Nền kinh tế Đông Nam Á giữa 'bão' thuế quan của ông Trump
Đòn thuế mới của ông Trump đang khiến Đông Nam Á kẹt giữa áp lực thuế quan từ Mỹ và làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, cùng nguy cơ mất đơn hàng, giảm đầu tư.

Một số nước ASEAN thuộc nhóm bị Mỹ áp thuế đối ứng cao. Ảnh: Reuters.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới chấn động khi tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với 180 nền kinh tế đối tác. Trong đó, nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách áp thuế đối ứng gồm Campuchia và Lào dẫn đầu danh sách bị ảnh hưởng, với mức thuế suất lần lượt lên tới 49% và 48% - cao nhất châu Á. Việt Nam cũng nằm trong danh sách với mức thuế 46%, trong khi Myanmar chịu mức 44%.

Mức thuế đối ứng Mỹ áp với từng quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: CNA.
Đáng chú ý, Thái Lan - đồng minh an ninh lâu đời của Mỹ - cũng không nằm ngoài danh sách với mức thuế 36%, cho thấy chính quyền ông Trump đang áp dụng chính sách cứng rắn không loại trừ bất kỳ đối tác nào. Singapore cũng bị áp mức thuế cơ bản 10%.
Các chuyên gia nhận định chính sách thuế đối ứng của ông Trump sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế ASEAN khi khu vực này sẽ đối mặt cùng lúc với hai thách thức: mất thị phần xuất khẩu vào Mỹ, và làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
“Bãi đáp” hàng giá rẻ
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu, các chuyên gia cảnh báo mối nguy lớn hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á không phải đến từ Mỹ, mà đến từ Trung Quốc - khi khu vực này có thể trở thành “bãi đáp” cho lượng hàng giá rẻ bị chặn đường vào thị trường Mỹ, theo Strait Times.
Về phía người tiêu dùng, điều này có thể là tin vui vì giá hàng hóa sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, về dài hạn, rủi ro xuất khẩu trong khu vực sẽ giảm sức cạnh tranh, kéo theo tăng trưởng kinh tế chững lại và nhiều việc làm bị đe dọa.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyen từ công ty tư vấn Natixis (Hong Kong, Trung Quốc) cảnh báo: “Nguy cơ thực sự là các nước đang theo đuổi công nghiệp hóa sẽ phải đối mặt với làn sóng hàng hóa Trung Quốc không còn chỗ tiêu thụ”.
“Trung Quốc sẽ không dừng lại. Nước này không tin rằng tài chính hóa nền kinh tế là con đường phát triển, mà phải tiếp tục đầu tư vào sản xuất thật. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục trợ cấp công nghiệp”, bà nói thêm.
Bà Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn Asia Decoded có trụ sở tại Singapore, cũng cho rằng các kế hoạch của ông Trump là “tin xấu đối với Đông Nam Á nói chung”.
“Dù một số quốc gia ASEAN đang điều tra hiện tượng bán phá giá từ Trung Quốc, các hành động cụ thể vẫn còn hạn chế. Khi hàng Trung Quốc đổ vào khu vực này để tránh thuế Mỹ, những căng thẳng sẽ còn gia tăng”, bà phân tích.
“Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại toàn diện khó xảy ra, bởi các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thức rõ tầm quan trọng của hội nhập khu vực trong bối cảnh toàn cầu phân mảnh”, bà Kishore dự đoán.
Theo bà Kishore, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump nhiều khả năng sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, gia tăng thuế quan và các phát ngôn mang tính "giảm rủi ro" quyết liệt hơn, từ đó làm chậm cầu ngoại khu và gây bất ổn kinh tế cho các nước ASEAN.

Đông Nam Á có thể phải tiếp nhận nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn sau lệnh áp thuế từ Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, những nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Việt Nam hay Thái Lan có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách bảo hộ.
Ông Burin Adulwattana, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kasikorn (Thái Lan), nhận định: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã khiến một số công ty Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Thái Lan. Giờ câu hỏi là liệu chính quyền Mỹ mới có coi chuỗi cung ứng tại ASEAN cũng là mục tiêu áp thuế hay không”.
“Tác động có thể không dừng lại ở Thái Lan, mà lan ra các vệ tinh khác đang hưởng lợi từ chuỗi cung ứng Trung Quốc”, ông nói thêm.
Chuyển dịch FDI trong khu vực
Bên cạnh nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ thay thế của hàng giá rẻ, các chuyên gia nhận định, chính sách thuế quan phân tầng mà Mỹ vừa công bố có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển khỏi những quốc gia chịu thuế cao sang các nước ASEAN ít bị ảnh hưởng hơn, trang CNA cho biết.
Bà Joanne Lin, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá với mức thuế cao mà Mỹ đang áp lên hàng hóa từ một số nước ASEAN, các nước này sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm dòng vốn FDI, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế độc lập, lưu ý rằng sự chuyển dịch này sẽ mang tính chọn lọc, bởi Singapore và Malaysia không cạnh tranh ở những ngành thu hút FDI tương tự như Campuchia hay Việt Nam - vốn chủ yếu là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động và chi phí thấp.
“Philippines và Indonesia có thể là những điểm đến thay thế tiềm năng cho các ngành thâm dụng lao động. Dù vậy, chênh lệch mức thuế giữa các nước chưa đủ lớn để tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư quy mô lớn”, ông Menon phân tích.
Chuyên gia kinh tế Woo cũng cho rằng dòng vốn đầu tư vào các quốc gia bị ảnh hưởng có thể tạm thời bị đóng băng, trong khi các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro từ môi trường thương mại mới.
Ở góc nhìn địa chính trị, chuyên gia Oh Ei Sun nhận định rằng phần lớn các nước trong khu vực không phải là điểm đến ưu tiên của nhà đầu tư phương Tây - ngoại trừ Việt Nam, quốc gia đang nổi lên như một "điểm sáng" trong thu hút FDI toàn cầu.
Ông Oh cũng cho rằng để tránh bị gạt ra ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu do hàng rào thuế quan của Mỹ, Việt Nam có thể xem xét khả năng giảm thuế với hàng hóa Mỹ, như một động thái trao đổi nhằm hy vọng Washington nới lỏng mức thuế đang áp lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Chuyên gia hiến kế
Trong bối cảnh chính sách thuế đối ứng của chính quyền ông Trump đang tác động mạnh vào khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, làm suy yếu đầu tư kinh doanh và tâm lý thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương các nước cần nhanh chóng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, theo Bloomberg.
Các chuyên gia tại Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á, đồng thời cho rằng các ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, một số chuyên gia khuyến nghị, để giảm thiểu tác động tiêu cực, các nước trong khu vực có thể tăng cường liên kết nội khối và mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác như châu Âu, Ấn Độ và vùng Vịnh, Nikkei Asia cho biết.

Tăng cường thương mại nội khối và các đối tác khác là một trong những giải pháp mà ASEAN có thể tính đến. Ảnh: Unsplash.
Ông Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng Đại học Taylor của Malaysia và là cựu Thứ trưởng Thương mại nước này, nhấn mạnh ASEAN cần thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn thông qua các cơ chế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thực thi hiệu quả hơn các hiệp định thương mại hiện có. Ông lấy Ấn Độ làm ví dụ về một đối tác chiến lược tiềm năng.
Cả 2 hiệp định RCEP và CPTPP - với lần lượt 15 và 12 thành viên - đều không có sự tham gia của Mỹ, nhưng lại đóng vai trò then chốt trong mạng lưới thương mại châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng thay vì hợp tác khu vực, nhiều chính phủ có thể chọn cách đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump để tìm kiếm mức thuế ưu đãi hoặc tận dụng chênh lệch thuế giữa các quốc gia để cạnh tranh, hơn là phối hợp ứng phó một cách tập thể.
Tối 4/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Mỹ.
Tổng Bí thư cũng cho biết Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa từ Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận hợp tác song phương giữa hai nước, nhằm cụ thể hóa những cam kết trên.
Chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social sau đó, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết đã có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Tổng Bí thư Tô Lâm. "Thay mặt quốc gia, tôi cảm ơn ông ấy, và tôi đã nói rằng tôi mong chờ một cuộc gặp trong tương lai gần", Tổng thống Trump viết.