Nâng tầm điểm đến di sản
Có một nghịch lý vẫn khiến nhiều người trăn trở: Dù Việt Nam sở hữu kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú bậc nhất khu vực, du lịch vẫn chưa cất cánh như kỳ vọng.
Để du lịch cất cánh từ kho báu văn hóa Việt (Bài 1): Công nghiệp văn hóa - đòn bẩy chiến lược để du lịch bứt phá
Vấn đề không nằm ở sự thiếu thốn tài nguyên, mà ở cách chúng ta khai thác giá trị văn hóa chưa thực sự sáng tạo, đủ hấp dẫn và mang lại giá trị gia tăng. Trong bối cảnh đó, công nghiệp văn hóa với sức mạnh chuyển hóa di sản thành trải nghiệm sống động chính là lời giải, mở ra cánh cửa để du lịch Việt Nam bứt phá. Ninh Bình là một minh chứng đang từng bước hiện thực hóa điều đó.

Công nghiệp văn hóa là động lực mới để thúc đẩy du lịch cất cánh. Ảnh: MINH ĐƯỜNG
Chưa được đánh thức đúng cách
Ninh Bình - vùng đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan kỳ vĩ, nơi non nước giao hòa, hang động nên thơ, cùng hệ thống di sản văn hóa sâu dày. Từ quần thể danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á, đến Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử và những làng nghề truyền thống đậm bản sắc, Ninh Bình như một viên ngọc quý giữa lòng đất Bắc.
Nhưng kho báu ấy, như nhận định của nhiều chuyên gia, vẫn còn “ngủ yên” trong lớp trầm tích di sản, chờ một “làn gió mới” mang tên công nghiệp văn hóa “đánh thức”.
Với bề dày lịch sử và nền tảng văn hóa phong phú, Ninh Bình đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn nhìn nhận: “Du lịch không chỉ là khai thác tài nguyên mà phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình cần khơi dậy kho di sản bằng tư duy sáng tạo, ứng dụng công nghệ, phát triển công nghiệp văn hóa và hình thành sản phẩm đặc trưng, có khả năng lan tỏa”.
Tầm nhìn này cũng được cụ thể hóa bằng mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp 8% GRDP của tỉnh. Xa hơn, năm 2035, Ninh Bình hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mang thương hiệu “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, một trung tâm sáng tạo gắn với công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.
Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa khát vọng ấy không ít chông gai. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chỉ ra những điểm nghẽn: “Thiếu sản phẩm sáng tạo có giá trị gia tăng cao, thiếu cơ chế đầu tư cho chuyển hóa di sản, chưa phân định rõ ràng giữa công nghiệp văn hóa mang tính thương mại và dịch vụ văn hóa công ích”.
Tràng An mới dừng ở cảnh quan thiên nhiên, chưa có chiều sâu văn hóa. Cố đô Hoa Lư thiếu bảo tàng sống động, thiếu các hình thức kể chuyện lịch sử hấp dẫn. Lễ hội, làng nghề, nghệ thuật dân gian vẫn hiện diện nhưng còn rời rạc, thiếu kết nối chuỗi trải nghiệm.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng: “Chúng ta chưa kể được câu chuyện khác biệt của chính mình”. Ông lấy ví dụ về show thực cảnh Ấn tượng Lệ Giang (Trung Quốc) do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng, một mô hình có sự tham gia chính của cộng đồng lên tới hàng trăm người, mang lại giá trị kinh tế - văn hóa lớn cho địa phương.
“Vậy tại sao Ninh Bình, với những kỳ quan hiếm có, không thể xây dựng một show diễn giữa trời đất Tràng An? Không chỉ cần giới thiệu cảnh đẹp, mà phải truyền tải được tinh thần, bản sắc độc nhất vô nhị của vùng đất này”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Cùng quan điểm trên, NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho rằng, hoàn toàn có thể xây dựng các chương trình biểu diễn đặc sắc tại Ninh Bình. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần những cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa toàn diện, nơi nghệ sĩ, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia sáng tạo.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho rằng, Ninh Bình cần xác định rõ những mũi nhọn ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trên nền tảng các giá trị di sản đã được định danh. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, từng được nhiều nhà làm phim trong và ngoài nước lựa chọn, Ninh Bình hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển trở thành trường quay quốc gia và quốc tế. Không chỉ dừng ở những cảnh quay ngẫu hứng, vùng đất này hoàn toàn có thể được quy hoạch bài bản để đón các dự án điện ảnh, truyền hình dài hơi, tạo ra chuỗi giá trị bền vững.
Bên cạnh đó, chính địa hình và không gian văn hóa đặc sắc cũng là chất liệu lý tưởng để phát triển các chương trình nghệ thuật thực cảnh quy mô, không theo kiểu lễ hội ngắn ngày, mà hướng tới các show diễn định kỳ, thậm chí tổ chức hằng ngày như một phần “di sản sống” giữa trời đất Ninh Bình.
Những mạch nguồn mới từ công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa không phải điều gì quá xa vời, nó đã gõ cửa Ninh Bình từ lâu. Tràng An từng xuất hiện trong bom tấn Hollywood Kong: Skull Island nhưng cơ hội “vàng” ấy chưa được tận dụng để hình thành tour theo dấu phim, khu trải nghiệm điện ảnh.
Cố đô Hoa Lư có thể trở thành điểm đến 24h với sân khấu thực cảnh, trình chiếu hologram kể chuyện vua Đinh - Lê, các hành trình du lịch đêm hấp dẫn. Nghề gốm Gia Thủy, tranh dân gian Kim Sơn, thêu Yên Mạc nếu được “thiết kế lại” dưới góc nhìn sáng tạo sẽ vừa giữ nghề, vừa tạo ra các sản phẩm quà tặng độc bản.
Văn hóa truyền thống cũng cần “làm mới mình” qua nhạc kịch, múa đương đại, chiếu phim ngoài trời kết hợp cùng không gian tự nhiên. Những “festival văn hóa sáng tạo” như lễ hội Forestival sắp diễn ra cuối tháng 5 này với không gian giữa rừng và trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ chính là những bước chuyển động đầu tiên đáng ghi nhận.
Tín hiệu tích cực còn đến từ giới trẻ đó là những startup văn hóa, nghệ sĩ độc lập về Ninh Bình lập nghiệp với tư duy hiện đại, không sao chép mà khai thác tinh thần quê hương bằng ngôn ngữ sáng tạo. Dự án Trái tim di sản là hành trình nghệ thuật hóa điểm đến cho thấy nhu cầu cảm xúc, trải nghiệm văn hóa trong du khách là rất lớn.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng: “Ninh Bình cần xây dựng hệ sinh thái văn hóa - du lịch, với trung tâm sáng tạo, chính sách ưu đãi, hạ tầng vui chơi giải trí chất lượng cao để kéo dài thời gian lưu trú. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, truyền thông đa nền tảng, kể chuyện Ninh Bình bằng bảo tàng ảo, video, app tương tác…”.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã đi những bước đầu tiên trong lộ trình này bằng việc ban hành hai Nghị quyết quan trọng: Phát triển du lịch (giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045) và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch (giai đoạn 2023-2030, định hướng 2045). Đây là đòn bẩy thể chế tạo điều kiện cho sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai ngành kinh tế mũi nhọn: Du lịch và công nghiệp văn hóa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Ninh Bình cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp với hệ sinh thái điểm đến du lịch, định hướng cho phát triển bền vững. Việc ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa vừa để giải phóng sức sáng tạo, vừa là cách khơi thông nguồn lực trong phát huy thế mạnh tài nguyên phong phú: Từ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên đến di sản đô thị.
Khi các giá trị này được chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ mang hàm lượng sáng tạo và giá trị kinh tế cao, sẽ tạo động lực mới cho cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp và người dân địa phương cùng phát triển.
Một đề xuất mang tầm nhìn chiến lược, là đưa Cố đô Hoa Lư gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông.
Đây không chỉ là một danh hiệu, mà là bước đi nhằm định vị thương hiệu “đô thị di sản sáng tạo”, kết nối chặt chẽ toàn tỉnh sau khi sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định như một điểm đến hàng đầu châu Á - nơi hội tụ sức sáng tạo độc đáo trong hành trình khám phá văn hóa, lịch sử, con người và thiên nhiên Ninh Bình.
Từ vùng đất của cố đô đến trung tâm sáng tạo mới, đó là hành trình mà Ninh Bình đang kiến tạo. Di sản không còn nằm yên trong quá khứ mà sống động giữa đời sống đương đại, được kể lại bằng những ngôn ngữ hiện đại, chạm tới cảm xúc du khách.
Khi công nghiệp văn hóa trở thành trục xoay trong chiến lược phát triển, Ninh Bình không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là hình mẫu cho cả nước về cách nâng tầm di sản thành giá trị kinh tế bền vững, một sức mạnh mềm đủ sức vươn xa trong dòng chảy toàn cầu. Đó chính là hành trình đưa di sản từ vẻ đẹp tiềm ẩn thành sức hút trường tồn.