Nâng năng lực phòng vệ với thuế quan

Các biến động của chính sách thương mại toàn cầu đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với doanh nghiệp (DN). Việc Mỹ áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, làm tăng thêm gánh nặng thuế, nhưng cũng tạo áp lực để DN phải đa dạng hóa thị trường.

Cú sốc về thuế

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, mức thuế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3. Các quốc gia xuất khẩu (XK) nhôm, thép lớn vào Mỹ trong đó có Việt Nam chắc chắn bị tác động.

Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% hàng nhôm, thép nhập khẩu sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Ảnh: M.H.

Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% hàng nhôm, thép nhập khẩu sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Ảnh: M.H.

Thống kê của Hải quan Mỹ cho thấy, năm 2024, Việt Nam XK khoảng 1,462 tỷ USD thép và nhôm sang Mỹ, trong đó 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023), 479 triệu USD sản phẩm nhôm (tăng 9,5% so với năm 2023).

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định: Việc Mỹ áp dụng bổ sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước XK nhôm và thép vào Mỹ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ đánh giá chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước XK nhôm thép vào Mỹ. Thực tế một số DN sản xuất thép quy mô lớn của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát hiện đã giảm XK sang Mỹ và mở rộng XK ra hơn 10 thị trường khác, kể từ khi nước này áp dụng hàng loạt biện pháp phòng vệ thương mại.

Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% hàng nhôm, thép nhập khẩu cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, mặt hàng thép và nhôm từ các nước khó XK vào Hoa Kỳ sẽ tìm đường XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng XK sẽ khiến các công ty thép quay đầu trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ đối với mặt hàng thép, nhôm như thời điểm năm 2018. Điều này sẽ khiến quốc gia XK thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, nếu Hoa Kỳ áp dụng bổ sung thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục XK vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các DN XK sẽ có thể giảm xuống, và các DN sẽ tìm cách chuyển thị trường.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép (VSA) chia sẻ, ảnh hưởng trực tiếp tới DN thép "sẽ không đáng kể" bởi cú sốc về thuế đã xảy ra từ 2018.

Ảnh hưởng gián tiếp từ việc này có thể tác động tới ngành nhôm thép của các nước từng không phải chịu thuế cao. Họ sẽ mở rộng, cạnh tranh sang các thị trường khác của Việt Nam khi không còn được ưu đãi.

"Không bán được ở Mỹ, họ có thể chuyển sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc có thể cả Việt Nam. Việc này làm tăng thêm áp lực cạnh tranh tại các thị trường lớn của DN trong nước" - ông Đa nhìn nhận.

Còn với nhôm, Hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) dự đoán nhóm DN chịu tác động trực tiếp từ chính sách này là các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - cũng là nhóm XK chính. Các DN tư nhân trong nước sẽ chịu tác động ít hơn.

"Nhưng hệ lụy sau đó là công suất dư thừa ở các nhà máy sẽ gây áp lực trở lại thị trường trong nước vốn đang thừa sau thời gian dài suy thoái, ảnh hưởng lên toàn bộ các nhà sản xuất nhôm Việt Nam" - đại diện VAA nói.

VAA khuyến cáo DN ngành này tăng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất. Trước mắt, các nhà XK nhôm cần đàm phán với đối tác nhập khẩu Mỹ hoặc trung gian để chia sẻ rủi ro với đơn hàng đã ký. Đồng thời, họ nên thảo luận phương án cho các đơn hàng tiếp theo để duy trì giao thương với bạn hàng truyền thống.

Đa dạng hóa thị trường

Việc đa dạng hóa thị trường, mở rộng bạn hàng XK cũng là những khuyến cáo mà giới chuyên gia cũng như cơ quan quản lý đưa ra cho DN. Nếu như trước đây, cộng đồng DN hướng tâm điểm XK đến các thị trường chính như Mỹ, EU… thì với các biện pháp thuế quan được đưa nhiều trong thời gian gần đây buộc DN thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng DN phải "chấp nhận cuộc chơi, nâng năng lực phản ứng với các biện pháp thuế quan". Cụ thể, DN ngành thép phải có chiến lược chủ động về nguyên liệu, cải thiện công nghệ để giảm giá thành, đa dạng thị trường.

TS Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, các biến động của chính sách thương mại toàn cầu đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với DN. Tuy nhiên, trong nguy cơ, DN cần phải tìm kiếm những giải pháp để ứng phó hiệu quả. Theo ông Nam, thời gian tới, DN XK cần tăng cường khai thác lợi thế từ các FTA để đa dạng hóa thị trường XK.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-nang-luc-phong-ve-voi-thue-quan-10300069.html
Zalo