Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc qua thương mại điện tử

Ngày 24/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu khai mạc chuỗi sự kiện 'Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử – Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc'.

Sự kiện thu hút hơn 100 hợp tác xã, hộ kinh doanh và đơn vị sản xuất tiêu biểu từ khu vực, cùng hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức xúc tiến thương mại.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội nghị.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội nghị.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: Thương mại điện tử (TMĐT) chính là một trong những trụ cột then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như vùng trung du và miền núi phía Bắc.”

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khoảng cách phát triển TMĐT giữa các vùng, miền hiện vẫn còn lớn. Trong khi các đô thị lớn đã hình thành hệ sinh thái TMĐT khá toàn diện, thì tại nhiều tỉnh miền núi và trung du, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế do điều kiện hạ tầng, nhân lực và tập quán kinh doanh truyền thống.

Để thu hẹp khoảng cách số và phát huy lợi thế đặc thù của từng vùng miền, việc thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT trở thành một chủ trương lớn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số của Chính phủ.

“Vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất cả nước, với hệ sinh thái văn hóa – sinh thái đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, có cộng đồng dân tộc phong phú và tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Với tiềm năng phong phú như vậy, để tối ưu hóa những lợi thế này, chúng ta cần một “sợi dây liên kết” mạnh mẽ giữa các vùng miền. Thương mại điện tử chính là “sợi dây” đó,” Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định.

Đại diện bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp TMĐT, hiệp hội TMĐT cùng chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ.

Đại diện bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp TMĐT, hiệp hội TMĐT cùng chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ.

Với mục tiêu giải quyết những thách thức trên, tại lễ khai mạc, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng TMĐT tiêu biểu, bao gồm Shopee, TikTok Việt Nam, cùng đại diện Sở Công Thương của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên). Mục tiêu là hỗ trợ triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng số, phát triển hạ tầng TMĐT, và thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số, qua đó góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực kinh doanh số cho khu vực vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho khu vực Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho khu vực Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tại hội nghị, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số đã đề xuất bốn nhóm giải pháp chiến lược nhằm xây dựng hệ sinh thái TMĐT vùng bền vững: Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ TMĐT vùng cao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ số phục vụ phát triển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực kết nối và bảo vệ thương hiệu địa phương; phát triển hạ tầng logistics và phân phối số, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa; nâng cao năng lực số tại chỗ, thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý địa phương.

Ông Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh đã phát triển mạnh mẽ nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mắc ca, quế, cao su, và đặc biệt là sâm Lai Châu quý hiếm. Đến nay, Lai Châu đã có 222 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, phản ánh sự phát triển về chất lượng và thương hiệu. Du lịch và nông nghiệp là hai mũi nhọn kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử tại tỉnh. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn đối mặt với thách thức về hạ tầng số, nguồn nhân lực và thói quen kinh doanh truyền thống. Dù vậy, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp lớn như Viettel Post, VNPost, TikTok Việt Nam, tỉnh đang từng bước khắc phục các rào cản. Sự kiện lần này là cơ hội để quảng bá sản phẩm nông sản, OCOP và văn hóa Lai Châu qua các nền tảng số uy tín.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nang-tam-san-pham-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-qua-thuong-mai-dien-tu-i769406/
Zalo