Nể phục hành trình ngược dòng 'thần tốc' của nam sinh Trường ĐH Bách Khoa

Từ một học sinh có học lực gần chót bảng, Lý Thành Tiến được Trường ĐH Bách khoa khen thưởng là sinh viên hiếm hoi khi tốt nghiệp trước hạn đến 3 học kỳ với mức khá.

Đợt tốt nghiệp tháng 4-2025 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hơn 1.088 tân kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân được trao bằng.

Đáng chú ý, có đến 21 sinh viên nhận khen thưởng từ nhà trường vì tốt nghiệp trước hạn với thành tích tốt.

Trong số đó, thành tích và hành trình học tập của em Lý Thành Tiến khiến nhiều người phải bất ngờ, nể phục. Thành Tiến tốt nghiệp song ngành Hàng không - Tàu thủy của khoa Kỹ thuật giao thông nhưng vẫn tốt nghiệp trước hạn tới 3 học kỳ và được xếp loại khá với điểm trung bình tích lũy 3.1/4.0, gần đạt loại giỏi (3.2/4.0).

 Lý Thành Tiến nhận khen thưởng từ GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa

Lý Thành Tiến nhận khen thưởng từ GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa

Từ thứ hạng gần chót bảng đến trúng tuyển song ngành

Thành Tiến cho biết gia đình em ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Bậc phổ thông, em học ở trường Trường THPT Tân Túc, lực học ở mức khá và em không hứng thú nhiều với việc học.

Năm lớp 10 và lớp 11, em đạt học sinh tiên tiến và đứng hạng 35/42 trong lớp. Khi đó, Thành Tiến chưa có định hướng cho tương lai rằng sẽ học gì, làm gì.

Tuy nhiên, khi lên lớp 12, em bắt đầu tìm hiểu về ngành học và tương lai cho mình.

Trong một lần tìm hiểu các ngành nghề trên youtube, em có xem được một video của anh Thỏ Hoàng - cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không của Trường ĐH Bách khoa chia sẻ về nghề bảo dưỡng máy bay. Qua đó, em thấy thích thú đối với nghề này và xác định đây là công việc mình sẽ làm trong tương lai.

Thành Tiến đã quyết định sẽ học ngành Kỹ thuật hàng không cũng tại Trường ĐH Bách khoa và nghiêm túc thực hiện mục tiêu này. Thế nhưng do lực học khi đó của em còn yếu, nên để có thể trúng tuyển em quyết tâm học thật nhiều.

“Lịch học của em dày đặc, em đi học từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới về tới nhà. Tuy rằng vất vả nhưng nó không khiến em nản lòng. Em cũng có ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp TP.HCM môn Toán và may mắn đạt giải ba.

Nhờ kỳ thi này, em tự tin thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và đạt 885 điểm để trúng tuyển ngành mình yêu thích (điểm chuẩn 865)” – Thành Tiến kể lại.

 Lý Thành Tiến

Lý Thành Tiến

Học vượt vì muốn đi làm càng sớm càng tốt

Thành Tiến cho hay, ban đầu em chỉ muốn học chương trình đại trà ngành Kỹ thuật Hàng không, tuy nhiên lúc đó trường chỉ có song ngành Kỹ thuật Tàu thủy - Hàng không ở hệ đại trà. Sau khi cân nhắc, em quyết định học vì thấy đây cũng là cơ hội tốt để có thể học hỏi thêm về ngành tàu thủy, mở mang thêm nhiều kiến thức.

Dù vậy, Tiến vẫn mong muốn trở thành Kỹ sư Bảo dưỡng máy bay và được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Tiến chia sẻ thêm, chương trình học của em theo quy định sẽ kéo dài 5 năm với 160 tín chỉ. Em thấy nếu học tới 5 năm thì quá lâu nên quyết tâm rút ngắn thời gian tốt nghiệp nhanh nhất có thể.

"Em muốn được đi làm càng sớm càng tốt để được va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm việc, đồng thời có thể sớm tự lập về tài chính, không dựa dẫm vào gia đình quá lâu” – Thành Tiến chia sẻ.

Để đạt được mục tiêu học vượt này, Thành Tiến dành tất cả thời gian cho việc học. Em đã xây dựng cho mình một lộ trình học các môn khác hoàn toàn so với chương trình đào tạo. Cạnh đó, cố gắng sắp xếp sao cho có thể học nhiều môn nhất trong 1 học kỳ và học hết tất cả kỳ hè. Kết quả là em đạt được mục đích học vượt 3 học kỳ.

Tuy nhiên, Thành Tiến cũng thẳng thắn chia sẻ, để đạt được mục tiêu tốt nghiệp sớm tới 3 học kỳ, việc học dồn dập gây rất nhiều áp lực.

“Em phải hi sinh thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để có thể hoàn thành kịp tiến độ. Em đã không đi làm thêm hay sinh hoạt các câu lạc bộ để tập trung hoàn toàn cho việc học. Nhất là ở học kỳ 2 năm thứ ba là áp lực nhất khi em học 21 tín chỉ, bao gồm 2 đồ án chuyên ngành là đồ án chuyên ngành hàng không và đồ án chuyên ngành tàu thủy. Khối lượng của 2 đồ án chuyên ngành thực sự lớn, em phải làm song song 2 đồ án và báo cáo kết quả làm việc mỗi tuần.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng nhờ sự giúp đỡ và động viên từ thầy cô và bạn bè đã giúp em có thể hoàn thành tốt” – Thành Tiến cho hay.

Cũng theo Thành Tiến, dù lịch học của em dày đặc nhưng em vẫn có khoảng một năm nghiên cứu về mô phỏng va chạm với đề tài “Khả năng hấp thụ năng lượng của các ống thành mỏng có lỗ lõi xốp nhôm chịu tải va đập dọc trục” do PGS. TS. Lý Hùng Anh thuộc Bộ môn Kỹ thuật Hàng không hướng dẫn. Nhờ đó, em cải thiện kỹ năng nghiên cứu độc lập, tư duy phản biện và quản lý thời gian – những kỹ năng rất quan trọng khi làm việc thực tế trong ngành kỹ thuật.

 Lý Thành Tiến chụp hình cùng những người bạn tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: P.ANH

Lý Thành Tiến chụp hình cùng những người bạn tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: P.ANH

Trúng tuyển kỹ sư của hãng hàng không lớn ngay trước lễ tốt nghiệp

Chia sẻ cảm xúc khi tốt nghiệp sớm với thành tích ấn tượng, Thành Tiến cho rằng đây là cột mốc rất ý nghĩa với mình.

“Với em, đây là bằng chứng chứng minh cho những quyết tâm, cố gắng và nỗ lực của em trong suốt quá trình học. Điều đặc biệt nhất là khiến cho gia đình, bạn bè của em tự hào về em. Ngoài ra, nó còn là bước đệm quan trọng giúp em sớm tiếp cận với môi trường làm việc thực tế” - Tiến bày tỏ.

Dù vậy, Thành Tiến tự nhủ rằng tốt nghiệp ĐH chỉ là khởi đầu. Em sẽ không ngừng cố gắng học tập thêm trong môi trường doanh nghiệp, trong cuộc sống.

Và đặc biệt nhất, dù chưa đến ngày nhận bằng tốt nghiệp, Thành Tiến đã ứng tuyển vào một hãng hàng không lớn của Việt Nam. Ngay trước một ngày diễn ra lễ tốt nghiệp, em đã nhận thông báo trúng tuyển vào vị trí kỹ sư Bảo dưỡng máy bay.

“Trong 2–3 năm tới, em muốn tập trung hoàn thiện kỹ năng chuyên môn của một kỹ thuật viên bảo dưỡng, đặc biệt là làm quen với nhiều loại máy bay và các quy trình bảo dưỡng khác nhau.

Em cũng đặt mục tiêu thi lấy các chứng chỉ cần thiết để có thể đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp hơn. Ngoài ra, em muốn học hỏi từ các anh chị đi trước để hiểu rõ hơn về quy trình bảo dưỡng thực tế tại hãng.

Nếu có cơ hội, em muốn phát triển lên các vị trí cao hơn như kỹ thuật viên giám sát hoặc tổ trưởng trong đội bảo dưỡng” – Tiến nói.

Thành Tiến có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất tốt

Theo chương trình song ngành Hàng không - Tàu thủy, sinh viên sẽ học trong vòng 5 năm nhưng Tiến tốt nghiệp vượt đến 3 học kỳ với số điểm 3.1/4.0, đây là mức điểm sát với mức giỏi (mức 3.2). Để học vượt đến 3 học kỳ, bản thân sinh viên phải sắp xếp lịch học rất khoa học vì đa số các môn chuyên ngành chỉ mở một lần/năm học. Tiến có tính chủ động cao, biết cách tận dụng các học kỳ hè để học những môn chung và dành nhiều thời gian chính khóa cho các môn chuyên ngành.

Ngay từ năm 2, Tiến đã chủ động đến gặp tôi để xin làm đồ án. Bạn có khả năng tự học, tự nghiên cứu sử dụng tài liệu bằng tiếng Anh, tìm tòi giải quyết vấn đề rất tốt. Bạn cũng đang có một bài báo nghiên cứu trong quá trình chỉnh sửa để đăng tạp chí quốc tế.

Nhận thấy khả năng của Tiến, tôi gợi ý học bổng để em tiếp tục đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến mong muốn đi làm sớm để va chạm thực tế nhiều hơn. Vì vậy, bên cạnh kỹ sư Bảo dưỡng máy bay, tôi cũng đang hướng dẫn thêm cho em về tính toán mô phỏng cấu trúc các phương tiện giao thông nói chung - cũng là định hướng đề tài luận văn trước đó của Tiến - để giúp em mở rộng cơ hội gia nhập thị trường lao động.

(PGS.TS Lý Hùng Anh, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM)

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ne-phuc-hanh-trinh-nguoc-dong-than-toc-cua-nam-sinh-truong-dh-bach-khoa-post846530.html
Zalo