Nét mới trong xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư' ngày càng lan tỏa rộng khắp, đóng góp quan trọng vào sự 'thay da đổi thịt' ở các vùng quê. Sự tham gia tích cực, tự giác của đông đảo Nhân dân đã hình thành nếp sống mới, văn minh, hiện đại trong các gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi về cảnh quan môi trường. Người người, nhà nhà cùng chung tay thực hiện các mô hình hàng rào cây xanh, tuyến dân cư kiểu mẫu, tuyến đường thắp sáng đường quê, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, tuyến đường không rác, khu phố văn minh... Ban đầu, người dân chỉ nghĩ trồng hàng rào cây xanh để làm đẹp cho nhà mình, rồi dần mở rộng, lan tỏa sang người thân, hàng xóm, kết nối cùng nhau hành động có ích cho quê hương. Những con đường hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu được cắt tỉa tỉ mỉ, kỳ công... càng tô điểm cho diện mạo quê hương trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước cắt tỉa hàng rào cây xanh tỉ mỉ, kỳ công, tô điểm cho diện mạo quê hương trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước cắt tỉa hàng rào cây xanh tỉ mỉ, kỳ công, tô điểm cho diện mạo quê hương trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Ðiểm nhấn trong hành trình xây dựng đời sống văn hóa ở Cà Mau là sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong quần chúng Nhân dân. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều thành lập các câu lạc bộ (CLB), hội, nhóm, với những nội dung, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng như: đờn ca tài tử (ÐCTT), thể thao, thơ ca, dưỡng sinh, khiêu vũ... Mỗi CLB văn hóa, văn nghệ được xem là kênh hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân, góp phần quan trọng duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống.

CLB ÐCTT ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, duy trì sinh hoạt hằng tháng, mang tiếng đờn, lời ca làm đẹp miền quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

CLB ÐCTT ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, duy trì sinh hoạt hằng tháng, mang tiếng đờn, lời ca làm đẹp miền quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Trong đó, phong trào ÐCTT không ngừng phát triển và luôn có sức sống bền lâu ở cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh hiện có 594 CLB ÐCTT với hơn 6 ngàn tài tử, nghệ nhân tham gia sinh hoạt. Những thầy đờn, nghệ nhân đều mong muốn góp sức gìn giữ, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ nhân Phan Thành Lộc, Chủ nhiệm CLB ÐCTT ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: "Cách đây 4 năm, anh em trong xóm ngồi lại bàn bạc làm sao có không gian để bà con địa phương được vui chơi, giải trí sau giờ lao động. Thế là mọi người thống nhất thành lập CLB ÐCTT. Chúng tôi sinh hoạt hằng tháng, cùng nhau trao đổi, học hỏi để tiếng đờn, lời ca được nâng chất. CLB còn giao lưu với các ấp bạn, tham gia các hội thi, hội diễn, mang tiếng đờn, lời ca làm đẹp miền quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Ðặc biệt, CLB còn đào tạo thế hệ kế thừa, giúp các bạn trẻ thêm yêu quý văn hóa dân tộc".

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều không gian giải trí “Hát với nhau”, nhằm đáp ứng nhu cầu văn nghệ của người dân địa phương. Từ tháng 8/2024, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện U Minh ra mắt chương trình giao lưu văn nghệ “Góc quê”, sinh hoạt vào tối thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần. Như tên gọi, sân khấu “Góc quê” được trang trí bằng các vật liệu cây nhà lá vườn như: tre, lá, mê bồ, sản phẩm đan đát... tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Thị trấn U Minh về đêm càng trở nên sôi động khi những ca sĩ, nghệ sĩ tay ngang mang lời ca, tiếng hát tô thắm đời sống tinh thần.

Chị Trần Kiều Oanh, Khóm 2, thị trấn U Minh, bộc bạch: “Chúng tôi hát qua màn hình ti vi như kiểu karaoke nên ai cũng có thể hát và phù hợp mọi lứa tuổi. Sân chơi bổ ích này còn giúp kết nối những người yêu văn nghệ cùng giao lưu, gắn bó, khăng khít hơn. Tôi nghĩ, khi cái đẹp lan tỏa thì sẽ lấn át được cái xấu, để xã hội ngày càng lành mạnh”.

Người dân phường Tân Thành, TP Cà Mau cùng tham gia các trò chơi dân gian tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Người dân phường Tân Thành, TP Cà Mau cùng tham gia các trò chơi dân gian tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được tỉnh Cà Mau thực hiện linh hoạt, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Vì người nghèo”... Qua đó, đã tác động tích cực trong đời sống xã hội, tạo mối liên hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

"Tỉnh đã triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều biện pháp, giải pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng mọi nguồn lực xã hội để phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng đều khắp, chất lượng và hiệu quả, đúng thực chất, thực sự trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%; 790/883 ấp, khóm được công nhận “Ấp, khóm văn hóa”; 66/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12/19 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; hộ nghèo còn 0,94%", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tỉnh, cho biết.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/net-moi-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-a37267.html
Zalo