và mở rộng mạng lưới đối tác CVĐC. Ban Quản lý CVĐC tập trung tư vấn, hỗ trợ đối tác và người dân tại các điểm di sản, làng nghề truyền thống cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, du lịch, hoàn thiện thiết kế bao bì, phát triển các dòng sản phẩm quà tặng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm ngoại tỉnh về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng tại các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh; kết nối mạng lưới đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng với mạng lưới CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) khảo sát, phát triển các tuyến du lịch mới. Qua đó, tạo cơ hội cho mạng lưới đối tác CVĐC giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch địa phương.

Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tích cực quảng bá CVĐC trên trang website và mạng xã hội Facebook nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, in ấn, xuất bản các tài liệu và sách giới thiệu về 4 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng; phối hợp các đơn vị quảng bá nhân dịp các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như: Hội nghị APGN-8, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024… Trên 4 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC, các công trình checkin, giới thiệu các điểm di sản và các trung tâm thông tin, trưng bày được nâng cấp, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Trong năm 2025, với sự đồng hành của chính quyền địa phương, cộng đồng và các đơn vị liên quan, CVĐC Non nước Cao Bằng tập trung hoàn thiện các điều kiện cần thiết phục vụ kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 2 và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững trong những năm tới.

Lương Thảo

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-noi-bat-trong-cong-tac-xay-dung-va-phat-trien-cong-vien-dia-chat-non-nuoc-cao-bang-3175302.html
Zalo