Nâng vị thế thị trường chứng khoán hướng tới kỷ nguyên mới
Nhiệm vụ của ngành chứng khoán là phải nỗ lực không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một quá trình “chuyển mình” mạnh với sự gia tăng về số lượng công ty, niêm yết, vốn hóa và giá trị giao dịch trên thị trường. Để phát triển tương xứng với quy mô thị trường, chất lượng đầu tư, hàng hóa cần được cải thiện, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Để bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, năm 2025 chúng ta cần tăng tốc, bứt phá, khai thông nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng nhằm phát triển kinh tế với những bước đột phá, bền vững để Việt Nam trở thành một nước cường thịnh, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Với những yêu cầu đặt ra như vậy, nhiệm vụ của ngành chứng khoán là phải nỗ lực không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Thực tế cho thấy, hiện quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khá lớn với hơn 9,2 triệu tài khoản chứng khoán. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, để thị trường chứng khoán có chất lượng cao, phát triển bền vững, nhà đầu tư tổ chức phải nhiều, tỷ trọng phải lớn trong hoạt động của thị trường.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, ở các thị trường chứng khoán phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường ở mức 60%, trong khi Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là con số lẻ rất nhỏ. Điều này khiến thị trường lên xuống, thiếu ổn định, phụ thuộc tâm lý nhà đầu tư.
Theo thống kê tại các công ty chứng khoán, thanh khoản hàng ngày của khách hàng cá nhân chiếm tới 75%. Đây là một sự khác biệt so với nhiều thị trường chứng khác quốc tế. Tại các thị trường chứng khoán phát triển như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…., các nhà đầu tư các nhân thường mua chứng chỉ quỹ, ủy thác cho các quỹ đầu tư. Số lượng khách hàng cá nhân tham gia thị trường chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Để thu hút hơn nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cải thiện năng lực đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang nỗ lực không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý.
Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ 2/11/2024, nhằm tháo gỡ nút thắt về yêu cầu giao dịch ký quỹ prefunding, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), với tỷ lệ giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư chứng khoán cá nhân trong nước đang chiếm phần lớn trong tổng thanh khoản trung bình hàng ngày của thị trường, khiến thị trường chứng khoán đang có biến động rất lớn, đôi lúc không phản ánh thực chất.
Thay vào đó, sự vận động của thị trường nhiều khi chỉ là kết quả của hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội). Việc áp dụng mô hình đối tác trung tâm (CCP), mở rộng cánh cửa nâng hạng và cũng sẽ “chào đón" nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường, qua đó giảm tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân. Điều này mang tới kỳ vọng mức độ biến động của thị trường sẽ giảm thiểu đáng kể so với hiện tại, tạo nên môi trường đầu tư an toàn, bền vững hơn.
Theo ông Minh, bên cạnh việc nâng hạng, việc nâng cao chất lượng và hấp dẫn của thị trường cũng là vấn đề cần quan tâm. Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội được nâng hạng, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến kỷ nguyên phát triển mới, thị trường cần cải thiện thêm một số yếu tố để thu hút trở lại các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài; trong đó, cần bổ sung hàng hóa chất lượng cho thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hóa chất lượng, đặc biệt là sự trì trệ trong các thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Khi Luật Quản lý sử dụng tài sản công được thông qua, kỳ vọng rằng từ nằm 2025 trở đi, các thương vụ này sẽ mở ra nguồn cung mới, góp phần bù đắp sự thiếu hụt của thị trường.
Điều này không chỉ giúp thu hút dòng vốn trở lại mà còn đóng vai trò quan trộng trong việc nâng hạng thị trường. Bởi lẽ việc niêm yết và cổ phần hóa sẽ giúp Việt Nam vượt qua thách thức về vốn hóa, đảm bảo khả năng trụ hạng, thay vì đối mặt nguy cơ bị loại bỏ do những hạn chế về quy mô.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiến nghị đẩy mạnh giảm sở hữu nhà nước ở những công ty, ngành mà nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát; khuyến khích các doanh nghiệp trên thị trường UPCOM chuyển sang sàn niêm yết, hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.
Ông Thuân cũng cho rằng, để nhà đầu tư tổ chức “bung sức” trên thị trường chứng khoán cần nâng hạng và nới lỏng quy định. Theo ông Thuân, nếu như các nhà đầu tư cá nhân góp phần chính vào việc tạo động lực ngắn hạn cho chỉ số thì nhóm nhà đầu tư tổ chức có lẽ đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của chỉ số chứng khoán.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh việc nâng hạng thị trường chứng khoán, cần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh đó, thu hút các định chế quản lý tài sản quốc tế lớn mang tính chủ động, cấp phép và có điều kiện hoạt động cho họ vào làm cơ sở dẫn dắt các quỹ đầu tư thụ động khác.
Ngoài ra, xây dựng thêm sản phẩm đa dạng phù hợp với khẩu vị đầu tư của định chế đầu tư nước ngoài (thông qua các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp) như cổ phiếu, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết...Đồng thời, xem xét đưa các hoạt động quản lý tài khoản ủy thác bởi môi giới chứng khoán và các công ty đầu tư vào diện giám sát.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), để hoàn thành mục tiêu nâng hạng và tạo nền tảng cho những bước phát triển xa hơn, Chính phủ sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, room ngoại, bán khống... cũng như nâng cấp hệ thống giao dịch, giúp thị trường tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, khiến giao dịch khối ngoại trở nên sôi động và dễ dàng hơn.