Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Được đánh giá là tỉnh có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương đã định hướng, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; từ đó, xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để có các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất theo hướng quy mô lớn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm...

Phát triển cây ăn quả - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Thạch Thành.

Phát triển cây ăn quả - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Thạch Thành.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đã xác định có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từ đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã triển khai nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trong toàn tỉnh.

Lúa là một trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tại nhiều địa phương như Thiệu Hóa, Hà Trung, Nông Cống... sản xuất lúa ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng và lợi nhuận sản xuất; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn; người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch...; tỷ lệ sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng cao chiếm tới 90%, cơ cấu mùa vụ hợp lý; thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho người dân; tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến...

Ông Trịnh Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho biết: “Hiện nay, thị trường đòi hỏi sản phẩm gạo không chỉ ngon mà cần chất lượng hơn, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vụ xuân 2023-2024, huyện Thiệu Hóa đã phát triển được 136ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất 100%, khâu gieo cấy 25%, thu hoạch 75%. Tại mô hình này, các hộ dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học mà sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học thảo mộc... Hầu hết diện tích được doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá trị cao hơn thị trường từ 1,5 đến 1,8 lần”.

Thịt lợn cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với tổng đàn hiện đạt 1,3 triệu con, sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 185.000 tấn. Trung bình hàng tháng, số lợn thịt xuất chuồng trên địa bàn tỉnh khoảng 155.000 đến 160.000 con, trong đó có khoảng hơn 110.000 con được giết mổ và tiêu thụ trong tỉnh, hơn 40.000 con xuất bán ra các tỉnh, thành khác. Để nâng cao chất lượng đàn lợn, tỉnh khuyến khích người chăn nuôi quản lý tốt con giống; trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp chú trọng việc nhập con giống có năng suất, chất lượng cao như giống lợn thuần chủng Yorkshire, Durock, Landrace... từ Đan Mạch. Bên cạnh đó, người dân cũng đã chủ động thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh; tự động hóa quy trình sản xuất với các loại máy móc hiện đại; hệ thống chuồng kín; phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Cùng với đó, thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương, hiện toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng nuôi trồng cây, con chủ lực tập trung quy mô lớn, như: Vùng lúa thâm canh, vùng mía nguyên liệu, vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh, vùng nuôi ngao bến tre, các vùng rừng gỗ lớn, vùng luồng thâm canh...; các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao của tỉnh với bò sữa, lợn hướng nạc... cũng đang được người dân chú trọng nâng cao chất lượng.

Để từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực. Đồng thời, du nhập tuyển chọn được giống ngô, rau, cây ăn quả mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh; phục tráng các cây trồng tại địa phương như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn... xây dựng được 15 nguồn giống cây, tuyển chọn cây mẹ, làm giống 5.000 cây trội với 12 loài... để nâng cao chất lượng gỗ; di ương giống đã đáp ứng được 15% nhu cầu giống tôm sú... Trong chăn nuôi, đã ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò thịt. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... vào sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản; phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-tam-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-247469.htm
Zalo