Khí thế mới trên những công trình trọng điểm
Thành phố Huế không chỉ là miền đất di sản, mà đang thể hiện khát vọng vươn mình phát triển về kinh tế-xã hội, khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng có. Trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, không khí làm việc trên các công trình trọng điểm tại Huế diễn ra sôi động và khẩn trương. Những công trình này đều mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa cũng như phát triển hiện đại của thành phố Huế.
![Phối cảnh dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương (thành phố Huế).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_14_51407886/57ca85c0ba8e53d00a9f.jpg)
Phối cảnh dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương (thành phố Huế).
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều kỹ sư và công nhân đã tình nguyện ở lại công trường, tiếp tục thi công để bảo đảm tiến độ các dự án quan trọng của thành phố Huế. Với những công trình này, Huế không chỉ giữ gìn giá trị di sản mà còn vươn mình phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Rút ngắn thời gian thi công
Ngoài các chương trình dự án trọng điểm, một số dự án tiêu biểu đã và đang triển khai trong năm 2025 hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều điểm sáng cho bức tranh kinh tế-xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương thứ sáu của Việt Nam. Huế đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Nguyễn Hoàng-cầu vượt sông Hương và cầu vượt cửa biển Thuận An kết hợp đường ven biển qua Thuận An, là những dự án trọng điểm của thành phố đang được gấp rút thi công để hoàn thành trước kế hoạch một năm, góp phần phát triển hạ tầng và thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tại công trường xây dựng cầu vượt sông Hương và đường Nguyễn Hoàng, các kỹ sư và công nhân đang nỗ lực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Không khí làm việc khẩn trương, với quyết tâm đưa công trình vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/2025. Đặc biệt, những ngày trước và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, dù thời tiết mưa rét, nhưng trên công trường dự án cầu vượt sông Hương và đường dẫn hai đầu, nhiều cán bộ kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (gọi tắt Công ty Trung Chính)-đơn vị thi công cầu vượt sông Hương, chia làm nhiều mũi tăng tốc thi công.
Kỹ sư Thái Đình Đạo, Phó Chỉ huy trưởng công trường của Công ty Trung Chính cho biết, hiện có hơn 200 công nhân chia làm ba ca thay nhau làm việc trên công trình này; trong đó, ca đêm bắt đầu làm việc lúc 10 giờ tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại thời điểm này, nhà thầu Trung Chính huy động nhiều cầu cẩu lớn, nhỏ cùng phao đà, sà-lan, tàu đẩy cùng với các cần cẩu để đẩy nhanh thi công hoàn thiện các hạng mục công trình, lắp đặt các đốt chân vòm và lắp đặt bản mặt cầu... “Ở các khoảng thông thuyền giữa sông, chúng tôi thực hiện phương án chống vật rơi, bảo đảm thuyền bè lưu thông an toàn. Các mũi thi công đều bảo đảm tiến độ vượt mốc cho phép”, ông Đạo chia sẻ.
Công trình cầu Nguyễn Hoàng-cầu vượt sông Hương có kết cấu bê-tông cốt thép và thép, đến nay có hơn 9.500 tấn cấu kiện đã được sản xuất chuyển về lắp ráp. Một kỹ sư trẻ đang thi công lắp đặt bản mặt cầu trong tiết trời mưa xuân cho biết: “Cầu vòm thép gồm năm nhịp dầm với chiều dài 380 m, chiều rộng cầu 43 m; riêng nhịp chính dài 180 m nên có khoảng thông thuyền giữa sông khá lớn. Đây cũng là một trong những nhịp cầu thép lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, nhà thầu bám sát thiết kế thi công nhằm bảo đảm không để sai sót một chi tiết dù là nhỏ nhất trong từng hạng mục liên quan”.
Dự án đường Nguyễn Hoàng-cầu vượt sông Hương được khởi công từ tháng 12/2022, với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Huế (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, dự án hiện đang triển khai thi công tất cả các mũi trên công trường, tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Đến nay, công trình đã thực hiện 1.310 tỷ đồng/1.516 tỷ đồng, đạt 93,3%. “Hiện tại, các đơn vị thi công đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục cuối cùng, nhất là các phần việc liên quan tạo cảnh quan, mỹ quan cho công trình”, ông Quyền chia sẻ.
Dự án cầu vượt sông Hương và đường Nguyễn Hoàng thuộc tuyến đường vành đai 3-là trục giao thông chính, xuyên tâm qua hai quận mới thành lập của thành phố Huế là Thuận Hóa và Phú Xuân, kết nối liên thông hai đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Theo thiết kế, cầu có dạng vòm thép dài 380 m gồm năm nhịp, rộng 43 m, sáu làn xe, đường dẫn hai đầu dài 210 m, đặc biệt có làn đi bộ rộng 3 m. Kết cấu cầu bằng bê-tông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m.
Cầu vượt sông Hương có thiết kế kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng “Hạc chầu Thiên Mụ”, mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng. Dự án hoàn thiện sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa (thành phố Huế); tạo động lực, hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây thành phố và phát triển kinh tế-xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh liên vùng.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Không chỉ cầu vượt sông Hương, thành phố Huế tập trung đẩy mạnh dự án đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đây được xem là “đại dự án” thành phố, khi hoàn thành sẽ là cầu vượt cửa biển dài nhất miền trung, tạo động lực để phát triển kinh tế biển, đầm phá. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Huế (đơn vị chủ đầu tư), hiện tại, dự án đang được triển khai thi công tất cả các mũi trên công trường, giá trị thực hiện đến nay đạt 72%.
Cầu vượt biển Thuận An khởi công vào ngày 26/3/2022, là một trong những hạng mục của tuyến đường ven biển đi qua địa phận Huế giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng. Công trình có chiều dài tuyến gần 8km, bắt đầu từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A-49B thuộc phường Thuận An, trong đó phần cầu qua cửa Thuận An dài khoảng 2,36km, bề rộng 20m, bốn làn xe; nhịp chính dài 218m và cao 40m.
Công trình dự kiến hoàn thành sau ba năm, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Huế làm chủ đầu tư. Đây là một trong những hạng mục của tuyến đường ven biển đi qua thành phố Huế. Dù gặp một số trở ngại về giải phóng mặt bằng, song dự án cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế biển và đầm phá của khu vực.
Trên công trường dự án đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, trong những ngày đầu năm mới, các đơn vị thi công vẫn duy trì hoạt động liên tục. Công nhân và kỹ sư làm việc hăng say, bảo đảm tiến độ hợp long cầu vào ngày 30/4/2025 và thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2025. Để động viên tinh thần người lao động, các nhà thầu đã tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết ngay tại công trường, tạo không khí ấm cúng và gắn kết. Đồng thời, các chế độ phúc lợi và đãi ngộ đặc biệt cũng được áp dụng cho những người làm việc trong dịp Tết, bảo đảm sức khỏe và tinh thần cho lực lượng lao động.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, ngoài hai dự án trọng điểm nêu trên, thành phố đang quản lý, làm chủ đầu tư dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Phú Mỹ-Thuận An, đường phía tây phá Tam Giang-Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa)... đang được đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm hoàn thành kế hoạch.
Những dự án này sẽ tạo động lực phát triển mới cho thành phố Huế trong tương lai. Sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm của các kỹ sư, công nhân trên các công trình trọng điểm tại Huế trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025 đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của chính quyền và người dân địa phương.
Tại buổi kiểm tra thực địa tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Phương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình cũng như tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động và môi trường. Các công trình này không chỉ góp phần giảm tải áp lực giao thông, mà còn tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị Huế.
Ông Phương cũng lưu ý việc giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tái định cư, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Cùng với đó là công tác bố trí nhân lực, máy móc hợp lý để bảo đảm tiến độ đã cam kết, đặc biệt là các hạng mục thi công cầu vượt sông Hương để dự án sớm được thông tuyến. “Dự án phải thông tuyến đúng thời hạn vào ngày 26/3 năm nay để sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân”, ông Phương nhấn mạnh.
Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ sáu của Việt Nam vào đầu năm 2025. Những công trình, dự án đã, đang và sẽ triển khai đáp ứng được yêu cầu kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, là động lực và có tính chất lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; là điều kiện hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị hoặc dân cư mới, tạo tiền đề mở rộng diện tích đô thị Huế; tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố; nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng.
Lãnh đạo thành phố Huế cho biết, thời gian tới, trong các giải pháp trọng tâm, thành phố sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, nâng chuẩn các đô thị, đặc biệt là hỗ trợ đẩy nhanh các dự án trọng điểm như: Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2); đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đường Tây phá Tam Giang-Cầu Hai nối dài... và đưa vào khai thác các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn.