Nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Chính sách hỗ trợ đột phá và nỗ lực của doanh nghiệp là chìa khóa để Việt Nam tiến lên 'nấc thang' cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đầu năm 2025 đã nêu lên những bước tiến quan trọng của DN Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ, nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn 70% giá trị xuất khẩu thuộc doanh nghiệp FDI
Dù vậy, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ thực trạng trình độ công nghệ của DN Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế? Hay đang ở phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?" - Tổng Bí thư đặt ra nhiều câu hỏi, từ đó đưa ra bài toán về chiến lược phát triển dài hạn.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 về đích với kết quả hơn cả mong đợi. Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm ngưỡng 800 tỉ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỉ USD. Tuy nhiên, phần lớn kim ngạch xuất khẩu là do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại với khoảng trên 70% và xuất khẩu của các DN này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy DN trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
"Dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là công nghiệp có tính gia công, giá trị thấp" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận. Mặt khác, công nghiệp nước ta nhìn chung chưa tận dụng tốt cơ hội của công nghiệp 4.0 và sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba, cũng chưa tận dụng được tối đa các hiệp định thương mại tự do. "Trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc, DN chúng ta tham gia được bao nhiêu?" - ông đặt vấn đề.
Công nghiệp nước ta cũng thiếu những ngành có tính nền tảng, như: vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng. "Về công nghiệp hóa chất, hóa chất cơ bản, chúng ta chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu" - ông Nguyễn Hồng Diên trăn trở.
Còn thiếu 3 yếu tố cạnh tranh cơ bản
Riêng ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) - cho biết nước ta thuộc top 5 trong 15 quốc gia xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử hàng đầu; đứng thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu điện thoại di động hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp linh kiện điện tử Việt Nam đang được định vị ở cuối đồ thị "đường cong nụ cười" - tức những hoạt động lắp ráp mang giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. "Việt Nam đón làn sóng FDI đầu tư nhưng sau các "ông lớn" đầu chuỗi là những DN FDI "vệ tinh", vào Việt Nam để sản xuất linh kiện, phụ kiện cung cấp cho họ" - bà Hương nêu thực tế.
Lợi nhuận của ngành điện tử tham gia quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam chỉ khoảng 5%-10%. Điều này có nghĩa là dù có khối lượng xuất khẩu rất lớn nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu tương đối nhỏ. "DN Việt do quy mô vừa và nhỏ nên thiếu và yếu 3 yếu tố cơ bản để cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu: công nghệ, nguồn nhân lực và vốn" - đại diện VEIA lý giải.
Hiện Việt Nam có hơn 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ. Đây được xem là ngành "xương sống" của nền công nghiệp quốc gia, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), sản phẩm của DN Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí; trong khi sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp vẫn do DN FDI nắm giữ.
Theo thống kê, số lượng DN tham gia nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia khoảng 100; cung ứng cấp 2, cấp 3 khoảng 700. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn đang ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. "Phần nghiên cứu phát triển (R&D) tại các DN công nghiệp hỗ trợ dù được quan tâm nhưng chưa thực sự đúng mức; nguồn nhân lực còn thiếu..." - ông Vân băn khoăn. Nguyên nhân được Phó Chủ tịch HANSIBA chỉ ra là một số cơ chế, chính sách vẫn chưa "gặp" được DN do khó khăn về thủ tục, nhất là các ưu đãi liên quan lãi suất, tín dụng.
Xây dựng chính sách hấp dẫn, khả thi
Từ những hạn chế, bất cập của các ngành công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tập trung nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới về phát triển công nghiệp có tính đột phá, thật sự hấp dẫn và khả thi nhằm thực hiện bằng được những chủ trương, định hướng lớn của Đảng; bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh, số, tuần hoàn, chia sẻ. Từ đó, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng và củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.
"Phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực như xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, đầu tư... Trong đó, cần hợp tác đầu tư thông qua cơ chế đa phương, song phương; thu hút FDI và thông qua hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài" - ông Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp.
Ông LÊ QUÝ KHẢ, Chủ tịch HĐQT TOMECO:
Tập trung vào 5 giải pháp
DN Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu nếu có chiến lược đúng đắn và cam kết về chất lượng.
Tôi nhận thấy DN chúng ta đang chấp nhận làm công nghiệp hỗ trợ với vai trò gần như làm thuê hoặc gia công. Điều này bắt nguồn từ việc chưa làm chủ được thiết kế, chưa có công nghệ tiên tiến và chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh. Điều này đặt ra bài toán lớn về chiến lược phát triển dài hạn.
Để giải bài toán này, cần tập trung vào 5 giải pháp: Bảo vệ và khuyến khích sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; đầu tư vào R&D; tăng cường hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển dịch từ "lợi thế chi phí thấp" sang "lợi thế chất lượng cao". Trong đó, để bảo vệ và khuyến khích sản phẩm thương hiệu Việt Nam, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn. Các DN cần chú trọng hơn nữa vào R&D để nâng cao năng lực sáng tạo, làm chủ thiết kế và công nghệ.
Việt Nam đang ở vị thế địa chính trị, kinh tế ổn định để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Đừng trách DN Việt yếu kém mà cần phải tập trung tìm cách để DN Việt lớn mạnh hơn.
Ông NGUYỄN VÂN, Phó Chủ tịch HANSIBA:
Xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội ban hành. Đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp, trong đó có một Phó Thủ tướng chuyên trách để khi DN đề xuất, kiến nghị gì thì sẽ được giải quyết kịp thời.
Chính phủ cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển DN công nghiệp hỗ trợ; quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt 5%-10% trong tổng số DN Việt Nam. Để làm được, cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn; quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như DN trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.
Các tổ chức ngân hàng cũng cần quan tâm cho DN công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài. Bởi lẽ, nhiều DN phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm, mới có lãi.