Năng lực 2 'đại gia' đào hầm, làm đường cho dự án đường sắt cao tốc

Bên cạnh Thaco và Hòa Phát, Bộ Giao thông Vận tải đã có cam kết với Tập đoàn Đèo Cả, Xuân Trường về việc tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

 Tập đoàn Đèo Cả và Xuân Trường là hai doanh nghiệp được "đặt hàng" tham gia đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: AI.

Tập đoàn Đèo Cả và Xuân Trường là hai doanh nghiệp được "đặt hàng" tham gia đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: AI.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với 26 doanh nghiệp diễn ra ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi cộng đồng doanh nhân tích cực tham gia vào những dự án lớn của đất nước.

Đối với “siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD, bên cạnh phần việc như sản xuất ray thép hay toa tàu đã giao cho Tập đoàn Hòa Phát và Thaco, công tác xây dựng hạ tầng giao thông gồm đào hầm, làm đường phục vụ dự án cũng được "đặt hàng" với Tập đoàn Đèo Cả và Xuân Trường.

Với tổng chiều dài 1.541 km gồm 60% kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất và 10% kết cấu hầm, tuyến đường sắt cao tốc dự kiến mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam. Ở lĩnh vực này, Đèo Cả và Xuân Trường đều là những tên tuổi lớn, nổi tiếng với danh mục đầu tư dự án lên đến chàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đèo Cả - “vua đào hầm” Việt Nam

Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam với quy mô hơn 8.000 lao động. Năng lực của nhà thầu này được khẳng định thông qua nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai từ Bắc vào Nam.

Gần 1 thập kỷ qua, Đèo Cả được biết đến với danh hiệu “vua đào hầm” nhờ kinh nghiệm xây dựng 31 km hầm đường bộ. Ngoài ra, tập đoàn còn hoàn thành 472 km cao tốc, quốc lộ và quản lý vận hành 18 trạm thu phí trên cả nước. Tổng mức đầu tư của các dự án vượt 100.000 tỷ đồng.

Một số dự án tiêu biểu của Đèo Cả có thể kể đến hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1 (Phú Yên và Khánh Hòa) với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (Tiền Giang) trị giá 12.668 tỷ đồng; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trị giá 12.188 tỷ đồng.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm kế thừa và phát triển từ Tập đoàn Hải Thạch, Đèo Cả còn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thi công, xây lắp các loại công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà cao tầng, công trình công nghiệp.

Tập đoàn cũng đang đảm trách việc quản lý, vận hành, bảo trì các công trình giao thông đường bộ, trong đó có các hầm đường bộ trên quốc lộ 1A qua miền Trung như Hải Vân, Đèo Cả, Cổ Mã, Phú Gia, Phước Tượng…

 Hai mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Đèo Cả là thi công xây lắp và thu phí giao thông đường bộ. Ảnh: HHV.

Hai mảng kinh doanh chính của Tập đoàn Đèo Cả là thi công xây lắp và thu phí giao thông đường bộ. Ảnh: HHV.

Về kết quả kinh doanh, việc đảm nhiệm và vận hành nhiều công trình lớn giúp doanh nghiệp của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng “hái ra tiền”.

Năm 2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng Đèo Cả (HoSE: HHV) ghi nhận doanh thu 3.308 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2023 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, 2 mảng kinh doanh chính là thi công xây lắp và thu phí giao thông đường bộ đóng góp lần lượt 58% và 34% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng lập kỷ lục 473 tỷ đồng, tăng gần 30%. Tổng tài sản của HHV tại thời điểm 31/12/2024 đạt gần 39.000 tỷ đồng.

Ở quy mô toàn tập đoàn, doanh thu năm 2024 của Đèo Cả tăng 28% lên 11.245 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 15% đạt 460 tỷ đồng.

Năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 15.018 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả thực hiện năm 2024 còn lợi nhuận sau thuế tăng 45% lên 668 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Đèo Cả, cho biết tập đoàn đã hợp tác với các trường đại học trong nước, khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực tại chỗ.

Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các quốc gia phát triển như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia.

Về công nghệ, doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản và Trung Quốc. Mục tiêu hợp tác là chuyển giao công nghệ quản lý vận hành và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam.

Xuân Trường - chủ loạt dự án du lịch tâm linh nghìn tỷ

Khác Đèo Cả, Tập đoàn Xuân Trường lại nổi tiếng với những dự án du lịch tâm linh quy mô lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp của “đại gia” Nguyễn Xuân Trường đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng và tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh, những dự án phát triển du lịch ở Ninh Bình, Hà Nam…

Nổi tiếng nhất phải kể đến Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng. Khu du lịch này hiện nắm giữ nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam, giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.

Với diện tích 539 ha, đây cũng là dự án du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam. Từ năm 2014, chùa Bái Đính đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép.

Bên cạnh đó, Xuân Trường còn là chủ đầu tư Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) với tổng diện tích trên 5.100 ha, gồm 144 ha khu chùa Tam Chúc.

Hơn 20 năm trước, khu vực này chỉ là vùng hồ ruộng ngập nước, bao quanh là sình lầy. Năm 2006, tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng cho Công ty Xây dựng Xuân Trường.

 Khu du lịch chùa Tam Chúc - Ba Sao có vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh.

Khu du lịch chùa Tam Chúc - Ba Sao có vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh.

Vị “đại gia” Ninh Bình cũng gây chú ý khi mạnh tay chi hơn 14 tỷ đồng để đấu giá một khối đá thiên thạch mặt trăng tại Mỹ và mang về Việt Nam để tạc tượng đặt tại chùa.

Tại Hải Phòng, tập đoàn xây dựng này cũng đầu tư 9.800 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp giai đoạn 2015-2025. Dự án này có quy mô 450 ha, bao gồm khu tâm linh rộng 89 ha, khu dịch vụ đón tiếp rộng 108 ha với khách sạn 5 sao, casino, sân golf.

Tại Hải Dương, Xuân Trường cũng đề xuất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án sẽ cải tạo một khu vực rộng 15 km2, xây dựng 3 tòa tháp Tam Tôn nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.

Khu du lịch hồ Núi Cốc có diện tích 18.940 ha với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng cũng là một trong những dự án tham vọng của Xuân Trường. Được khởi công từ tháng 2/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035, dự án trải dài trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc TP Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ.

Trái ngược với những công trình tâm linh đồ sộ, ông Nguyễn Xuân Trường lại là một doanh nhân rất kín tiếng. Ngoài Công ty Xây dựng Xuân Trường, doanh nhân sinh năm 1963 còn là chủ của nhiều công ty khác như CTCP Du lịch Hoa Lư, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân Golf Tràng An...

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nang-luc-2-dai-gia-dao-ham-lam-duong-cho-du-an-duong-sat-cao-toc-post1530872.html
Zalo