Bị sưng khớp đầu gối nghĩ ngay đến 6 bệnh này
Bị sưng khớp đầu gối (đầu gối bị sưng) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chấn thương do sử dụng quá mức, nhiễm trùng khớp hoặc một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
Khớp gối của chúng ta được cấu tạo gồm nhiều gân cơ như tứ đầu, xương bánh chè, gân cơ khoeo, dải chậu chày, sụn chêm,… và bao bởi bao khớp phức tạp. Khi một trong các thành phần cấu tạo này bị tổn thương có thể dẫn tới cơn đau đầu gối hay bị sưng khớp đầu gối.
1. Bị sưng khớp đầu gối là bệnh gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng khớp gối bị sưng. Đây là dấu hiệu viêm do sự tích tụ chất lỏng xung quanh vùng tổn thương, từ đó khiến đầu gối trở nên to hơn và sưng hơn, có thể dễ dàng nhìn được bằng mắt thường.
Cảm giác sưng khớp đầu gối được mô tả là đau nóng rát ở vùng đầu gối bị tổn thương hoặc là những cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội khi đứng lên hoặc di chuyển, thậm chí là biến dạng khớp gối, sốt, cảm giác nặng nề ở khớp đầu gối.
Theo Medical News Today, có một vài nguyên nhân phổ biến khiến một người bị sưng khớp đầu gối cấp tính bao gồm:
- Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối còn được gọi là viêm màng hoạt dịch khớp gối, chỉ tình trạng túi chứa dịch lỏng khớp gối bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân, từ biến chứng của các bệnh viêm xương khớp tới chấn thương khớp gối, nhiễm trùng bao hoạt dịch,...
Trong đó, viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể dẫn tới hiện tượng bị sưng khớp đầu gối kèm theo các triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối khác như: Cảm giác ấm nóng ở khớp đầu gối, cơn đau đầu gối không thuyên giảm hay chỉ giảm nhẹ một chút sau khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng đau đớn tăng dần theo thời gian.
- Viêm khớp
Viêm khớp là nguyên nhân phổ biến khiến khớp gối sưng lên, chẳng hạn như thoái hóa khớp do sụn khớp bị mòn; viêm khớp dạng thấp; viêm khớp dạng thấp vị thành niên; viêm khớp phản ứng; viêm khớp nhiễm khuẩn; bệnh gout; viêm khớp vảy nến; bệnh lupus.
Mỗi một tình trạng đều có những đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung, khớp đầu gối có thể bị sưng lên kèm theo đau đớn, cứng khớp vào buổi sáng hoặc khi ngồi lâu, khó khăn khi di chuyển,...
Trong trường hợp bệnh lupus, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh bao gồm cả mô khớp. Lupus là một tình trạng mãn tính và đặc trưng bởi các dấu hiệu bệnh lupus ban đỏ như: đau khớp (phổ biến ở khớp cổ tay, bàn tay, mắt cá chân); phát ban trên mặt với hình dáng giống con bướm (vị trí má, mũi, cổ, bàn tay,...) với các bọng nước; sốt kéo dài hoặc tái đi tái lại; rụng tóc và để lại một số vùng hói nhỏ trên đầu; tê và đổi màu đầu ngón tay, ngón chân; mệt mỏi cực độ; đau ngực khi hít thở sâu hoặc đau ngực khi ho; loét miệng kéo dài từ vài ngày tới vài tháng; đau đầu, giảm tập trung và ghi nhớ;...
- Chấn thương khớp đầu gối
Các chấn thương khớp đầu gối cấp tính do luyện tập hay chơi thể thao, tai nạn tác động tới gân (viêm gân, bong gân), sụn (rách sụn), dây chằng (rách, giãn dây chằng), xương bánh chè (gãy, nứt,..), căng cơ, trật khớp gối hay tổn thương các cấu tạo khác của khớp gối đều có thể dẫn tới sưng khớp đầu gối.
Với những chấn thương nghiêm trọng, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển, sự lỏng lẻo của khớp gối nếu bị gãy, bầm tím, đau nhói ở khớp gối,... Điều trị chấn thương cấp tính thường bao gồm nghỉ ngơi, nẹp hỗ trợ, dùng thuốc NSAID, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
- Nhiễm trùng
Sự viêm nhiễm xảy ra ở khớp đầu gối như bệnh lupus, bệnh Lyme, viêm mô tế bào, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết rách trên da (chẳng hạn như sau gãy xương hở , phẫu thuật đầu gối hoặc tiêm đầu gối) có thể gây sưng đau ở đầu gối.
Xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân khiến bạn bị sưng khớp đầu gối là bệnh gì. Người bệnh có thể có các triệu chứng tương tự như cúm, phát ban và sưng khớp nếu bị bệnh Lyme.
- Chấn thương do sử dụng quá mức
Chấn thương do sử dụng quá mức, còn được gọi là chấn thương do sử dụng lặp đi lặp lại, là những chấn thương trong đó áp lực kéo dài lên khớp gối gây viêm, đau và mất khả năng vận động của khớp đầu gối. Chấn thương đầu gối do sử dụng quá mức thường liên quan đến các môn thể thao như chạy hoặc các nghề nghiệp đòi hỏi phải nâng vật nặng hoặc ngồi xổm.
Các tình trạng thường gặp có thể gây sưng khớp đầu gối do sử dụng quá mức bao gồm: Viêm gân bánh chè, viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè, hội chứng Patellofemoral, nếp gấp bao hoạt dịch.
- Khối u
Sự xuất hiện của khối u ở đầu gối có thể khiến đầu gối của một người bị sưng to lên bất thường. Đó có thể khối u ác tính (ung thư) hoặc khối u lành tính - nhưng nhìn chung, tất cả đều có thể ảnh hưởng tới đầu gối hoặc các cấu trúc gần đó dẫn tới tràn dịch và sưng khớp đầu gối.
Các khối u phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm: u sụn (Enchondroma), u nguyên bào sụn (Chondroblastoma), u xơ sụn (Chondromyxoid fibroma), ung thư xương (còn gọi là khối u xương ác tính), Sarcoma mô mềm.
Trong đó, dấu hiệu ung thư xương cần đặc biệt lưu ý bên cạnh sự xuất hiện của khối u bất thường là cảm giác đau trong xương tăng dần, cơn đau kéo dài và đau lan tỏa sang các bộ phận xung quanh; nhức và sưng tấy đầu gối bị đau; xương dễ gãy hơn; có thể sờ thấy các khối hạch cứng hoặc cảm giác rắn chắc trong xương dài của chân; luôn cảm thấy mệt mỏi cực độ, chán ăn và giảm cân không rõ nguyên nhân.
2. Cách giảm đau sưng khớp gối tại nhà
Cách giảm đau sưng khớp gối cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật, xạ hóa trị. Để giảm nhẹ cảm giác sưng đau đầu gối tại nhà bạn có thể:
- Áp dụng phương pháp RICE
+ R (Rest): Nghỉ ngơi trong 2 ngày đầu khi cơn đau xảy ra.
+ I (Ice): Chườm lạnh sau 2 - 3 giờ một lần trong 48 giờ đầu tiên khi cơn đau bắt đầu, mỗi lần chườm từ 15 - 20 phút. Sử dụng dụng cụ chườm lạnh, tránh chườm trực tiếp lên vết sưng đau có thể gây bỏng lạnh.
Sau khi chườm lạnh xong thì những ngày sau bạn có thể cân nhắc tới việc chườm nóng hoặc ngâm đầu gối bị sưng trong bồn nước ấm trong 15 - 20 phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày. Nhưng nếu tình trạng sưng tấy đầu gối trở nên tệ hơn thì cần ngừng chườm nóng lại.
+ C (Compression): Băng ép khu vực đầu gối sưng đau, lưu ý không quấn quá chặt có thể cản trở quá trình lưu thông máu.
+ E ( Elevation): Kê cao đầu gối bị sưng đau.
Có thể cần đến nẹp đầu gối và thiết bị hỗ trợ di chuyển như một đôi nạng nếu chấn thương nghiêm trọng. Vật lý trị liệu có thể được khuyến nghị để phục hồi sức mạnh và phạm vi chuyển động sau chấn thương, gãy xương hoặc thời gian bất động kéo dài.
Xoa bóp đầu gối cũng có thể giúp chất lỏng "thoát" khỏi tình trạng tích tụ ở khớp gối dẫn tới sưng khớp đầu gối cũng như giảm nhẹ dấu hiệu viêm và đau.
- Thuốc
Có thể kê đơn nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị các nguyên nhân khác nhau gây sưng khớp đầu gối. Chẳng hạn như thuốc chống viêm NSAID, acetaminophen, thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn, cortisteroid. Tuy nhiên, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng dẫn tới nhờn thuốc hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng hơn cho sức khỏe.
- Các bài tập kéo giãn đầu gối
Các bài tập kéo giãn đầu gối nhằm mục đích thư giãn và tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ đầu gối. Khi các cơ này khỏe mạnh, áp lực lên đầu gối sẽ được giải phóng cũng như giảm sự tích tụ dịch ở đầu gối hiệu quả.
Tập thể dục cũng là cách phòng ngừa tổn thương và sưng khớp đầu gối. Bạn có thể thử tập các bài tập dưới nước, các bài tập rèn luyện sự linh hoạt của khớp gối. Tuy nhiên cần lưu ý không nên cố gắng tập khi khớp gối đang sưng đau nghiêm trọng, cũng như nên dừng tập nếu cảm thấy đầu gối sưng đau tăng lên.
Tình trạng sưng khớp đầu gối cần thăm khám bác sĩ sớm nếu cơn sưng đau đầu gối không thuyên giảm mà có xu hướng lan tỏa mạnh sang các bộ phận xung quanh; ngay cả khi áp dụng cách giảm đau sưng khớp gối tại nhà cũng không đem lại hiệu quả. Hơn nữa, các chấn thương đột ngột gây sưng đau đầu gối đều cần được kiểm tra tại bệnh viện sớm để tránh biến dạng hay tổn thương vĩnh viễn do không được điều trị đúng cách.
Nguồn: Healthline, Medical News Today