Israel không kích quy mô lớn tại Syria

Israel ngày 10-12 đã phát động một chiến dịch không kích quy mô lớn, nhằm vào các mục tiêu quân sự trên khắp Syria. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vừa bị lật đổ khiến tình hình tại Syria đang trở nên phức tạp hơn.

Israel không kích gần Căn cứ Không quân Mezzeh, ngoại ô Damascus, ngày 8-12. Ảnh: Getty Images

Israel không kích gần Căn cứ Không quân Mezzeh, ngoại ô Damascus, ngày 8-12. Ảnh: Getty Images

Lo ngại của Israel

Theo Bộ Quốc phòng Israel, lực lượng không quân nước này đã thực hiện khoảng 480 cuộc không kích trong vòng 48 giờ qua, phá hủy nhiều kho vũ khí chiến lược và khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm hệ thống phòng không, sân bay quân sự, kho tên lửa và nhiều cơ sở sản xuất vũ khí tại Damascus cùng các thành phố khác. Israel cũng tấn công hai căn cứ hải quân Syria, phá hủy ít nhất 6 tàu tên lửa trong số 15 tàu đang neo đậu tại đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Katz tuyên bố nước này sẽ thiết lập một vùng phi quân sự ở miền Nam Syria nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố. Israel đã điều quân vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan, một động thái được cho là để bảo vệ công dân Israel khỏi các cuộc tấn công. Tuy nhiên, Israel phủ nhận thông tin quân đội nước này đang tiến về thủ đô Damascus.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định các cuộc không kích nhằm tiêu diệt năng lực quân sự còn lại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và ngăn chặn việc vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ với chính phủ chuyển tiếp của Syria, hiện do Thủ tướng lâm thời Mohammed al-Bashir lãnh đạo.

Mặc dù vậy, các hành động quân sự của Israel đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia lên án Israel lợi dụng tình hình hỗn loạn tại Syria để xâm phạm lãnh thổ nước này. Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã lên án cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự tai Syria, cũng như việc nước này chiếm giữ khu vực đệm ở Cao nguyên Golan sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad.

Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen kêu gọi Israel ngừng ngay các hoạt động quân sự tại quốc gia này. Trong khi đó, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh tổ chức này không chấp nhận bất kỳ sự vi phạm nào đối với toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ông cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực kiềm chế mọi hành động có thể xâm phạm lãnh thổ của Syria, đồng thời nêu rõ tất cả các bên cần tập trung vào việc hỗ trợ người dân Syria để họ có thể tự lựa chọn con đường của mình.

Thủ tướng lâm thời Syria kêu gọi hòa bình và ổn định

Ngày 10-12, Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria - ông Mohammad al-Bashir đã kêu gọi đất nước "hướng tới sự ổn định và yên bình".

Mohammed al-Bashir, một chính trị gia từng lãnh đạo "chính phủ cứu thế" tại tỉnh Idlib do lực lượng đối lập kiểm soát ở tây bắc Syria, nơi cuộc tấn công bắt đầu, đã được giao trách nhiệm cho quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình sau khi được phe đối lập bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời tới tháng 3-2025. Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, ông al-Bashir nhấn mạnh "giờ đây là thời điểm để người dân Syria được hưởng sự ổn định và yên bình".

Ông Abu Mohammed al-Jolani, lãnh đạo của lực lượng Hayat Tahrir al-Sham, đã thông báo tiến trình đàm phán về việc chuyển giao quyền lực, đồng thời cam kết truy tố các quan chức cấp cao thuộc chính quyền Assad về tội ác chiến tranh. Ông al-Jolani khẳng định "Syria sẽ được tái thiết, đất nước sẽ tiến tới phát triển và ổn định". Ông đồng thời nhấn mạnh rằng "người dân đã mệt mỏi với chiến tranh và không muốn một cuộc chiến khác".

Được sự hỗ trợ của các nhóm đối lập, Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp al-Bashir đã tiến hành cuộc họp nội các đầu tiên với sự tham gia của chính quyền lâm thời và các cơ quan từ chính phủ dưới thời ông al-Assad. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria. Tuy nhiên, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay tại Syria vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ công nhận chính phủ mới tại Syria nếu họ đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên. Ông cũng yêu cầu chính phủ mới phải đảm bảo "để Syria không là nơi ẩn náu của khủng bố". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Đông Bắc Syria trong khuôn khổ nhiệm vụ chống khủng bố. Trong một diễn biến liên quan, Tướng Erik Kurilla - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) - ngày 10-12 đã tới Syria để cập nhật tình hình và tiếp tục hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong việc ngăn chặn tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trỗi dậy.

Nga rút quân khỏi Syria

Nga đã bắt đầu một cuộc rút quân quy mô lớn khỏi Syria, sử dụng máy bay quân sự và tàu hải quân để sơ tán lực lượng và thiết bị. Theo tờ Kyiv Post, Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) cho biết phần lớn lực lượng Nga ở Syria đã rút đi thông qua căn cứ không quân Khmeimim trước khi chuyển tiếp đến các sân bay Ulyanovsk, Chkalovsky và Privolzhsky tại Nga.

Tại cảng Tartus của Syria, Nga đang tiến hành tháo dỡ khẩn cấp thiết bị và tài sản quân sự dưới sự bảo vệ của hàng trăm lực lượng đặc nhiệm. Điều này cho thấy sự khẩn trương của Moscow trong việc đảm bảo an toàn cho quá trình rút quân. Đáng chú ý, Nga được cho là đang cân nhắc đàm phán với lực lượng đối lập Syria nhằm đảm bảo quá trình rút quân diễn ra an toàn. Báo cáo từ HUR cho thấy thái độ của Moscow đối với các nhóm này đã có sự thay đổi, từ lập trường cứng rắn sang hướng trung lập hơn.

Nga đã tham gia cuộc xung đột tại Syria từ năm 2015 với mục tiêu hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, những biến động gần đây, bao gồm việc chuyển một phần lực lượng từ Syria sang Ukraine, đã khiến Nga phải điều chỉnh chiến lược trong khu vực. Song song đó, Ukraine cũng gia tăng hoạt động nhằm chống ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu, đặc biệt tại Syria.

Các nhóm đặc nhiệm Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga ở Syria, nhắm đến các thiết bị và lực lượng quan trọng. Các hoạt động này là một phần trong chiến lược rộng lớn của Ukraine nhằm ngăn chặn Nga mở rộng tầm ảnh hưởng tại các khu vực chiến lược, từ Trung Đông đến châu Phi.

Những diễn biến này cho thấy sự thay đổi trong cân bằng quyền lực tại khu vực Trung Đông, nơi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và các cường quốc đang cạnh tranh để định hình lại ảnh hưởng của mình.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/israel-khong-kich-quy-mo-lon-tai-syria-post305845.html
Zalo