Chứng khoán châu Á lao dốc không phanh
Thị trường chứng khoán tại châu Á tiếp tục lao dốc vào sáng nay (7/4) khi không thấy dấu hiệu Tổng thống Trump sẽ rút lại các kế hoạch áp thuế đối ứng.
Thị trường tương lai đã nhanh chóng định giá gần năm lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm ở Mỹ trong năm nay, kéo lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh và làm suy yếu đồng đô la trên các tài sản an toàn. Các nhà đầu tư đặt cược nguy cơ suy thoái gia tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 5.
Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 3,5% trong phiên giao dịch đầy biến động, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq giảm 4,4%, góp thêm vào mức lỗ gần 6.000 tỷ USD của thị trường trong tuần trước.
Thị trường Châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ, với hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 giảm 3,6%, hợp đồng tương lai FTSE mất 2,3% và hợp đồng tương lai DAX giảm 4,0%.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm mạnh 6,6%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023, trong khi Hàn Quốc giảm 5%. Chỉ số MSCI rộng nhất về cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản sụt đến 7,5%, khiến nhà đầu tư choáng váng.

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng được nhìn thấy tại quận Trung tâm, Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 7/4. (Ảnh: Reuters)
Cổ phiếu blue-chip Trung Quốc giảm 6,3% khi thị trường chờ đợi xem liệu Bắc Kinh có tung thêm các gói kích thích hay không. Chỉ số chính của Đài Loan, sau hai ngày nghỉ giao dịch (thứ Năm và thứ Sáu), đã lao dốc gần 10%, buộc các nhà hoạch định chính sách phải can thiệp để hạn chế bán khống.
Toàn bộ khu vực châu Á mới nổi cũng rơi vào tình trạng tiêu cực, với chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ giảm 4%.
Tình trạng hỗn loạn này xảy ra khi ôngTrump nói với các phóng viên rằng các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận thực tế và ông sẽ không thỏa thuận với Trung Quốc cho đến khi thâm hụt thương mại của Mỹ được giải quyết. Còn Bắc Kinh tuyên bố các thị trường đã phản ứng với kế hoạch trả đũa của họ.

Thị trường chứng kiến phiên sắc đỏ trong ngày đầu tuần. (Ảnh: Reuters)
Ông Sean Callow, nhà phân tích FX cao cấp tại ITC Markets ở Sydney, cho biết: "Ngòi nổ thực sự duy nhất chính là chiếc iPhone của Tổng thống Trump và ông ấy không cho thấy dấu hiệu đợt bán tháo trên thị trường... đủ để xem xét lại lập trường chính sách mà ông đã tin tưởng".
Các nhà đầu tư nghĩ rằng việc mất hàng nghìn tỷ USD tài sản và cú sốc có thể xảy ra đối với nền kinh tế sẽ khiến ông Trump xem xét lại các kế hoạch của mình.
"Quy mô và tác động gây rối của các chính sách thương mại của Mỹ, nếu được duy trì, sẽ đủ để đẩy một nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vẫn đang khỏe mạnh vào suy thoái", ông Bruce Kasman, trưởng bộ phận kinh tế tại JPMorgan, cho biết, và dự báo nguy cơ suy thoái ở mức 65%.
"Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng lần đầu tiên vào tháng 6", ông nói thêm.
"Tuy nhiên, hiện chúng tôi cho rằng Ủy ban sẽ cắt giảm lãi suất tại mọi cuộc họp cho đến tháng 1, đưa mức mục tiêu lãi suất quỹ lên mức cao nhất là 3,0%".