Nestlé khẳng định vai trò đồng hành, chung tay kiến tạo tương lai xanh

Đến với CSI 2024, Nestlé Việt Nam tham gia với một vai trò mới là đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam định hình chiến lược trên con đường hướng tới phát triển bền vững.

Lễ công bố Doanh nghiệp Bền vững nhất Việt Nam 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Lễ công bố Doanh nghiệp Bền vững nhất Việt Nam 2024. (Ảnh: Vietnam+)

Không chỉ tự hào với 3 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng Doanh nghiệp Bền vững nhất Việt Nam (CSI 2021-2023), đến với , Nestlé Việt Nam đã tham gia với một vai trò mới: “Đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hướng tới phát triển bền vững.”

Trong khuôn khổ sự kiện CSI 2024, việc Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức buổi gặp gỡ dành cho hội viên VBCSD với chủ đề “Cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050" là minh chứng rõ nét cho quyết tâm này.

30 năm-Một tầm nhìn dài hơi và cam kết nhất quán

Sau 3 thập kỷ hiện diện tại Việt Nam, Nestlé đã khẳng định cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững. Hơn cả một chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững là giá trị cốt lõi được thể hiện qua tầm nhìn của Nestlé trở thành “Công ty toàn cầu gắn kết địa phương, tiên phong trong phát triển bền vững.”

Chia sẻ về điều này, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob, cho biết: "Chúng tôi tin vào sức mạnh của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính niềm tin này đã thúc đẩy cam kết của chúng tôi trong việc sử dụng quy mô toàn cầu, nguồn lực và chuyên môn để đóng góp vào một tương lai lành mạnh hơn cho con người và hành tinh."

Minh chứng rõ nét là kể từ năm 2020, Nestlé Việt Nam đã vượt xa khái niệm "bền vững", tiến tới mục tiêu "tái tạo" và "tái sinh" hệ sinh thái. Ba trụ cột cốt lõi của chiến lược bao gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho cá nhân và gia đình; Bảo vệ, tái tạo và tái sinh nguồn tài nguyên thiên nhiên; Và, thúc đẩy sự thịnh vượng cho cộng đồng. Những nỗ lực này đã được thể hiện qua nhiều chương trình, như NESCAFÉ Plan (hỗ trợ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác bền vững), “Năng động Việt Nam” (khuyến khích lối sống lành mạnh cho trẻ em) và các sáng kiến về bao bì bền vững, quản lý nguồn nước…

 Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết Nestlé quyết định không tham gia bảng xếp hạng năm nay, thay vào đó đảm nhận một vai trò mới là đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp phần đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết Nestlé quyết định không tham gia bảng xếp hạng năm nay, thay vào đó đảm nhận một vai trò mới là đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp phần đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Binu Jacob nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và yêu cầu này đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam cần chung tay góp phần hiện thực hóa cam kết. Tuy nhiên, 90% doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kiến thức chuyên sâu và định hướng rõ ràng. Do vậy, Nestlé quyết định không tham gia bảng xếp hạng năm nay, thay vào đó đảm nhận một vai trò mới là đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp phần đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Song hành với tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Binu Jacob chia sẻ rằng, năm 2020 Tập đoàn Nestlé đã công bố Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), dựa trên sáng kiến Mục tiêu trên Cơ sở Khoa học (SBTi) để giảm phát thải. Kế hoạch này cho phép công ty giảm thiểu lượng khí thải carbon ở mức cao nhất, hướng đến mục tiêu giảm 20% phát thải khí nhà kính đến năm 2025 và 50% vào năm 2030, tạo tiền đề đạt Net Zero cho năm 2050.

Về hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động có sự tham gia của nhiều bên, nhằm thu hút các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực cùng chia sẻ và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình chia sẻ với chủ đề “Cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050," do công ty phối hợp cùng VBCSD trong khuôn khổ Lễ trao giải Chương trình Đánh giá và Xếp hạng các Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI-100) vào ngày 29/11, là một trong những hành động điển hình.

Tại sự kiện, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tâm đắc với 5 lĩnh vực đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển bền vững của Việt Nam, do lãnh đạo Nestlé chia sẻ.

Thứ nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Các báo cáo chuyên ngành đã chỉ ra gần 30% lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đến từ lĩnh vực này. Nestlé xác định đây là thế mạnh của mình với ngành hàng hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. Doanh nghiệp đặt mục tiêu luôn đảm bảo cà phê Nestlé thu mua tại Việt Nam có chất lượng cao và được sản xuất bền vững. Vì vậy, thông qua chương trình NESCAFÉ Plan-công ty đã hỗ trợ hơn 21 nghìn hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp tái sinh, giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm 40%-60% lượng nước tưới.

“Với vai trò đồng chủ trì chương trình Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng tái sinh trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và giảm phát thải,” ông Binu Jacob nói.

Thứ hai là quản lý nguồn nước. Nestlé Việt Nam đã áp dụng nhiều sáng kiến để tiết kiệm nước tại tất cả nhà máy. Trong 3 năm qua, Nestlé được ghi nhận là một trong số ít công ty ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho các giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay, công ty đã thực hiện 100% trung hòa về nước (hoàn trả và tái tạo 100% nước đã sử dụng).

Thứ ba là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với cam kết phát triển bao bì bền vững. Hiện, gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam được thiết kế để tái chế. Tuy nhiên, ông Binu Jacob chia sẻ hiện doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng và sẽ nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để tăng tỷ lệ tái chế.

Thứ tư là sức khỏe và dinh dưỡng, khuyến khích lối sống lành mạnh. Ông Binu Jacob cho rằng vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do, trẻ em ngày càng ít quan tâm đến hoạt động thể chất do bị thu hút bởi thiết bị điện tử. Thông qua hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nestlé Việt Nam đã triển khai chương trình “Năng động Việt Nam” (ActiV Việt Nam), khuyến khích trẻ em tham gia hoạt động thể chất. Mỗi năm, các hoạt động này thu hút hơn 500.000 trẻ em.

Thứ năm là thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Thông qua hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, công ty đã hỗ trợ đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng, chăm sóc sức khỏe gia đình và tạo lập sinh kế bền vững.

Giải mã thị trường carbon tại Việt Nam

Buổi gặp gỡ với chủ đề về giải mã thị trường carbon tại Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên của VBCSD đã được trao đổi và giải đáp thắc mắc cùng các chuyên gia hàng đầu về cơ hội và thách thức của thị trường carbon mới mẻ này.

Phân tích sâu sắc về hai loại thị trường carbon “tuân thủ” và “tự nguyện”, ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ ra thị trường tuân thủ do Chính phủ quản lý thông qua phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (Allowance) cho các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp muốn phát thải vượt hạn ngạch phải mua thêm từ các doanh nghiệp khác có lượng dư thừa (do đầu tư giảm phát thải) hoặc mua tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện. Trên thị trường quốc tế, Liên minh châu Âu là tiên phong (từ năm 2005), tiếp theo là Trung Quốc (năm 2021). Nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam (đang xây dựng), hướng tới phát triển thị trường này.

Về thị trường tự nguyện, ông Công chia sẻ việc giao dịch tín chỉ carbon tính bằng tấn CO2 tương đương, nhưng nguồn gốc khác với hạn ngạch. Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án giảm phát thải được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập. Việt Nam đã tham gia các cơ chế quốc tế (như Cơ chế Phát triển sạch-CDM) và đang phát triển các cơ chế song phương (như với Nhật Bản) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế (VCS, Gold Standard…) cũng được sử dụng.

Phân tích mối liên hệ giữa hai thị trường, ông Công giải thích Chính phủ có thể cho phép sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ một phần hạn ngạch phát thải trong thị trường tuân thủ (ví dụ: Hàn Quốc cho phép 10-15%). Điều này khuyến khích doanh nghiệp tham gia giảm phát thải tự nguyện và đạt mục tiêu Net Zero. Chính sách của Việt Nam dự kiến từ năm 2025 sẽ phân bổ hạn ngạch cho khoảng 150-200 doanh nghiệp trong các ngành điện, sắt thép và xi măng (theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM-EU). Thị trường carbon dự kiến chính thức triển khai năm 2028 và kết nối với thị trường quốc tế năm 2030. Việt Nam cũng sẽ phát triển thị trường tự nguyện trong nước và quốc tế, bao gồm cả cơ chế song phương và đa phương.

 Các thông tin tại sự kiện CSI 2024 của Nestlé Việt Nam đã cung cấp góc nhìn sâu sắc và toàn diện về thị trường carbon tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết Net Zero 2050. (Ảnh: Vietnam+)

Các thông tin tại sự kiện CSI 2024 của Nestlé Việt Nam đã cung cấp góc nhìn sâu sắc và toàn diện về thị trường carbon tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết Net Zero 2050. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Công chia sẻ: “Hiện nay, cả nước có 2.166 doanh nghiệp kê khai khí nhà kính, tập trung trong các ngành năng lượng, giao thông, xây dựng, chất thải. Ngành nông nghiệp chăn nuôi dự kiến sẽ được đưa vào danh mục trong tương lai. Ở giai đoạn đầu, hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí cho doanh nghiệp và tối đa 20% tín chỉ carbon có thể được sử dụng để bù trừ hạn ngạch.”

Ông Công nhấn mạnh đây là điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội tham gia thị trường carbon hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức trong việc thu thập dữ liệu phát thải, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn là bài toán nan giải.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động tham gia và tận dụng cơ hội từ thị trường carbon, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đây là cơ hội khổng lồ từ tài chính khí hậu toàn cầu với cam kết tăng lên 300 tỷ USD tại COP27, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thu hút đầu tư.

Ông Thọ chỉ ra các ngành cần ưu tiên giảm phát thải tại Việt Nam (năng lượng chiếm 75% phát thải) là lương thực thực phẩm, xây dựng, giao thông vận tải và dệt may. Việc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng (ngành dệt may Việt Nam có thể mất 5 tỷ USD nếu không đáp ứng tiêu chuẩn xanh). Ông Thọ bày tỏ lo ngại về sự thiếu chuẩn bị của doanh nghiệp đối với việc báo cáo phát thải khí nhà kính (chỉ 10% doanh nghiệp sẵn sàng), đặc biệt trong bối cảnh các quy định quốc tế ngày càng chặt chẽ (như yêu cầu báo cáo bền vững của EU).

Về kết nối thị trường tuân thủ và tự nguyện, ông Thọ cho rằng đây là vấn đề then chốt để tạo ra một thị trường carbon hiệu quả, giúp tăng giá trị tín chỉ carbon và hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải. Ông cũng cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào tín chỉ hấp thụ (như tín chỉ rừng) thay vì giảm phát thải trực tiếp.

Ông Thọ đề cao vai trò của doanh nghiệp, kêu gọi sự chủ động tham gia thị trường carbon, hiểu rõ cơ chế hoạt động và tận dụng cơ hội để huy động tài chính, giảm phát thải và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông đề cập đến việc các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào các dự án giảm phát thải tại Việt Nam, nhưng cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp.

Kết nối và hợp tác-“Chìa khóa” cho thành công

Ông Thọ nhấn mạnh thêm đến việc xây dựng một hệ sinh thái thị trường carbon mạnh mẽ và hiệu quả tại Việt Nam thông qua sự chung tay của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng quốc tế. Ông đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia thị trường carbon. Các doanh nghiệp lớn và thành viên VBCSD cần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi xanh và tham gia thị trường carbon. Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia khác và tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm quốc tế.

Ông Thọ kiến nghị: “Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng một thị trường OTC (Over-the-Counter) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện trước khi thị trường chính thức được thành lập.”

Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, làm rõ vai trò của VCCI trong việc thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam và nhấn mạnh quá trình xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững và ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp bền vững của VCCI.

Bên cạnh đó, ông Binu Jacob khẳng định những mục tiêu đầy tham vọng không thể đạt được nếu chỉ hành động riêng lẻ, đòi hỏi sự chung sức của toàn bộ chuỗi giá trị. Ông nói: “Năm nay, với vai trò mới, Nestlé Việt Nam đang định hình chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả hơn.”

Các thông tin tại sự kiện CSI 2024 của Nestlé Việt Nam đã cung cấp góc nhìn sâu sắc và toàn diện về thị trường carbon tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết Net Zero 2050. Các diễn giả tin tưởng rằng mặc dù con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sự dẫn dắt của doanh nghiệp tiên phong như Nestlé, sự hỗ trợ của Chính phủ và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững hiệu quả và bền bỉ. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý và năng lực, cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là “chìa khóa” cho thành công./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nestle-khang-dinh-vai-tro-dong-hanh-chung-tay-kien-tao-tuong-lai-xanh-post998765.vnp
Zalo