Cận Tết, sinh viên sư phạm ở TP.HCM 'vỡ òa' vì nhận tiền hỗ trợ cả trăm triệu đồng

Mỗi sinh viên sư phạm khóa 2021 được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116/2020 trong đợt này lên đến hơn 127 triệu đồng tiền sinh hoạt phí cho 35 tháng.

Hôm nay, hàng trăm sinh viên theo học khối ngành sư phạm (đào tạo giáo viên) tại TP.HCM bất ngờ và vui mừng khi nhận được thông báo lên làm thủ tục xác nhận hoàn trả tiền hỗ trợ sinh hoạt phí, sau gần 4 năm chờ đợi.

Việc hoàn trả tiền này được thực hiện theo Nghị định 116/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và áp dụng từ năm học 2021-2022.

Không dám tin được nhận cả trăm triệu đồng

Chia sẻ với PV báo Pháp Luật TP.HCM, em Mai Anh Thi (học năm thứ 4 ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn) cho biết ngay khi nhận được thông báo thì sáng sớm nay (ngày 10-1), em đã lên trường ký xác nhận số tài khoản và số tiền sẽ nhận.

Mai Thi cho biết số tiền em nhận được trong đợt này là hơn 127 triệu đồng. Đây là tiền hỗ trợ sinh hoạt phí của 35 tháng qua, mỗi tháng 3,63 triệu đồng.

 Thông báo của Trường ĐH Sài Gòn khiến nhiều sinh viên vui mừng.

Thông báo của Trường ĐH Sài Gòn khiến nhiều sinh viên vui mừng.

Mai Thi cho biết gia đình em ở Đồng Nai, ngay từ khi học xong lớp 12, em có trúng tuyển vào một số trường ĐH khác nhưng mức học phí quá lớn với gia đình em, nên em đăng ký lại vào sư phạm để được miễn học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Khi nhập học, em đã làm hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ theo diện đào tạo thuộc phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương. Thời điểm đó, em có tạm ứng tiền để đóng học phí cho 3 học kỳ với khoảng hơn chục triệu đồng nhưng sau đó không phải đóng nữa.

“Việc chậm hỗ trợ tiền trong thời gian dài khiến em gặp nhiều khó khăn vì ba mẹ em phải vay mượn tiền cho em đi học, nhất là khoảng thời gian khó khăn vì dịch COVID-19. Nên khi bất ngờ nhận thông báo của trường là em gọi về ngay cho mẹ. Cả nhà em ai cũng mừng lắm vì em đã chờ suốt gần 4 năm rồi” – Mai Thi bày tỏ.

Tương tự, em H.N.K cũng học sư phạm khóa 2021 tại TP.HCM nói trong vỡ òa: “Em không tin đây là sự thật. Em đã chờ rất lâu rồi, đến nỗi em không dám nghĩ đến số tiền đó nữa vì sợ ảnh hưởng việc học. Em lên ký nhận mà run tay luôn, niềm vui lớn này em muốn gửi tặng lại cho ba mẹ trước khi ra trường”.

K cho biết em từ Thanh Hóa vào TP.HCM học. Ngay từ đầu, bố mẹ em chỉ cho em đi học nghề để vừa đỡ tốn kém vừa nhanh ra trường đi làm, nhưng khi biết có chính sách hỗ trợ tiền học và tiền sinh hoạt nên em xin vào TP.HCM học sư phạm.

Thế nhưng suốt gần 4 năm qua, em trông ngóng hoài mà vẫn không thấy tiền chuyển về. Em có thắc mắc lên trường nhưng phía trường cũng động viên sinh viên ráng chờ.

Thời gian qua, để có tiền, em vừa học vừa đi dạy thêm và đi làm thêm ở quán cơm vào buổi tối. Tết em cũng ở lại làm thêm để lo cho việc học chứ không dám về, sợ đi xa tốn kém quá.

 Sinh viên của Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn trong một buổi sinh hoạt tại trường. Ảnh: NVCC

Sinh viên của Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn trong một buổi sinh hoạt tại trường. Ảnh: NVCC

Chi trả tiền hỗ trợ cho hơn 600 sinh viên

Về vấn đề này, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết vừa qua, sở đã hoàn tất hồ sơ và chuyển tiền cho hai trường là Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với hơn 600 sinh viên. Trong đó, có hơn 500 em đang học Trường ĐH Sài Gòn.

Số tiền sở chuyển gồm hai khoản là tiền học phí và tiền sinh hoạt phí của 35 tháng (7 học kỳ) mà sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 đã học ở diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Trong đó, tiền học phí sẽ trả về cơ sở đào tạo, còn tiền sinh hoạt phí sẽ được hai trường hoàn trả lại cho sinh viên theo đúng quy định ở Nghị định 116/2020 của Chính phủ.

Về lý do chậm chuyển tiền gần 4 năm, ông Hồ Tấn Minh cho biết năm 2021 là khóa sinh viên đầu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2020. Tuy nhiên, thời điểm đó bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, giải quyết hồ sơ…

Do đó, sau thời gian dịch và khi được UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch triển khai, sở đã hoàn tất hồ sơ trước 31-12-2024 vừa qua để chuyển tiền về cơ sở đào tạo.

Cũng theo ông Minh, việc chậm hoàn tiền thời gian dài này chỉ ảnh hưởng với khóa tuyển sinh năm 2021, còn sinh viên các khóa khác được chi trả bình thường theo quy định.

2 diện sinh viên sư phạm được hỗ trợ

Mức học phí của sinh viên các ngành sư phạm ở hệ ĐH năm học 2024-2025 cao nhất là 14,1 triệu đồng/năm học.

Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, từ ngày 15-11-2020, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

Mỗi sinh viên được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.

Thời gian hỗ trợ này theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Sinh viên ngành sư phạm hiện được đào tạo theo 3 diện:

1. Diện nhu cầu xã hội: Cơ quan cấp trên của cơ sở đào tạo cấp học phí, sinh hoạt phí.

2. Diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu: Học phí, sinh hoạt phí của người học do địa phương/đơn vị đặt hàng chi trả.

3. Diện tự do, không đăng ký hưởng chính sách: Người học tự túc học phí và sinh hoạt phí.

Như vậy, sinh viên được đào tạo theo diện 1 và 2 được hỗ trợ học phí

Tuy nhiên, cũng theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách sẽ phải bồi hoàn kinh phí nếu không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm tốt nghiệp; không công tác đủ thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng; sinh viên chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-tet-sinh-vien-su-pham-o-tphcm-vo-oa-vi-nhan-tien-ho-tro-ca-tram-trieu-dong-post829423.html
Zalo