Nét đẹp văn hóa đọc trong lịch sử, truyền thống dân tộc
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên các giá trị văn hóa tốt đẹp. Nổi bật trong đó, văn hóa đọc tỏa sáng như một viên ngọc quý, là nhịp cầu lan tỏa tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, thể hiện tính nhân văn, chân - thiện - mỹ trong mỗi con người Việt Nam.

Bác Hồ - tấm gương sáng về đọc sách và hiếu học. (Ảnh: Tư liệu)
Từ đức hiếu học đến văn hóa đọc
Là quốc gia có nền văn hiến hàng nghìn năm, Việt Nam tự hào lưu giữ trong mình biết bao truyền thống quý báu. Con người Việt Nam cũng vì thế được hun đúc nên nhiều phẩm chất tốt đẹp: kiên cường trong chiến đấu, cần cù trong lao động và đặc biệt là giàu đức hiếu học. Truyền thống hiếu học, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và văn hóa giữ nước không chỉ làm nên cốt cách, bản sắc của con người Việt Nam mà còn giúp đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời về đức hiếu học của dân tộc với tinh thần học tập không ngừng nghỉ. Sinh thời, Bác từng nhấn mạnh: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót; học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Câu nói ấy không chỉ là lời nhắc nhở, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ tương lai. Những người có đức hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời, sự học chỉ có tiến lên phía trước, chứ không được phép dừng lại.
Song hành cùng truyền thống hiếu học từ ngàn xưa, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của sự đọc, vốn gắn liền với sự học. Qua từng thời kỳ lịch sử, việc đọc, đặc biệt là đọc sách luôn được các bậc tiền nhân xem trọng như một con đường thiết yếu để mở mang tri thức, tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách. Nhiều tấm gương xưa đã để lại dấu ấn sâu đậm về tinh thần ham học, ham đọc, coi sách như người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống. Lật lại lịch sử của dân tộc, dễ dàng nhận thấy tình yêu sách và tinh thần ham đọc của cha ông ta đã ăn sâu bén rễ qua bao thế hệ. Có thể kể đến những bậc tiền nhân cả đời mê đọc sách luôn được hậu thế kính phục như bác học Lê Quý Đôn, trạng nguyên Nguyễn Trực, Mạc Đĩnh Chi, tiến sĩ Nguyễn Huy Cẩn, đại học sĩ Thân Nhân Trung...
Trong đó, Mạc Đĩnh Chi chính là tấm gương tiêu biểu cho việc say mê đọc sách, chịu khó đọc sách, nghiền ngẫm sách thì mới có thể thành tài. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ ông gắn liền với công việc kiếm củi phụ giúp gia đình. Thế nhưng, dù vất vả đến đâu, ông vẫn không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê với con chữ. Có được cuốn sách trong tay, ông trân quý như bắt được vàng. Nhà nghèo không đủ dầu để thắp sáng, ông đốt lửa lên mà học, tranh thủ từng khoảnh khắc để đọc và nghiền ngẫm. Nhờ vậy ông thi cử đỗ đạt trạng nguyên, danh tiếng lừng lẫy.
Ngoài là những tấm gương sáng, các bậc tiền nhân còn là những người “truyền lửa”, khơi dậy và gìn giữ truyền thống quý trọng việc đọc sách cho hậu thế qua những lời dạy được lưu truyền đến ngày nay. Như bác học Lê Quý Đôn từng ví giá trị của sách chẳng kém gì vàng bạc khi nói “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho” hay khi dẫn lời người xưa: “Đọc sách mà tìm được một nghĩa, cũng như được một thuyền hạt ngọc” để mở đầu Kiến văn tiểu lục, phần “Châm cảnh”.
Chưa hết, không chỉ có nho sĩ hay hiền tài mới coi trọng việc đọc sách, mà ngay cả bậc quân vương đứng đầu thiên hạ cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sách vở. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng hễ là những vị vua có trách nhiệm với xã tắc thì quyết không thể xa rời sách vở. Vua Lê Thánh Tông từng căn dặn bề tôi: “Cố gắng dùi mài đọc sách để hiểu rõ được đạo lý, sáng suốt mà giữ mình”. Vua Minh Mạng cũng từng chiêm nghiệm: “Xem sách rất có ích cho thần trí con người”. Những lời dạy ấy không chỉ thể hiện sự quý trọng sách vở mà còn là minh chứng sinh động cho một truyền thống văn hóa đọc bền bỉ của một dân tộc, một thời đại.
Văn hóa đọc xưa và nay
Có thể thấy, văn hóa đọc và sự quý trọng sách vở đã thành lề lối, thói tục có từ bao đời nay. Dẫu lịch sử từng trải qua bao biến động, đổi thay thì những giá trị gắn liền với sách vở, với văn hóa đọc vẫn luôn được gìn giữ. Dù có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ phai nhạt, mà trái lại vẫn được bồi đắp, truyền nối như một mạch nguồn không ngơi nghỉ. Tuy nhiên, khi nhìn lại văn hóa đọc của người Việt xưa và nay, ta cũng không khỏi nhận ra những chuyển biến rõ rệt.
Trong xã hội Việt xưa, người trong thiên hạ chia thành bốn loại: sĩ, nông, công, thương/sĩ, nông, công, cổ. Sĩ tức là tầng lớp nho sĩ, có học, xếp đứng đầu và đương nhiên tầng lớp này phải biết đọc sách, sách ở đây chủ yếu là sách thánh hiền, phổ biến là tứ thư, ngũ kinh. Thời ấy, sách vô cùng hiếm, một phần do công nghệ sao in chưa phát triển, chủ yếu được lưu truyền bằng phương pháp chép tay nên chỉ những gia đình khá giả hoặc các gia đình trí thức, học vấn lâu đời mới có điều kiện sở hữu. Chính vì vậy ai có sách thường mang một thái độ trân quý sách rất cao.

Những bậc quân vương đứng đầu thiên hạ cũng chăm đọc sách. (Hình minh họa - Nguồn: SyHoa)
Đương nhiên vì quý giá như vậy nên việc đọc sách với người xưa, nhất là những bậc hiền nhân quân tử rất chú trọng và tỉ mỉ, thậm chí coi đây như một nghi lễ thiêng liêng. Người xưa xem việc đọc sách là hành trình tiếp xúc với bậc thánh hiền qua từng trang giấy. Họ cho rằng sách là do những bậc thánh hiền viết lên, là những người học rộng hiểu nhiều, mà đã là sách thánh hiền thì luôn chứa những nguồn tri thức rất quý giá. Vì thế, trước khi đọc, họ thường chỉnh trang đầu tóc, tắm rửa sạch sẽ, giữ cho tâm trí, tinh thần sảng khoái, minh mẫn như một cách thể hiện lòng tôn kính với tri thức.
Đặc biệt, người xưa đọc không sách không vội vàng lướt qua, mà phải “gặm nhấm” từng câu chữ, nghiền ngẫm từng ý tứ. Những gì chưa hiểu sẽ được ghi nhớ để suy ngẫm dần, chứ không qua loa bỏ qua. Bởi họ quan niệm người viết sách một tuần viết được một câu, ba năm viết được một bài và bài đó sâu sắc đến nỗi ngẫm ngợi cả đời không hết nên đọc sách phải đọc kỹ thì cuốn sách mới có giá trị thực sự. Nhờ vậy, dù ngày xưa sách ít nhưng các bậc nho sĩ vẫn có một trình độ kiến thức sâu rộng, uyên thâm.
Tuy nhiên, bên cạnh lối đọc chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu từng chữ, vẫn có không ít những bậc nho sĩ sở hữu khả năng đọc sách vượt trội, đọc nhanh, nhớ lâu, chỉ xem một lượt là thuộc lòng. Những người như vậy, quả là bậc kỳ tài, mang trong mình tư chất và trí nhớ hiếm có, đến cách đọc sách thôi cũng đã khác biệt người thường. Chẳng hạn như Thượng thư Hà Quyền thời Nguyễn, được Tiến sĩ Trương Quốc Dụng ghi nhận là người có cách đọc “mấy hàng một lượt”.
Còn Bùi Dương Lịch - tác giả Nghệ An ký, một học giả uyên bác cũng được mô tả trong Thoái thực ký văn rằng: “Tiên sinh đọc sách rất nhanh, vài hàng một lần, mà xem văn có thể phân biệt được người”. Tựu trung, dẫu mỗi người có một cách đọc riêng, chậm rãi suy ngẫm hay nhanh nhạy tinh tường thì đích đến vẫn là như nhau: chắt lọc tinh hoa, tiếp nhận tri thức và chiêm nghiệm những lời vàng ý ngọc ẩn chứa trong từng trang sách quý.
Từ những điểm đã nêu, có thể thấy sự chuyển biến trong văn hóa đọc của người Việt từ xưa đến nay khá rõ rệt, cả về hình thức lẫn cách tiếp cận. Nếu như ngày xưa, để có được một cuốn sách, được tiếp cận với nguồn tri thức quý giá từ sách là điều không hề đơn giản thì ngày nay, bất kể ai cũng có thể đọc sách. Thậm chí, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, sách giấy dần mất đi vị thế độc tôn, nhường chỗ cho sách điện tử - một hình thức đọc hiện đại, tiện lợi hơn.
Chỉ với một thiết bị nhỏ gọn như điện thoại hay máy đọc sách, người dùng có thể tiếp cận hàng nghìn đầu sách, đọc mọi lúc, mọi nơi mà không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Nhưng sự tiện lợi ấy lại đi kèm với thách thức, thói quen đọc sâu, đọc kỹ, đọc có suy ngẫm như người xưa từng làm đang dần bị thay thế bởi kiểu đọc lướt, đọc nhanh, tiếp nhận thông tin một cách vụn vặt và dễ lãng quên.
Tuy nhiên, không vì thế mà văn hóa đọc trong thời đại hiện nay trở nên kém giá trị. Ngược lại, sự phát triển của công nghệ đã mở ra những cơ hội mới để khơi dậy và lan tỏa thói quen đọc đến với đông đảo người hơn. Rõ ràng, vấn đề cốt lõi không nằm ở hình thức hay phương tiện đọc mà ở tinh thần và thái độ của người đọc. Chừng nào con người còn xem việc đọc là một nhu cầu thiết yếu để nuôi dưỡng tâm trí, mài giũa trí tuệ, thì chừng đó văn hóa đọc vẫn sẽ được “tiếp lửa” theo thời gian.