Nâng tầm sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu
Xác định phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, gần đây, ngành công thương đã triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công, góp phần nâng tầm các sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc tiên tiến
Sau đại dịch COVID-19, hoạt động khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 2022 đến nay, chương trình khuyến công tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều đề án hỗ trợ trang thiết bị, máy móc công nghệ cho hàng chục cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT ở các huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà và TP. Huế... có giá trị gần 2 tỷ đồng. Với những đề án này, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ tuy không lớn nhưng đã tạo được “vốn mồi”, kích thích cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) ở nông thôn trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Năm 2022, cơ sở sản xuất mì lát khô Hồng Loan (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) được hỗ trợ vốn khuyến công đầu tư thêm máy trộn bột, máy cắt mì liên hoàn và máy sấy với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Nhờ ứng dụng thiết bị, máy móc trên vào sản xuất, cơ sở đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mở rộng thị trường.
Ông Ngô Hợp, chủ cơ sở sản xuất mì lát khô Hồng Loan cho biết, thời gian qua, nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ một phần, cơ sở đã đầu tư thiết bị để chuyển từ sản xuất theo lối thủ công sang bán tự động. Nhờ thế đã tăng năng suất, sản lượng mì thành phẩm gấp 4 lần so với trước đó. Hiện nay, với 8 lao động, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 4 tấn mì. Sản phẩm của cơ sở hiện đã có mặt ở 35 tỉnh, thành trong nước, tạo nguồn thu hàng năm ổn định.
Các HTX sản xuất, kinh doanh nấm, ổi hữu cơ xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới); Cơ sở sản xuất mộc Võ Ngọc Long (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang); Công ty TNHH Maries (TP. Huế); Công ty TNHH Mộc TruLy Hue’s (TP. Huế)..., thời gian qua nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cũng đã đầu tư mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị mới giúp các cơ sở, DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử, Công ty TNHH Maries (TP. Huế) nhận đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng lưu niệm và quà tặng từ cây cỏ bàng” từ chương trình khuyến công tỉnh vào năm 2023, đến nay đơn vị không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà hình thức mẫu mã sản phẩm đã cải tiến đẹp hơn, trở thành sản phẩm nông thôn tiêu biểu, được thị trường trong, ngoài địa phương ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) khẳng định, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp các cơ sở CNNT trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng.
Chủ động cạnh tranh thị trường
Các chuyên gia kinh tế cho hay, thời gian qua, phần lớn các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh sử dụng phương tiện máy móc, thiết bị cũ nên hao phí nhiều khi sản xuất; sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Khi có các chương trình, đề án khuyến công địa phương hỗ trợ, đã tạo “luồng gió mới” để các cơ sở, DN tiếp cận, có điều kiện đầu tư máy móc, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm CNNT.
Theo lãnh đạo Trung tâm, hiện nay, nhiều cơ sở đã có sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn; doanh thu bình quân của các cơ sở hàng năm tăng từ 10-15%, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, chương trình khuyến công tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án hỗ trợ việc đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương.
Với mục tiêu liên kết chặt chẽ giữa “ba nhà” sản xuất - phân phối - tiêu dùng, ngành công thương sẽ hỗ trợ cơ sở, DN địa phương có điều kiện giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm CNNT, sản phẩm OCOP thông qua các kênh hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị, các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh… góp phần nâng tầm và đưa sản phẩm tiêu biểu ở địa phương ngày càng vươn xa.
Anh Trương Hữu Phụng, chủ cơ sở sản xuất mì lát Phụng Nhung (Quảng Thành, Quảng Điền) nhận định, khi sản phẩm có cơ hội tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại… sẽ giúp cho các chủ DN gặp gỡ, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm, hướng đến sản xuất hiệu quả, an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời, đó cũng là hoạt động hữu ích giúp các cơ sở, DN tìm kiếm kênh phân phối ổn định, đưa những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.