Cửa hàng bán vàng do cha ông để lại 'lo', Phó thủ tướng nói chỉ phạt vàng lậu

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, nhiều doanh nghiệp gia đình bán vàng là tài sản do cha ông để lại không thể chứng minh được nguồn gốc. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu; nếu không chứng minh được vàng lậu thì không xử lý các cửa hàng vàng.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, trước kỳ họp thứ 7, cử tri Tây Ninh kiến nghị để tháo gỡ khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đề nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho, bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc. Thống đốc trả lời rằng khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai vốn theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.

 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo đại biểu Hậu, hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân được nâng cấp từ các cửa hàng lên. Thủ tục đăng ký hết sức đơn giản, chỉ điền thông tin vào một biểu mẫu và họ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình. Thường do tế nhị, trước đây không ai ghi hết tài sản của mình và cũng không được yêu cầu. Do đó, nhiều loại vàng, nhất là như tài sản do cha ông để lại thì không thể chứng minh được nguồn gốc. Cũng bởi thành lập từ những cửa hàng kinh doanh kiểu gia đình nên họ làm theo thói quen vốn có và có sai sót trong sổ sách, chứng từ. Khó khăn phải chứng minh nguồn gốc là có thực và rộng khắp cả nước.

“Với tinh thần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thống đốc có thể tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này không?”, đại biểu đặt vấn đề.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tại Nghị định 24 đã quy định rất rõ trách nhiệm các bộ, ngành đối với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động vàng, liên quan tất cả những vấn đề kế toán, chứng từ cũng thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Giải trình thêm về nội dung này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với việc quản lý hóa đơn vàng, thực hiện Nghị định 123 ngày 9/10/2020 của Chính phủ và Thông tư 78 ngày 02/5/2003, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế và đã có 5 văn bản để hướng dẫn kê khai và nộp thuế, nên việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp bán vàng, các cửa hàng bán vàng không có vấn đề khó khăn và vướng mắc.

Về chất vấn của đại biểu, liên quan đến vấn đề xử lý, có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và tạm đình chỉ vì không chứng minh được nguồn nguyên liệu. Phó thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu; nếu không chứng minh được vàng lậu thì không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Cũng theo Phó thủ tướng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Nghị định 24, trong đó quan tâm đến xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng. Ưu đãi thuế để hàng trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất; khi bán ra tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu.

Đối với vấn đề quản lý vàng, Phó thủ tướng cho biết, có tình trạng vàng miếng tăng 18 triệu/lượng (25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Phó thủ tướng cho hay, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và công ty; tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy thị trường vốn phát triển…

T. Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cua-hang-ban-vang-do-cha-ong-de-lai-lo-pho-thu-tuong-noi-chi-phat-vang-lau-d53656.html
Zalo