Ứng dụng kỹ thuật cắt ghép cành 'trẻ hóa' cây ăn quả

Trước thực trạng nhiều diện tích cây ăn quả lâu năm bị thoái hóa, năng suất và chất lượng sụt giảm, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cắt ghép cành như một giải pháp 'trẻ hóa' hiệu quả. Nhờ phương pháp này, nhiều vườn cây già cỗi đã được phục hồi mạnh mẽ, cho trái sai và ngon như thời kỳ 'đỉnh cao', mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Giống ổi địa phương được thực hiện phương pháp cắt, ghép cành đạt năng suất, chất lượng cao tại thị trấn Hà Long (Hà Trung).

Giống ổi địa phương được thực hiện phương pháp cắt, ghép cành đạt năng suất, chất lượng cao tại thị trấn Hà Long (Hà Trung).

Những năm gần đây, tại các vùng trồng cây ăn quả tập trung như các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc, cây ăn quả chủ lực như nhãn, bưởi, cam, vải... bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa sau nhiều năm khai thác. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.500ha cây ăn quả lâu năm đang trong giai đoạn giảm năng suất, chiếm gần 20% tổng diện tích cây ăn quả. Những cây này thường cho sản lượng thấp, trái nhỏ, tỷ lệ đậu quả kém và dễ nhiễm sâu bệnh.

Trước thách thức đó, ngành chuyên môn đã triển khai rộng rãi kỹ thuật cắt ghép cành trên cây ăn quả, nhằm tái tạo bộ tán, đổi mới giống, kéo dài tuổi thọ vườn cây mà không phải trồng mới từ đầu. Kỹ thuật này chủ yếu bao gồm cắt tỉa toàn bộ hoặc một phần tán cây già cỗi, sau đó ghép các giống mới hoặc giống ưu việt lên cành gốc khỏe mạnh.

Điển hình như mô hình của gia đình ông Lê Văn Thành ở xã Xuân Thành (Thọ Xuân). Trước đây, vườn bưởi Diễn hơn 15 năm tuổi của gia đình ông bắt đầu cho trái thưa, quả nhỏ, chất lượng kém, giá bán thấp. Năm 2022, ông Thành được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng kỹ thuật cắt ghép, thay thế giống bưởi cũ bằng giống bưởi đỏ Tân Lạc cho năng suất và chất lượng cao. Chỉ sau hơn một năm, vườn bưởi phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ ghép thành công đạt trên 90%, cây phát triển tốt, cho trái to, mọng nước và ngọt thơm, giá bán đạt từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với trước.

“Nhờ kỹ thuật cắt ghép, tôi tiết kiệm được chi phí đầu tư trồng mới và rút ngắn thời gian chăm sóc. Nếu trồng mới, phải mất ít nhất 3 - 4 năm mới cho quả, còn ghép cành chỉ sau 1 - 2 năm đã cho thu hoạch. Năm nay, vườn bưởi cho sản lượng ước đạt 12 tấn, tăng gấp rưỡi so với trước khi “trẻ hóa”, ông Thành phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, tại xã Thành Công (Thạch Thành), nhiều hộ dân cũng đang thực hiện “trẻ hóa” vườn cam, bưởi bằng phương pháp ghép cải tạo. Ông Bùi Văn Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, từ năm 2023 đến nay, toàn xã đã thực hiện cải tạo hơn 15ha vườn cây ăn quả lâu năm. Tỷ lệ thành công cao, cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh như cây trồng mới, đồng thời giảm được 30 - 40% chi phí đầu tư ban đầu.

Thực tế cho thấy, kỹ thuật cắt ghép cành mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Trước hết, phương pháp này tận dụng được bộ rễ khỏe của cây mẹ, giúp cây sinh trưởng nhanh và ổn định. Việc ghép các giống mới còn giúp cây tăng khả năng kháng bệnh, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và thị hiếu thị trường, từ đó nâng cao giá trị kinh tế. Ngoài ra, cắt ghép còn góp phần đồng bộ hóa vườn cây, thuận lợi hơn trong công tác chăm sóc và thu hoạch. Để nâng cao hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời hỗ trợ giống cây, vật tư ghép và tư vấn quy trình chăm sóc sau ghép. Năm 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu cải tạo thêm khoảng 500ha vườn cây ăn quả lâu năm theo hướng này.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, việc chọn thời điểm ghép và giống ghép phù hợp đóng vai trò rất quan trọng. Thông thường, thời điểm ghép tốt nhất là vào đầu mùa xuân hoặc đầu mùa mưa, khi cây mẹ đang sinh trưởng mạnh. Giống ghép cần sạch bệnh, có khả năng phát triển tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Song song với kỹ thuật ghép, công tác chăm sóc sau ghép cũng quyết định tỷ lệ thành công. Người dân cần thường xuyên cắt tỉa cành vượt, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để cành ghép nhanh liền, cây phục hồi tốt. Ngoài ra, việc định hình lại tán cây để ánh sáng phân bố đều cũng giúp hạn chế gãy đổ khi cây vào thời kỳ đậu trái nặng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ứng dụng kỹ thuật cắt ghép còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái. Thay vì phải chặt bỏ hàng loạt cây già cỗi gây lãng phí tài nguyên đất, nước và chi phí tái canh, nông dân Thanh Hóa đã biết cách tận dụng gốc cây khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ vườn cây, tiết kiệm đáng kể nguồn lực sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng kỹ thuật cắt ghép vẫn chủ yếu tập trung ở một số địa phương, quy mô còn nhỏ lẻ. Một bộ phận nông dân còn tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn áp dụng do chưa nắm vững kỹ thuật hoặc thiếu nguồn giống chất lượng. Để khắc phục, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình điểm thành công, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây và vốn vay để tạo động lực cho người dân nhân rộng mô hình.

Trong bối cảnh thị trường trái cây ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và khả năng cạnh tranh, giải pháp “trẻ hóa” vườn cây bằng kỹ thuật cắt ghép được đánh giá là hướng đi chiến lược, bền vững cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa. Nếu được triển khai bài bản và đồng bộ, phương pháp này không chỉ giúp gia tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần khẳng định vị thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm khu vực Bắc Trung bộ.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ung-dung-ky-thuat-cat-ghep-canh-tre-hoa-cay-an-qua-247470.htm
Zalo