Năng lượng mặt trời thu hút các khoản đầu tư xanh
Theo báo cáo Kinh tế xanh Đông Nam Á lần thứ 6 được công bố vào ngày 6/5, các dự án năng lượng mặt trời là điểm thu hút lớn nhất đối với các khoản đầu tư xanh tại khu vực Đông Nam Á.

Năng lượng mặt trời chiếm hơn 30% các khoản đầu tư xanh tại Đông Nam Á trong năm ngoái. Ảnh minh họa: The Straits Times
Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác giữa Công ty tư vấn quản lý Bain & Company, Tập đoàn Temasek, Google GenZero và Ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered.
Trong đó, hơn 30% các khoản đầu tư xanh được ghi nhận vào năm 2024 tại khu vực Đông Nam Á là năng lượng mặt trời, bao gồm các cơ sở lưu trữ năng lượng mặt trời và pin, cũng như các nhà máy sản xuất pin mặt trời và tấm pin. Ngoài ra, hơn 62% các khoản đầu tư xanh tại Đông Nam Á được thực hiện tại Singapore và Malaysia.
Tổng đầu tư vào năng lượng mặt trời tại Singapore đạt 384 triệu USD vào năm 2024, tăng so với mức 66 triệu USD vào năm 2023. Nhìn chung, các khoản đầu tư xanh tại Singapore đã thu hút 2,7 tỷ USD vào năm 2024, tăng hơn gấp 3 lần so với mức 900 triệu USD hồi năm 2023.
Tổng cộng 69% các khoản đầu tư xanh tại các quốc gia Đông Nam Á được thực hiện trong năm ngoái là của các nhà đầu tư nước ngoài, cả trong và ngoài khu vực. Singapore là nhà đầu tư tích cực nhất trong khu vực, tham gia vào 39% các giao dịch.
Tuy nhiên, trong khi các khoản đầu tư xanh có thể đang tăng lên, dự báo hiện tại cho thấy các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương không đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu vào năm 2030, khi khoảng cách giữa lượng khí thải thực tế và các mục tiêu dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2040 và 2050. Báo cáo nói trên cũng lưu ý, Đông Nam Á vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương vì lượng khí thải của khu vực này vẫn chưa đạt đỉnh.
Bà Franziska Zimmermann, Giám đốc điều hành về phát triển bền vững tại Temasek cho hay, chỉ còn 5 năm nữa là đến năm 2030, “cơ hội hành động” để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đang nhanh chóng khép lại.
“Chúng ta cần tăng cường động lực và tập trung vào các giải pháp thực tế có tác động ngắn hạn… Các bên liên quan trong khu vực này có cơ hội thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi, ở cấp độ hệ thống, và có thể cân bằng giữa an ninh năng lượng, tính bền vững và tăng trưởng kinh tế”, bà Franziska Zimmermann nhận định.
Qua đó, báo cáo nêu bật 3 “giải pháp ở cấp độ hệ thống” để thúc đẩy quá trình phi carbon hóa ở Đông Nam Á, bao gồm: phát triển nền kinh tế sinh học bền vững với các hoạt động nông nghiệp và quản lý chất thải tốt hơn; nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện để hỗ trợ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời; và phát triển hệ sinh thái xe điện.
Nếu được triển khai đầy đủ, các giải pháp này có thể bổ sung lên đến 120 tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra 900.000 việc làm và cắt giảm khoảng cách phát thải của khu vực tới 50% vào năm 2030.
Những nỗ lực như vậy có thể được hỗ trợ bằng cách định giá carbon nhiều hơn, cũng như tài trợ xanh và chuyển đổi có mục tiêu, đồng thời sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hiệu quả quản lý chất thải và canh tác.
Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là với nhu cầu năng lượng tăng lên từ các giải pháp AI, các trung tâm dữ liệu sẽ cần chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, vốn vẫn còn tốn kém.
Một giải pháp được đề xuất là sử dụng các thỏa thuận mua điện ảo (VPPA), một thỏa thuận tài chính trong đó các công ty điều hành trung tâm dữ liệu giúp tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, bằng cách trả tiền cho các chứng chỉ năng lượng tái tạo, ngay cả khi họ không sử dụng điện trực tiếp hoặc không nằm trong cùng một lưới điện. Điều này sẽ giúp các công ty đạt được mục tiêu xanh ở những quốc gia mà năng lượng tái tạo bị hạn chế hoặc quá tốn kém để tiếp cận trực tiếp. VPPA đang ngày càng được ưa chuộng như một công cụ chính cho các tập đoàn, với các quốc gia như Singapore và Malaysia cho phép sử dụng chúng.
Ông Dale Hardcastle, đối tác và đồng Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo bền vững toàn cầu của Bain & Company cho biết, môi trường vĩ mô hiện tại có thể làm chậm tiến độ của nền kinh tế xanh, nhưng Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vẫn có thể nhìn thấy động lực khi các chính phủ, công ty và nhà đầu tư thay đổi ưu tiên.
“Bằng cách tập trung vào các giải pháp cấp hệ thống có khả năng mở rộng và tác động cao, Đông Nam Á có thể viết lại sổ tay hướng dẫn về nền kinh tế xanh và biến những thách thức hiện nay thành cơ hội. Hiện tại, cần thúc đẩy 2 kết quả chính song song là giảm phát thải đáng kể và tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo khu vực này không chỉ đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn xây dựng khả năng phục hồi và thịnh vượng lâu dài”, ông Dale Hardcastle nói thêm.