Nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình

Những năm gần đây, với sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và hữu cơ theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,… ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình ngày càng được nâng tầm.

Phát triển nông nghiệp xanh, nông sản sạch từ lâu đã trở thành mục tiêu chính trong quy trình sản xuất của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Hiện không ít trang trại, hợp tác xã, hộ sản xuất quay lại với phương thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi truyền thống như ủ phân xanh, canh tác luân canh, tận dụng phế phẩm từ chăn nuôi để tạo nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh... Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã và đang nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã và đang nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Đà Bắc là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Những năm qua, huyện đã không ngừng thực hiện các chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP.

Giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện Đà Bắc có 11 sản phẩm được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm gồm: rượu ngô Cao Sơn, miến dong Đà Bắc; hạt Sachi Omega 3.6.9 rang sấy; du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong; rượu thóc Trúc Sơn; chè Shan Tuyết Trung Thành; thịt lợn bản địa; gà đồi và cá trắm đen, cá ngạnh, cá lăng.

Năm 2024, huyện Đà Bắc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của địa phương, như cá sấy mắc khén, cá kho tộ, du lịch cộng đồng bản Đá Bia.

Đối với những vùng trồng bưởi lớn của tỉnh Hòa Bình như huyện Yên Thủy, sau khi được cấp mã số vùng trồng năm 2021, việc canh tác bưởi theo quy trình VietGAP, hữu cơ càng được người dân chú trọng để hướng tới xuất khẩu, như được giám sát quá trình canh tác, nhật ký đồng ruộng cũng như việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Huyện đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thủy”, hỗ trợ xây dựng và chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Toàn huyện Yên Thủy đến nay đã có trên 600ha trồng bưởi Diễn, trong đó có nhiều diện tích bưởi hữu cơ, VietGAP. Từ năm 2022, lô bưởi Diễn đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu. Bưởi Diễn Yên Thủy đã vượt qua các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu tựa như những viên gạch xanh xây mô hình nông nghiệp bền vững, phát triển gắn với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xanh, sạch, tạo cơ hội nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nhà nông.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, hiện toàn tỉnh có 121 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và trên 100 chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm tiềm năng, có sức cạnh tranh lớn, điển hình như mật ong rừng Hợp Tiến, măng đóng lon, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Hòa Bình, bưởi da xanh Tân Lạc... Theo thống kê của ngành, hiện diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh là hơn 2,350 ha, đây là lý do nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.

Với sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã và đang nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp tiếp tục được xác định là một trong 4 ngành quan trọng trong phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, để đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp, tỉnh đã có phương án phát triển 5 vùng sản xuất tập trung là: sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với tổ hợp chế biến; vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi tập trung; vùng sản xuất lâm nghiệp; vùng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt sẽ tập trung vào các loại giống năng suất, chất lượng cao; lĩnh vực chăn nuôi sẽ cải tạo đàn gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi để có thể nâng diện tích trồng lúa 1 vụ lên 2 vụ nhằm đảm bảo an ninh lương thực;...

Nhằm hướng tới nông thôn mới thông minh, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực áp dụng chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

Tâm Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-tam-nganh-nong-nghiep-tinh-hoa-binh.html
Zalo