Nâng tầm giá trị chiếu truyền thống
Vượt qua 24 dự án ở các tỉnh, thành phố, chị Lê Thị Phương Thảo (Cơ sở Tân Phú Hưng, thị trấn An Phú, huyện An Phú) vừa đoạt giải 3 ở bảng B, với dự án 'Nâng tầm giá trị của chiếc chiếu truyền thống thành những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại' tại Cuộc thi ý tưởng/dự án khởi nghiệp xanh - phát triển bền vững.
Chị Thảo chia sẻ: "Sinh ra trong gia đình có nghề dệt chiếu lâu đời, tôi may mắn được thừa hưởng kỹ thuật và niềm đam mê di sản này. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng chiếu giảm mạnh, do người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay thế (nệm, chiếu nhựa, chiếu trúc...). Sự thay đổi này dẫn đến doanh thu sụt giảm đáng kể, giảm nguồn công nhân dệt. Gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế. Lợi nhuận từ chiếc chiếu truyền thống rất thấp, nhưng để làm ra chiếc chiếu thì vất vả trăm bề".
Mong muốn kế thừa, phát triển nghề truyền thống, chị Thảo tìm cách cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, tạo sự tiện lợi qua việc gấp gọn chiếu; đóng gói đẹp mắt, đa dạng hóa kích thước, hoa văn. Những nỗ lực này biến sản phẩm chiếu thành vật dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại, mà vẫn giữ được nét truyền thống. Không dừng lại ở đó, chị nhìn thấy cơ hội lớn hơn khi chuyển hóa nguyên liệu địa phương thành nguồn tài nguyên quý báu cho ngành thủ công mỹ nghệ.
Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, trong khi sản phẩm chiếu của cơ sở được làm từ 90% uzu, cói - loại nguyên liệu thiên nhiên, dễ phân hủy và không gây ô nhiễm môi trường. Chị sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm thiết yếu, như: Dép, nón, thùng, sọt, chậu,… được thị trường ngày càng ưa chuộng. Hơn 1.500 sản phẩm/tháng được khách hàng trong và ngoài nước tìm mua.
Dựa vào nguồn nguyên liệu thiên nhiên, cơ sở mở rộng sang nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thời trang. Các dòng sản phẩm thủ công đơn giản (móc khóa, lót nồi, bìa sơ mi, menu, túi xách tay và nón) song hành dòng túi thời trang, phụ kiện cao cấp (túi du lịch, túi công sở, balo) từ cói và lác, với thiết kế phong phú, đa dạng màu sắc, kích thước.
Đặc biệt, sản phẩm xuất khẩu (thùng, sọt, chậu, dép chiếu và khay chiếu) cũng được cơ sở chú trọng phát triển. Để tăng cường tính thẩm mỹ, giá trị sản phẩm, cơ sở đầu tư vào sản phẩm nghệ thuật (tranh, quà lưu niệm) ứng dụng kỹ thuật thêu vi tính, khắc laser.
“Hiện tại, chúng tôi có hơn 100 loại sản phẩm khác nhau từ chiếu; nhiều hàng thủ công khác từ cỏ bàng và lá buông. Điều này làm cho mặt hàng trở nên đa dạng hơn, tạo được sự chú ý của khách hàng hơn. Sản phẩm được sản xuất tại địa phương, chi phí thuê nhân công tương đối thấp, nguyên liệu thiên nhiên có sẵn tại vùng miền. Chúng tôi định giá linh hoạt phù hợp từng phân khúc khách hàng” - chị Thảo cho biết.
Cơ sở góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nữ địa phương, thu nhập bình quân 4 - 6 triệu/tháng. Các chị em được đào tạo nâng cao tay nghề, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Ngoài ra, họ có thể nhận nguyên liệu về nhà làm, sau đó giao sản phẩm hoàn thiện cho cơ sở.
Với slogan “Sáng tạo từ chiếu, khơi nguồn cảm hứng”, chị Thảo nghĩ rằng trong tương lai, sản phẩm xanh sẽ dần chiếm trọn lòng tin của khách hàng. Chị sẽ tiếp tục nghiên cứu, kết hợp thêm nhiều hoa văn, màu sắc phong phú hơn, khai thác yếu tố văn hóa địa phương, mang nét đẹp của dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer để tạo sự khác biệt.
“Chúng tôi sẽ phát triển những sản phẩm gia dụng thay thế sản phẩm làm từ vật liệu bất lợi cho môi trường. Mục tiêu là phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn vươn ra quốc tế” - chị Thảo khẳng định.