Thị trường carbon: Việt Nam đang ở đâu?
Thị trường carbon là cơ hội lớn hướng đến giảm phát thải và đem lại lợi ích đa bên nhưng quãng đường đến với thị trường carbon vẫn còn nhiều gian truân.
Nằm lọt giữa thung thũng phía đông dãy Trường Sơn, hàng ngày, các hộ dân xã Cao Quảng, tỉnh Quảng Bình (nay thuộc xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn chia nhau ba ca, cả ngày lẫn đêm để đi tuần rừng.
Kể từ ngày triển khai việc phân định ranh giới rừng, bà con ý thức được trách nhiệm, chủ động phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phục hồi rừng gắn liền với hệ sinh thái bền vững.
Trong khi đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng vạn nông hộ đang triển khai thí điểm các mô hình trồng lúa phát thải thấp hướng tới thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh phát thải thấp, chất lượng cao đến năm 2030.

Các nông hộ thực hành canh tác lúa giảm phát thải ở miền Tây mong ngóng được kiểm kê khí thải và bán tín chỉ carbon. Ảnh: Hoàng Anh
Những thực hành không quá phức tạp như xử lý rơm rạ sau thu hoạch để tái sử dụng hoặc làm phân bón, luân canh lúa – tôm, lúa – hoa màu hay bón lót phân lân trước khi gieo hạt giúp ruộng lúa đạt chất lượng cao, ít sâu bệnh, lại hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường.
Cộng đồng chủ rừng Cao Quảng, những nông hộ canh tác lúa bền vững tại miền Tây cùng nhiều cá nhân, tổ chức đang triển khai những giải pháp giảm phát thải đều đang trông chờ thị trường carbon được khởi động để nhận về những giá trị tương xứng với công sức, nỗ lực.
Theo kế hoạch của Chính phủ, thị trường carbon sẽ được vận hành thí điểm từ năm nay, tiến đến vận hành chính thức vào năm 2029.
Thế nào là thị trường carbon?
Nghị định thư Kyoto năm 1997 đưa ra cơ chế cho phép trao đổi, thương mại hóa chứng nhận giảm phát thải (CERs) – được coi là hình hài đầu tiên của tín chỉ carbon.
Đến năm 2022, tại Hội nghị COP27, các cuộc đàm phán đã tiếp tục định hình cơ chế mới để vận hành thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam cũng lựa chọn tín chỉ carbon là phương án chính để “định giá” phát thải khí nhà kính, tạo công cụ tài chính cũng như động lực cho các giải pháp giảm nhẹ cường độ phát thải.
Theo Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), có sáu loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, bao gồm CO2, CH4 (methane), N2O, HFC, PFC và SF6. Sáu loại khí này có mức độ gây hại khác nhau, ví dụ như CH4 có hại cho tầng ozon gấp 25 lần so với CO2.

Các loại khí nhà kính và quy đổi theo khí thải carbon tương đương. Dữ liệu: Klinova
Điều đó có nghĩa là giảm một tấn khí thải CH4 tương đương với giảm 25 tấn khí thải CO2. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải một tấn khí CO2, tức là cần 25 tín chỉ carbon để đổi lấy quyền phát thải một tấn khí thải CH4, tương tự với các loại khí thải khác.
Có hai cách cơ bản để một tổ chức tạo ra “quyền giảm phát thải” này, ứng với hai loại thị trường.
Đầu tiên, để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải trong cam kết đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) theo UNFCCC, Chính phủ sẽ cấp cho mỗi doanh nghiệp một hạn ngạch phát thải, quy về đơn vị tấn carbon. Doanh nghiệp chỉ được phép xả thải ở mức nằm trong hạn ngạch cho phép, nếu vượt quá sẽ phải đóng thuế hoặc chịu phạt.
Doanh nghiệp phát thải thấp hơn mức hạn ngạch thì phần còn lại được coi là tín chỉ carbon. Ngược lại, doanh nghiệp nào phát thải vượt quá hạn ngạch, nếu không muốn chịu phạt sẽ phải mua tín chỉ carbon để bù đắp.
Thứ hai là thị trường carbon tự nguyện, nơi các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế mua bán tín chỉ carbon như một cách thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Tại thị trường này, tín chỉ carbon được tạo ra chủ yếu từ hoạt động hấp thụ. Chẳng hạn như trồng và phục hồi rừng đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật có thể tạo ra những bể chứa carbon khổng lồ, hay một số dự án như thu hồi khí thải ở bãi rác, giảm khí thải dân sinh nhờ các giải pháp cộng đồng.

TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và môi trường tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh.
Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và môi trường, cho biết, định giá carbon và phát triển thị trường carbon là một trong năm giải pháp chính được Thủ tướng Chính phủ đưa ra để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Ưu điểm của giải pháp này là dẫn dòng tài chính tới các dự án giảm phát thải hiệu quả, với quy mô tài chính tương ứng với hiệu quả giảm phát thải. Tức, cứ giảm mỗi tấn khí thải carbon tương đương, cá nhân hoặc tổ chức sẽ nhận được phần tài chính tương ứng với một tín chỉ carbon.
Ngược lại, doanh nghiệp, tổ chức phát thải carbon vượt quá định lượng cho phép cũng phải chịu phần chi phí tài chính tương đương. Động lực giảm phát thải qua đó được hình thành dựa trên “tiền tươi thóc thật”.
Ông Quang cho biết, hiện nay đã có 80 quốc gia trên thế giới sử dụng cơ chế định giá carbon, chủ yếu dưới hình thức đánh thuế carbon và thị trường carbon.
Đáng chú ý, các cơ chế này có xu hướng trở nên “toàn cầu hóa”, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của EU đặt ra yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cũng phải chịu phần thuế carbon chênh lệch, đặt ra một luật chơi giảm phát thải chung trên bình diện quốc tế.
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cho biết, các giải pháp định giá carbon kiểm soát khoảng 28% lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm và tạo ra thị trường quy mô 152 tỷ USD. Những con số này khẳng định hiệu quả của công cụ tài chính carbon trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Vạn dặm đường đến với thị trường carbon
Ngay từ khi tín chỉ carbon xuất hiện ở hình hài sơ khai là CER, một loạt dự án đã được triển khai tại Việt Nam theo chứng nhận cơ chế phát triển sạch (CDM) và bán CER cho đối tác quốc tế.
Năm 1997, dự án thu hồi khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông được triển khai. Thay vì đốt ngay tại mỏ (tạo ra những ngọn lửa rực cháy ngày đêm – hình dung xưa cũ về các mỏ khai thác dầu), khí đồng hành được thu hồi để sản xuất khí hóa lỏng, dung môi pha xăng hoặc phân đạm.

Mỏ Rạng Đông tiên phong thu hồi khí đồng hành để tạo tín chỉ carbon.
Đến năm 2010, CERs của mỏ Rạng Đông được bán đấu giá thành công với đơn giá 13,5 Euro cho nhà đầu tư Thụy Sĩ, đem về 5 triệu Euro cho chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia Việt Nam - PVN) và Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP).
Theo thống kê của UNFCCC, đến hết năm 2022, Việt Nam có tổng số gần 260 dự án theo cơ chế CDM, trong đó 15 dự án được đăng ký thành công, bán ra hơn 30 triệu CERs, tập trung ở các lĩnh vực năng lượng, thu hồi khí đồng hành, khí bãi chôn lấp rác thải và khí sinh học.
Bên cạnh đó, một số dự án đăng ký theo các cơ chế tự nguyện như Gold Standard, Verra cũng được triển khai, điển hình là dự án bếp sạch và vòi lọc nước cho đồng bào cùng cao của Công ty Intraco và một số đối tác, đã bán thành công tín chỉ carbon cho Citi Group của Mỹ.

Hơn 10 triệu tấn khí thải carbon được hấp thụ bởi rừng khu vực Bắc Trung Bộ được chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Hoàng Anh
Cuối năm 2023, thông qua Thỏa thuận chi trả lượng giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), hơn 10 triệu tấn khí thải carbon giảm thải được từ rừng khu vực Bắc Trung Bộ được chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB).
Mặc dù nhiều chuyên gia đánh giá đây chưa thể coi là dự án tín chỉ carbon nhưng “tiền tươi thóc thật” đã được chia đều cho bà con trồng rừng, bảo vệ rừng ở sáu tỉnh (cũ) vùng Bắc Trung Bộ, cho thấy lợi ích kinh tế thực sự từ việc giữ rừng để hấp thụ carbon.
Một dự án tương tự đang được triển khai tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để chi trả tiền giảm phát thải cho người dân giữ rừng.
Ngoài ra, nhiều hệ sinh thái giảm phát thải tự nhiên như rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay các rặng san hô ven biển cũng đang được người dân địa phương tích cực bảo tồn, chờ ngày được công nhận chính thức bằng tín chỉ carbon.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và môi trường, Việt Nam có thể bán được 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, thu về khoảng 300 triệu USD. Tất nhiên, nếu giá bán tín chỉ carbon cao hơn, con số quy mô thị trường này có thể cao gấp nhiều lần so với ước tính.
Pháp lý hóa thị trường carbon
Đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 232/QĐ-TTg về việc Phê duyệt đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 – 2028, tiến đến chính thức vận hành vào năm 2029.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE), cho biết, Quyết định 232 đã định hướng chiến lược tổng thể, mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ then chốt để vận hành thị trường carbon.
Cùng với đó, Nghị định số 119/2025/NĐ-CP của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị địnhquy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cũng đã cụ thể hóa và quy định rõ ràng về yêu cầu kỹ thuật và tổ chức liên quan kiểm kê, giám sát, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, có khoảng gần 2.200 doanh nghiệp nằm trong diện bắt buộc kiểm kê phát thải khí nhà kính. Giai đoạn đầu, từ 2025 - 2026, gần 200 cơ sở thuộc lĩnh vực xi măng, sắt thép và nhiệt điện sẽ phải kiểm kê và bị áp hạn ngạch khí thải, bước nền tảng để chuẩn bị cho thị trường carbon bắt buộc.
Việt Nam đang tích cực hoàn thiện nền tảng pháp lý và kỹ thuật
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường
“Việt Nam đang tích cực hoàn thiện nền tảng pháp lý và kỹ thuật”, ông Thọ nhận xét tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới.
Tuy vậy, khung khổ pháp lý này vẫn chưa hoàn thiện và còn thiếu nhiều yếu tố để thiết lập một thị trường carbon đúng nghĩa, nơi việc phát thải – giảm phát thải được ghi nhận và chi trả theo cơ chế thị trường công bằng, minh bạch.
Thiếu sót về cơ chế gây ra những tắc nghẽn không đáng có cho một thị trường được xem là tiên tiến, gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề vì một mục tiêu gấp rút: phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đơn cử, một doanh nghiệp sản xuất mía đường tại tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon cho đối tác nhưng ngay trong khâu cấp phép triển khai dự án, cơ quan chức năng cũng lúng túng vì chưa có khung pháp lý cụ thể.
Những thiếu sót về cơ chế, theo ông Thọ, có thể kể đến như việc chưa có quy trình đồng nhất về đo đạc, báo cáo, thẩm định khí thải nhà kính. Trong khi đó, giữa các ngành, lĩnh vực có hình thức phát thải khác nhau, không có sự chuẩn hóa sẽ dẫn đến rủi ro sai lệch và không thể so sánh kết quả.
Sự lệch pha còn diễn ra ở cơ quan quản lý khi chưa có cơ chế thống nhất giữa các bộ, ngành. Sự phân mảnh trong quản lý tiềm ẩn nguy cơ tạo ra xung đột giữa các cơ quan, bên cạnh việc thiếu trách nhiệm giải trình.
Trong khi đó, người mua và người bán trên thị trường carbon, là các đơn vị xả thải và các dự án giảm phát thải, lưu trữ carbon có thể thuộc sự điều chỉnh của nhiều bộ, ngành.
Một điểm yếu khác được ông Thọ chỉ ra là thiếu cơ chế tài chính để triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đơn cử như tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Trong khi đó, tín chỉ carbon đang được bán với giá thấp, không đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Nhu cầu cấp thiết
Cùng các tổ chức, cá nhân liên quan đang quản lý hơn 300ha rừng tự nhiên “có hệ sinh thái tốt nhất hiện nay” ở Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), cũng chung niềm mong ngóng với cộng đồng chủ rừng, nông hộ canh tác phát thải thấp về việc thị trường carbon được triển khai.
“Bán trong nước thì chưa có thị trường. Bán ra nước ngoài thì đã có đối tác, thậm chí đã đặt cọc nhưng chưa được phép bán ra nước ngoài. Phải đợi đến năm 2029, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, mới có thể bán tín chỉ carbon ra nước ngoài”, ông Nghĩa nói tại tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Nghĩa, Viện CODE và các tổ chức liên quan đã tự bỏ kinh phí đo đạc, xác minh số liệu, lượng tín chỉ carbon. Ông Nghĩa mong muốn được bán tín chỉ để “nuôi quân”, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người dân trực tiếp phụng dưỡng rừng.
“Chúng tôi muốn bán tín chỉ carbon để nuôi những người nghèo”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Hành trình bán tín chỉ carbon có lẽ còn gian nan hơn nữa đối với các nông hộ canh tác lúa phát thải thấp.

Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua mong sớm được bán tín chỉ carbon để người dân được hưởng lợi từ thành quả giảm phát thải. Ảnh: Hoàng Anh
Điển hình, mô hình lúa – tôm tại bán đảo Cà Mau của Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự, dù đã thực hiện đúng các tiêu chí giảm phát thải canh tác lúa của Bộ Nông nghiệp và môi trường, nhưng vẫn chưa đo đếm được con số giảm phát thải thực sự là bao nhiêu.
Ông Cua mong mỏi mô hình của mình được kiểm đếm và bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp để người dân được hưởng lợi từ thành quả giảm phát thải, làm nông nghiệp “thuận thiên”, nông nghiệp tuần hoàn.
Tuy nhiên, trước khi đến bước đưa ra thị trường, ông Cua và các cộng sự cần phải xác định rõ mình có bao nhiêu “hàng” để bán. Đây là nút thắt cho nhiều dự án giảm phát thải khi chưa có khung đo đếm cụ thể và cũng không phải đơn vị nào cũng đầy đủ nguồn lực về công nghệ, tài chính và trình độ để tự đo đếm như mô hình của ông Nghĩa.
Ông Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và môi trường, thừa nhận, việc tính toán tín chỉ carbon không phải là điều đơn giản và “không thể tự nghĩ ra cách tính mà trên thế giới không ai công nhận”.
Ông Lượng cho biết, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đang được xây dựng theo hướng bám sát hướng dẫn quốc tế nhưng có sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp và kiểm lâm kỳ vọng giai đoạn từ nay đến 2029 có thể kịp chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thể chế, chính sách và mong muốn có sự đầu tư, hoàn thiện đồng bộ để hoàn thiện các yếu tố về công nghệ, năng lực triển khai và các điều kiện hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon.