Nâng gấp đôi mức dự trữ xăng dầu
Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án về nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3, tương đương tăng gấp đôi khả năng dự trữ, từ mức 7 ngày hiện tại lên khoảng 15 ngày.
Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về giải pháp dự trữ xăng dầu.
Tư lệnh ngành Công Thương cho biết, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án về nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3, tương đương tăng gấp đôi khả năng dự trữ, từ mức 7 ngày hiện tại lên khoảng 15 ngày.
Đề án này cũng bao gồm việc dự trữ dầu thô, nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước, với công suất dự trữ bảo đảm từ 15 - 20 ngày nhập ròng.
Về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ cũng đã phê chuẩn Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã được triển khai đến các địa phương. Theo đó sẽ có những cơ chế, chính sách vừa đầu tư từ phía Nhà nước nhưng cũng vừa phải đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, để đầu tư từ phía Nhà nước rất cần phải đưa ra các quy chuẩn về kỹ thuật. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ đưa ra những quy chuẩn và dựa vào quy chuẩn đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất mức cụ thể, chủng loại hàng cụ thể để dự trữ.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ ban hành những cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần phải sửa đổi biểu giá cho thuê và thuê hạ tầng. Bởi, biểu thuê quá thấp, chỉ đạt khoảng 15 - 20% so với mức mặt bằng giá của thị trường hiện nay thì không đủ khuyến khích cho bất kể một đối tượng nào, kể cả doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ này, càng làm càng lỗ.
Liên quan đến việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, điều hành trong 2 năm qua rất ổn do chúng ta đã điều chỉnh cơ chế giá, điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, do đó biên độ dao động giữa giá trong nước với giá thế giới không lớn.
Đồng thời, đã có cơ chế điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng, thậm chí khi có những biến động lớn thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm các doanh nghiệp không lỗ.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PVOIL và Tổng công ty xăng dầu Quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.