Lý do ông Trump muốn khôi phục vai trò dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân
Tổng thống Donald Trump hôm 23.5 đã ký một sắc lệnh hành pháp mới nhằm thúc đẩy nhanh việc phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ, trong đó bao gồm cả các thiết kế lò phản ứng nhỏ chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Động thái này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng và giúp Mỹ giành lại vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Theo Bloomberg, mặc dù từng là quốc gia tiên phong trong việc triển khai công nghệ và sản xuất điện hạt nhân, trong suốt ba thập niên qua, Mỹ chỉ hoàn thành hai lò phản ứng mới, trong khi phải đóng cửa nhiều nhà máy cũ. Trái lại, các quốc gia như Trung Quốc và Nga đã đẩy mạnh xây dựng và xuất khẩu công nghệ hạt nhân của họ.

Một nhà máy điện hạt nhân của Mỹ - Ảnh: Bloomberg
Sáng kiến của ông Trump nhằm “giải phóng” tiềm năng năng lượng hạt nhân được xem là một phần quan trọng trong chiến lược tăng cường năng lượng sạch. Hạt nhân là nguồn năng lượng không phát thải carbon, có thể thay thế điện được tạo ra từ than và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, ông Trump vẫn coi hạt nhân là sự bổ sung cho nhiên liệu hóa thạch chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn.
“Chúng tôi đang ký một loạt các sắc lệnh quan trọng để đưa Mỹ trở thành thế lực thực sự trong ngành công nghiệp hạt nhân”, ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục trong buổi lễ ký kết, đồng thời nhấn mạnh rằng công nghệ hạt nhân “đã có nhiều tiến bộ cả về chi phí lẫn mức độ an toàn”.
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, cùng các lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng như Giám đốc điều hành Constellation Energy Corp. Joseph Dominguez và Jake DeWitte của Oklo Inc.
Đặt mục tiêu vượt xa chính quyền tiền nhiệm
Sáng kiến của ông Trump đánh dấu nỗ lực mới nhất của một tổng thống Mỹ trong việc khởi động lại ngành công nghiệp hạt nhân nội địa, vốn đã chững lại trong nhiều năm. Trước đó, cựu Tổng thống Joe Biden cũng từng đề ra mục tiêu tăng gấp ba lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump còn tham vọng hơn: tăng gấp bốn lần công suất hiện tại.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và hệ thống trí tuệ nhân tạo tăng mạnh, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các công ty đang phát triển các công nghệ lò phản ứng nhỏ tiên tiến như Last Energy Inc., Oklo, TerraPower LLC và NuScale Power Corp.
Bên cạnh đó, sắc lệnh hành pháp còn bao gồm điều khoản thúc đẩy việc xây dựng 10 lò phản ứng hạt nhân công suất lớn trước năm 2030. Động thái này có thể mang lại lợi ích cho Westinghouse Electric Co., đơn vị đang sở hữu thiết kế AP1000 – lò phản ứng thương mại cuối cùng được xây dựng tại Mỹ và đã được nhiều quốc gia chấp nhận.
Sáng kiến của ông Trump cũng đặt mục tiêu hồi sinh các nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa, nâng cấp các cơ sở hiện có, đồng thời hoàn thiện các dự án còn dang dở. Trong số đó có thể bao gồm nỗ lực của công ty tiện ích Santee Cooper ở Nam Carolina nhằm tiếp tục xây dựng hai lò phản ứng tại nhà máy V.C. Summer, dự án từng bị ngừng thi công vào năm 2017 do chi phí đội vốn.
Tuy nhiên, sáng kiến được triển khai trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang xem xét cắt giảm một số khoản trợ cấp quan trọng cho ngành điện hạt nhân. Cụ thể, theo một dự luật vừa được Hạ viện thông qua, các dự án hạt nhân tiên tiến chỉ được nhận tín dụng thuế năng lượng sạch nếu bắt đầu xây dựng trước cuối năm 2028. Ngoài ra, tín dụng thuế cho các nhà máy hiện tại cũng sẽ hết hạn vào cuối năm 2031. Các nhà phát triển cảnh báo rằng điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn trong việc khởi công các nhà máy mới.
Hạt nhân cho quốc phòng và dữ liệu
Một điểm đáng chú ý trong sắc lệnh mới của chính quyền Trump là yêu cầu xây dựng ít nhất một lò phản ứng tại các cơ sở quân sự Mỹ. Việc này nhằm mục đích cung cấp nguồn điện ổn định cho các cơ sở quốc phòng trọng yếu và trung tâm dữ liệu AI. Vì không gắn liền với thị trường thương mại, các lò phản ứng tại đây có thể tránh quy trình phê duyệt thông thường của Ủy ban quản lý hạt nhân (NRC).
NRC cũng nằm trong kế hoạch cải tổ toàn diện, bao gồm việc cắt giảm nhân sự theo chương trình cải cách chi tiêu của chính quyền Trump. Cơ quan này sẽ được yêu cầu thiết lập các mốc thời gian mới cho việc phê duyệt giấy phép, đồng thời tái cơ cấu tổ chức, có thể dẫn đến luân chuyển cán bộ và điều chỉnh vai trò.
Trong khi một số nhà phát triển phàn nàn rằng quy trình phê duyệt hiện nay của NRC quá chậm và tốn kém, nhiều người ủng hộ năng lượng hạt nhân cảnh báo rằng nếu quá trình đánh giá bị rút ngắn một cách vội vàng, chẳng hạn trong thời hạn 18 tháng như ông Trump đề xuất, có thể dẫn đến nguy cơ các thiết kế bị bác bỏ hoàn toàn, từ đó gây tổn hại đến nỗ lực triển khai.
Lo ngại về sự an toàn và chuỗi cung ứng
Sắc lệnh cũng yêu cầu đánh giá lại mức độ phơi nhiễm bức xạ có thể chấp nhận được. Một số chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể mở đường cho các tiêu chuẩn an toàn thấp hơn nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng, gây rủi ro tiềm tàng cho môi trường và sức khỏe con người.
Ngoài ra, kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân trong nước cũng gây tranh cãi. Cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến việc hình thành thêm các kho dự trữ plutonium dư thừa, làm dấy lên lo ngại về khả năng sử dụng vào mục đích quân sự.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Trump cũng đang xem xét sử dụng Văn phòng chương trình cho vay thuộc Bộ Năng lượng Mỹ như một công cụ tài chính chủ chốt cho các dự án hạt nhân. Cơ quan này sẽ được chỉ đạo ưu tiên tài trợ cho việc khởi động lại các nhà máy bị đóng cửa, tăng công suất tại các địa điểm hiện hữu, hoàn thiện các dự án dang dở và phát triển lò phản ứng tiên tiến mới.
Hiện nay, năng lượng hạt nhân chiếm gần 10% tổng sản lượng điện toàn cầu, với công suất khoảng 100 gigawatt tại Mỹ. Những người ủng hộ ngành này cho rằng việc mở rộng gấp ba lần công suất vào năm 2050 là cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Không giống như điện gió hay mặt trời, điện hạt nhân không phát thải khí nhà kính và có thể vận hành liên tục, đáp ứng nhu cầu cao của các trung tâm dữ liệu và hệ thống AI hoạt động suốt ngày đêm.
Trong quá khứ, Mỹ từng dẫn đầu thế giới về lắp đặt nhà máy điện hạt nhân. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã vượt lên với khoảng 30 lò phản ứng đang được xây dựng. Nga trong khi đó cũng đã phát triển công nghệ hạt nhân của riêng mình và xuất khẩu các lò phản ứng cho các nước như Ấn Độ, Iran và nhiều quốc gia khác.