Nền kinh tế Bangladesh đang chịu áp lực chưa từng có

Chiếc trực thăng vội vã đưa nữ Thủ tướng Sheikh Hasina rời Bangladesh ngày 5/8 đã để lại đất nước đầy rối ren, gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước, với thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Hiện tại, ngay cả khi người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus chuẩn bị lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh, các doanh nghiệp cũng sẽ phải vật lộn với bản chất chưa từng có của các sự kiện gần đây và những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Zaved Akhtar, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhà đầu tư nước ngoài (FICCI), được cho là đã ước tính nền kinh tế Bangladesh đã chịu thiệt hại 10 tỷ USD sau bất ổn chính trị.

 Người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 5/8. Ảnh: AFP.

Người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 5/8. Ảnh: AFP.

Hôm 7/8, hãng thông tấn Reuters đưa tin rằng một số nhà máy may mặc, nơi tạo ra nhiều việc làm và là nguồn tạo ra doanh thu cho quốc gia Nam Á này, đã mở cửa trở lại sau bốn ngày đóng cửa.

Đồng thời có những lo ngại về thiệt hại cho thương mại vì ít nhất một nhà sản xuất quần áo Ấn Độ tại Bangladesh cho biết họ sẽ chuyển hướng sản xuất sang Ấn Độ trong phần còn lại của năm, Reuters cho biết.

"Nhiều người trước kia từng tin Bangladesh là một trong những công xưởng hấp dẫn để thay thế Trung Quốc, hiện tại cũng tỏ ra quan ngại vì tình hình bất ổn chính trị tại quốc gia này”, ông Nadjibulla cho biết.

Đồng thời, vị quan chức này cũng ám chỉ đến những nỗ lực của các doanh nghiệp toàn cầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sau những căng thẳng đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, cho biết mặc dù mục tiêu trước mắt của chính phủ lâm thời là khôi phục luật pháp và trật tự, nhưng cuối cùng họ cũng phải đưa ra kế hoạch giải quyết những căng thẳng trong nền kinh tế đã châm ngòi các cuộc biểu tình.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 67 phần trăm trong số 170 triệu người Bangladesh ở độ tuổi từ 15-64 và hơn một phần tư ở độ tuổi từ 15 đến 29. Đất nước này đã đạt được những tiến bộ ấn tượng nhờ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,25 phần trăm mỗi năm trong hai thập kỷ qua.

Nhưng vẫn còn tồn tại bất bình đẳng và nghèo đói khi khoảng 40 phần trăm người Bangladesh ở độ tuổi từ 15-24 không làm việc, học tập hoặc đào tạo vào năm ngoái.

Bangladesh là một nhân tố kinh tế quan trọng không chỉ là nhà sản xuất hàng may mặc cho nhiều nước phương Tây mà còn là nước nhập khẩu năng lượng và là nước có các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng từ các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản.

Điển hình, vào năm 2023, nước này đã nhập khẩu hàng hóa - chủ yếu là các mặt hàng như dầu mỏ tinh chế, bông, vải và phân bón - trị giá 73 tỷ USD, theo CIA World Factbook.

“Tôi hy vọng chính phủ mới sẽ tạo ra mối liên hệ giữa việc khôi phục hòa bình và ổn định nền kinh tế”, giám đốc Kugelman chia sẻ

Theo ông, Ấn Độ là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình hình bất ổn hiện tại của Bangladesh.

Khánh Vy (Theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-kinh-te-bangladesh-dang-chiu-ap-luc-chua-tung-co-post306954.html
Zalo