Nâng tầm nông sản

'Cần có cuộc cách mạng thay đổi thói quen sản xuất cũ, coi khoa học công nghệ là phương tiện, công cụ sản xuất mới, ứng dụng vào thực tiễn để nâng cao giá trị sản phẩm'. Đó là yêu cầu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phan Huy Ngọc đối với ngành nông nghiệp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - một trong 'bộ tứ trụ cột' đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trồng thanh long theo quy chuẩn chất lượng cao và hướng hàng hóa ở xã Yên Phú.

Trồng thanh long theo quy chuẩn chất lượng cao và hướng hàng hóa ở xã Yên Phú.

Khoa học kỹ thuật - yếu tố then chốt

Trong không gian phát triển mới của tỉnh sau sáp nhập, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thương hiệu như cam, chè, mật ong bạc hà, bò vàng… Trong đó sản phẩm cam, chè là những hàng hóa chủ lực của ngành nông nghiệp, đem lại giá trị trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Đổi mới tư duy canh tác, áp dụng quy trình, kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố then chốt khẳng định giá trị và thương hiệu cam, chè xứ Tuyên.

Sau nhiều năm trăn trở làm thế nào để xây dựng thương hiệu chè và đưa sản phẩm chè của địa phương vươn ra thị trường, năm 2017, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Ngân Sơn Trung Long, xã Tân Trào đã đi đầu thí điểm đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè; đồng thời áp dụng nhiều kỹ thuật trong khâu thu hái, bảo quản chè búp tươi và chế biến sản phẩm… Vì thế, năng suất chè tăng từ 5 - 6 tấn/ha/năm lên 8 - 9 tấn/ha/năm. Sản phẩm của hợp tác xã đã được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

“Từ việc thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang chủ động áp dụng quy trình sản xuất, chế biến theo quy trình VietGAP và hữu cơ đã giúp năng suất sản lượng chè tăng 35 - 40%/năm, tiết kiệm 30% lượng nước, 30% chi phí chăm sóc, giá trị sản phẩm tăng gấp 4 - 5 lần trước đây”, anh Thắng chia sẻ.

Mùa này, 15 hecta cam của gia đình anh Phạm Quang Huyên, thôn Khuổi Mù đang trĩu quả báo hiệu một vụ cam bội thu. Nhưng ít ai biết rằng trước đây, năng suất, sản lượng cam của gia đình anh cũng rất bấp bênh. Anh Huyên nhớ lại: “Gia đình tôi đã có thời gian dài trồng cam chỉ phụ thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng tự nhiên nên năng suất, giá bán thấp. Nhưng hiện nay khi áp dụng kỹ thuật hiện đại, quy trình trồng, chăm sóc và thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, giá trị đã tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 lần”.

Anh chia sẻ: “Mỗi năm gia đình tôi đầu tư trên 200 triệu đồng để thuê nhân công chăm sóc, thu hái cam theo đúng kỹ thuật của chuyên gia hướng dẫn; hệ thống tưới nước cho cây cũng được đầu tư lắp đặt với chi phí trên 100 triệu đồng, vì thế cây cam được chăm sóc kỹ, không bao giờ bị thiếu nước và dinh dưỡng”.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cam của gia đình anh Phạm Quang Huyên cho năng suất cao.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cam của gia đình anh Phạm Quang Huyên cho năng suất cao.

Cũng từ những cách làm khác biệt, thực hiện quy trình kỹ thuật bài bản, áp dụng phương pháp canh tác khoa học, vườn cam của gia đình anh Phạm Quang Huyên luôn đạt sản lượng tối đa từ 10 - 13 tấn/ha; mẫu mã, chất lượng quả đẹp; toàn bộ sản phẩm đều được công nhận VietGAP và có chỉ dẫn địa lý nên đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn cung ứng cho các khách hàng khó tính nhất, được thương lái ưu tiên đặt mua và được nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Hà Nội đặt hàng, đem lại thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

“Cánh cửa” chuyển mình

Ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống, sản xuất luôn được tỉnh quan tâm để “đi tắt, đón đầu” các kỹ thuật mới, hiện đại giúp phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; khai thác tối đa giá trị các sản phẩm nông sản địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong vùng và cả nước.

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh đã dành trên 672 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong các lĩnh vực. Trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng quan tâm triển khai các đề tài ứng dụng, chuyển giao khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bước đầu tiên phong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản.

Dây chuyền chế biến chè công nghệ cao của Công ty cổ phần Chè Sông Lô.

Dây chuyền chế biến chè công nghệ cao của Công ty cổ phần Chè Sông Lô.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn, hiện chỉ có 20% diện tích cam, chè của tỉnh áp dụng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ; khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của tỉnh được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC. Các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất vẫn dừng ở quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp, chưa hình thành vùng sản xuất, chế biến quy mô lớn. Chưa có những doanh nghiệp đầu tàu chế biến sâu các sản phẩm từ quả cam; sản lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu các sản phẩm chè thấp.

Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã xác định, Trung ương sẽ bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đây sẽ là “cánh cửa” cho ngành nông nghiệp của tỉnh bước vào giai đoạn chuyển mình đột phá với những chính sách mới hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến, hướng tới mục tiêu khẳng định thương hiệu và giá trị nông sản đặc trưng xứ Tuyên.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/202507/nang-tam-nong-san-ee47321/
Zalo