Nắng nóng kéo dài, cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nắng, nóng, ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh đường ruột phát triển, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Gần đây, tại TP.HCM xảy ra 1 vụ ngộ độc botulinum sau ăn pate đóng hộp, 2 vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường và ăn bánh mì đường phố.

Liên tiếp ca ngộ độc thực phẩm

Vụ thứ nhất là một nam thanh niên (25 tuổi) nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng rất nặng với các triệu chứng sụp mi, mắt không cử động được, đồng tử giãn, liệt tứ chi hoàn toàn, phải thở máy.

Khai thác bệnh sử, trước khi phát bệnh một ngày, bệnh nhân có ăn pate đóng hộp. Sau khi mở nắp pate, bệnh nhân để ở ngoài nhiệt độ phòng và tiếp tục sử dụng trong ngày hôm sau.

 Nam thanh niên ngộ độc botulinum sau ăn pate đóng hộp bảo quản không đúng cách. Ảnh minh họa

Nam thanh niên ngộ độc botulinum sau ăn pate đóng hộp bảo quản không đúng cách. Ảnh minh họa

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc botulinum - một độc tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Hiện bệnh nhân đã dần hồi phục, có thể mở mắt, cử động trở lại, tay chân có lực hơn, tuy vẫn cần hỗ trợ thở máy.

Vụ tiếp theo xảy ra tại 2 cơ sở của Trường TH-THCS Tuệ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM), nghi ngộ độc thực phẩm. Khoảng 33 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường do cùng một công ty tại quận Tân Phú cung cấp.

Vụ việc trên xảy ra cùng một ngày, cùng nhóm thức ăn. Nhà trường nghi món ăn khiến học sinh ngộ độc được phục vụ trong bữa trưa/xế ngày 25-3 và bữa sáng 26-3.

Mới đây nhất, vào ngày 30-3, Bệnh viện Quận 11 tiếp nhận 37 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó đa số là học sinh Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh).

Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết các học sinh đi chơi ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) và đã mua bánh mì ở một tiệm trên địa bàn quận 6. Cơ quan chức năng nghi ngờ thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm là bánh mì, đã lấy mẫu kiểm nghiệm làm rõ nguyên nhân.

Nhiều nguy cơ ngộ độc mùa nóng

TS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ thời tiết nắng, nóng, ẩm có nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Cụ thể, nhiệt độ nắng, nóng, ẩm thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong thức ăn, đặc biệt là khi thức ăn đã chế biến, nấu chín để lâu ngoài trời, không được bảo quản đúng cách.

Nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển và sinh độc tố, đáng ngại nhất là độc tố Aflatoxin có trong ngũ cốc, thực phẩm chế biến từ ngũ cốc, hạt có dầu.

Ngoài ra, các hóa chất độc hại từ môi trường như khói xe, khói thuốc, các chất ô nhiễm khác cũng có thể đi vào thức ăn để gây độc cho người dùng khi đồ ăn không được bảo quản đúng cách.

 Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ảnh minh họa

Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ảnh minh họa

Việc bày thức ăn đã chế biến, nấu chín ở môi trường ngoài, trong tủ kính, trên xe đẩy... để bán đều không đảm bảo an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc rất cao.

Ngoài ra, thao tác dùng tay trần bốc thức ăn phục vụ khách, hoặc dùng bao tay vừa bốc thức ăn vừa nhận tiền của khách, hay vừa chế biến, phục vụ món ăn vừa hút thuốc, cười, nói, ho, hắt hơi… nhưng không mang khẩu trang hay mang không đúng quy cách… cũng có thể gây ô nhiễm thực phẩm.

TP.HCM quản lý chặt an toàn thực phẩm

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng 15.400 điểm thức ăn đường phố, các địa phương đang chia ra quản lý. Ngoài ra, còn có các đội kiểm tra đột xuất của Đội an toàn thực phẩm TP quản lý cùng hoạt động.

Bà Lan cho hay, thức ăn đường phố, gánh hàng rong do địa phương quản lý trực tiếp. Đây là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nên nhiều nơi không cần đăng ký kinh doanh, không cung cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều lo lắng nhất của cơ quan quản lý với nhóm này là nguồn nguyên liệu.

 Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị. Ảnh: BVCC

Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị. Ảnh: BVCC

Bà Lan nhận định đặc điểm một số nguồn bán thức ăn đường phố là di chuyển liên tục, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Thực tế, những vụ ngộ độc bếp ăn trong trường học, khu công nghiệp đã giảm hẳn vì những nơi này được giám sát, kiểm tra rất nhiều.

"Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thức ăn đường phố thường không lưu mẫu thức ăn, khó khăn khi xác định được nguyên nhân ngộ độc.

Về lâu dài, chiến lược của TP là đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cho loại hình kinh doanh này. Tuy vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người bán - người mua vẫn là quan trọng nhất" - bà Lan nói.

Bà Lan cho biết thêm, để quản lý tốt an toàn thực phẩm của suất ăn tập thể, cần có thêm quy định về giá sàn, nếu không các đơn vị sẽ hạ giá để cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cạnh đó, các trường học cần có tiêu chuẩn cao khi lựa chọn đối tác cung cấp suất ăn, giúp suất ăn của học sinh được đảm bảo cả chất và lượng.

“Muốn không xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần phòng ngừa từ đầu. Sở đã có những đợt kiểm tra, giám sát và chỉ ra những sai phạm, xử lý kịp thời; thực phẩm đi vào những bếp ăn tập thể phải đạt tiêu chuẩn, quy trình chế biến bảo đảm sạch sẽ” - bà Lan nhấn mạnh.

Khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần che đậy thức ăn kỹ và chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài.

Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, giữ nóng phải từ 70 độ C, bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 5 độ C.

Việc rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh. Không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông, việc làm này sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Thường xuyên kiểm tra hạn dùng của thực phẩm khi bảo quản và kiểm tra kỹ tình trạng của thực phẩm trước khi sử dụng. Tránh sử dụng thực phẩm đã hết hạn hoặc có dấu hiệu hỏng.

Sử dụng nước sạch để sơ chế hoặc chế biến thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm phải được lựa chọn tươi, ngon, đảm bảo về nguồn gốc.

Giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm.

TS.BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nang-nong-keo-dai-canh-bao-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-post841792.html
Zalo