Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế

2024 là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại ở vùng đất Cố đô. Ngoài sự kiện mang tính lịch sử trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế còn là điểm dừng chân của các nhà đầu tư lớn với những siêu dự án được động thổ và hoàn thành, góp phần nâng tầm vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước.

 Cầu qua cửa biển Thuận An đang dần hoàn thiện. Ảnh: BẢO CHÂU

Cầu qua cửa biển Thuận An đang dần hoàn thiện. Ảnh: BẢO CHÂU

Động lực cho phát triển

Đầu quý II/2024, một trong những dự án lớn được khởi công có sự chứng kiến, tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương được triển khai tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 Cảng Vsico Chân Mây do Công ty cổ phần Hàng hải Vsico đầu tư, với tổng vốn khoảng hơn 1.678 tỷ đồng, trên tổng diện tích 20,4ha, tổng chiều dài 2 bến số 4 và số 5 là 540m. Khi hoàn thành, bến cảng có khả năng tiếp nhận các tàu hàng lên đến 70.000 tấn và tàu container lên đến 4.000 TEUS.

Theo kế hoạch, quý II/2025, chủ đầu tư sẽ đưa vào hoạt động bến số 4 và đầu năm 2026 sẽ đi vào hoạt động bến số 5, sản lượng thông qua cảng dự kiến đạt 5 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu mỗi năm. Với các tàu container, sản lượng thông qua cảng dự kiến đạt từ 80.000 đến 100.000 TEUS mỗi năm.

Tiếp đó, cuối tháng 8 cùng năm, nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ do Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế làm chủ đầu tư cũng tổ chức lễ động thổ tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với tổng mức đầu tư khoảng 260 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn.

 Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall, với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng hoàn thành, đi vào hoạt động đã nâng vị thế của Huế trong kêu gọi và thu hút đầu tư

Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall, với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng hoàn thành, đi vào hoạt động đã nâng vị thế của Huế trong kêu gọi và thu hút đầu tư

Giai đoạn 1 công ty sẽ ưu tiên sản xuất, lắp ráp các dòng động cơ đốt trong (diesel), CNG, điện, với tổng công suất hơn 12.000 sản phẩm mỗi năm. Giai đoạn 2 sẽ tập trung đầu tư sản xuất, chế tạo cầu, hộp số hệ thống truyền động xe ôtô... Trước đó không lâu, doanh nghiệp này cũng tổ chức ra mắt và bàn giao cho khách hàng dòng xe bus mang thương hiệu Kim Long Mobiline. Đây là sản phẩm của Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế mà doanh nghiệp đã khởi công trước đó và triển khai hoàn thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng.

Cùng với đó, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng và dự án tuyến đường đi bộ và cầu qua cửa biển Thuận An, với tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng từ năm 2022 và sẽ đưa vào sử dụng trong quý IV/2025 sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Huế trong thu hút đầu tư, cũng như tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, dự án Nhà máy Kanglongda Huế hoạt động ở lĩnh vực sản xuất găng tay sử dụng một lần tại Khu công nghiệp Phong Điền, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 1 đã đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động và dự kiến nộp ngân sách khoảng 220 tỷ đồng/năm.

Thêm nhiều cơ hội

Cùng thời điểm với việc khởi công bến tổng hợp số 4, 5 Cảng Vsico Chân Mây, dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy cũng được khánh thành đưa vào sử dụng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 74,555 triệu USD, trên diện tích 11.234ha; công suất xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt và có thể cung cấp khoảng 93 triệu KWh điện xanh mỗi năm đã góp phần giải quyết bài toán về xử lý rác thải trên địa bàn và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dự án cũng được Hội đồng An toàn Anh bình chọn đạt “Giải thưởng An toàn Quốc tế”. Bãi chôn lấp tro bay của dự án cũng là bãi chôn lấp tro bay nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên trên cả nước được đưa vào sử dụng.

Song, dự án góp phần nâng hình ảnh, vị thế của Huế trong mắt nhà đầu tư cũng như du khách vừa khánh thành, đưa vào sử dụng cuối quý III vừa qua không thể không nhắc đến là Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall Huế tại Khu A – khu đô thị An Vân Dương trên tổng diện tích 8,62ha, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Huế có một trung tâm thương mại hiện đại, đầy đủ các tiện nghi, từ dịch vụ ăn uống, mua sắm đến vui chơi giải trí đẳng cấp. Hơn thế nữa, Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall Huế đi vào hoạt động, hàng loạt thương hiệu, nhãn hàng lớn trong nước và trên thế giới về thời trang, thức uống… cũng đến Huế, như Uniqlo, Phúc Long, KOI Thé, Katinat và gần đây là Starbucks… góp thêm sự sang trọng và đẳng cấp cho Huế.

Sắp tới, các dự án lớn về giao thông như đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tuyến đường đi bộ và cầu qua cửa biển Thuận An đi vào hoạt động, cùng với việc đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe; đầu tư mở rộng đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài…, lúc đó giao thương kết nối liên vùng sẽ thuận lợi hơn. Huế sẽ càng có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Hiện, các ban ngành cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư ở nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế ban đêm nhằm đa dạng thêm các loại hình dịch vụ du lịch về đêm cho Huế. Khi du khách đến Huế, nhất là du khách hạng sang, ngoài trải nghiệm các dịch vụ ở Trung tâm thương mại Aeon Mall, chơi golf ở Laguna Lăng Cô hoặc ở Khu nghỉ dưỡng Golden Sands Golf Resort ở 2 xã Vinh Xuân - Vinh Thanh (Phú Vang)… sẽ còn thêm nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí về đêm khác. Đây cũng là một trong những điều kiện, yếu tố cần thiết để nâng tầm đô thị, dịch vụ đẳng cấp của thành phố trực thuộc Trung ương.

TÂM HUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nang-tam-vi-the-cho-nen-kinh-te-149472.html
Zalo