Né tránh trách nhiệm - triệt tiêu tinh thần dám nghĩ, dám làm…
Những cụm từ về 'đùn đẩy', 'sợ sai', 'né tránh trách nhiệm'… được đề cập nhiều trên các diễn đàn khi nói đến thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong hệ thống chính trị. Dù đã có Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ chính trị về 'Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung', nhưng từ chủ trương đến thực tế tồn tại vẫn còn là khoảng cách khá xa.
Những khoảng trống...
Nhìn lại sau hơn hai năm triển khai thực hiện Kết luận 14, tinh thần làm việc đã có sự chuyển biến nhưng chưa rõ rệt, vẫn còn những khoảng trống. Tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn khá phổ biến, chưa nói đến dám nghĩ, dám làm khiến dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, thất vọng. Những “sáng tạo”, “đột phá” đang trong mức độ bắt buộc, chưa có những thay đổi thực sự mang tính đột phá tạo nên những nền tảng cơ bản về tính chịu trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Một bộ phận cán bộ đã “dám nghĩ”, nhưng từ dám nghĩ đến dám làm, dám đương đầu với công việc khó vẫn đang là số ít và còn một khoảng cách khá xa so với thực tế. Khi đã không dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn rằng sẽ không có đổi mới, sáng tạo và cố tìm cách né tránh để khỏi phải chịu trách nhiệm là lý đương nhiên và được ngầm hiểu trong suy nghĩ của nhiều người. Và đó cũng là khoảng cách giữa “6 dám” với ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ và lãnh đạo hiện nay.
“Phương châm” bất thành văn: “Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước hội đồng xét xử”, “làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, không làm thì không sai”… trở thành tâm lý âm thầm ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, không dễ xóa bỏ một sớm, một chiều. Việc hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì sai phạm ngoài ý muốn khiến không ít cán bộ nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, né tránh. Nhiều trường hợp cấp trên không trong sáng với ý đồ cá nhân bắt cấp dưới làm trái quy định khiến nhiều người e ngại, khó xử khi có thể đối mặt với vi phạm pháp luật. Những biểu hiện và nguyên nhân đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua là thực tế tồn tại cần được xóa bỏ.
“Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”
Sợ sai là mức nói giảm, nói tránh của việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Cái gì có lợi thì vơ vào mình, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chưác, cho người dân, doanh nghiệp, cốt sao mình không phải chịu trách nhiệm là được. Lý giải từ thực tế có thể phân ra 3 loại. Ở mức độ thấp là những người không đủ trình độ, năng lực yếu kém, người được đề bạt từ thân quen, “ngồi không đúng chỗ”… nên không dám làm. Ở mức độ phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, nhưng chỉ làm khi có lợi, tốt nhất là không làm hoặc làm cầm chừng khi không có được “quyền lợi” cho bản thân và nhóm lợi ích. Đó là loại cán bộ đáng lên án nhất. Nhóm thứ 3 là những người biết việc, có thể làm được nhưng vì trong hoàn cảnh xung quanh bị “vây” bởi không khí sợ trách nhiệm, nên tốt nhất là không cần phải “đương đầu”, “không làm cho lành”…
Kết luận 14 như một “liều thuốc tốt” nhưng dường như vẫn chưa đủ để chữa trị căn bệnh trầm trọng, đè nặng tâm lý của nhiều cán bộ. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều ngành, địa phương. Né tránh trách nhiệm, “án binh bất động” trong các dự án đầu tư công, đấu giá tài sản, mua sắm vật tư y tế… gây nên lãng phí lớn chỉ vì chờ chỉ đạo của cấp trên.
Có ý kiến nói rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai, không dám làm là vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn? Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai? Điều đó có thể đúng một phần. Thế nhưng cũng cần phân định rõ giữa dám nghĩ, dám làm với né tránh trách nhiệm là 2 thái cực đối nghịch nhau. Xét cho cùng cán bộ không tham nhũng, đạo đức trong sáng, tự trọng, biết giữ danh dự, làm việc với trách nhiệm cao thì đâu dễ bị sai phạm. Những ý kiến như đã nêu chỉ là biện minh cho đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cần phải sớm loại bỏ.
Nếu cán bộ của chúng ta thực hiện mọi việc đều vì lợi ích của nhân dân, mang lại hiệu quả cao vì sự tiến bộ của xã hội thì dù “vượt rào”, “xé rào” cũng luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ủng hộ. Bài học về đồng chí Hà Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú “vượt rào”, “khoán chui” đã làm cơ sở, tiền đề cho Đảng ta nghiên cứu và hình thành chủ trương ra nghị quyết về khoán trong nông nghiệp sau này.