Năng động phát triển kinh tế

Nuôi lươn không bùn không yêu cầu diện tích lớn, kỹ thuật lại đơn giản, thị trường tiêu thụ rộng mở. Nắm bắt được điều này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chọn mô hình nuôi lươn không bùn để phát triển kinh tế.

Anh Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang, xã Hải Giang (Hải Hậu) kiểm tra mức độ sinh trưởng và phát triển của đàn lươn.

Anh Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang, xã Hải Giang (Hải Hậu) kiểm tra mức độ sinh trưởng và phát triển của đàn lươn.

Được thành lập từ năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản và Môi trường Gia Hưng, xã Hải Chính (Hải Hậu) luôn đặt ra mục tiêu tìm ra những đối tượng nuôi thủy sản mới, có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế. Thành công với mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, hiện nay, một số thành viên của HTX đã bắt đầu nuôi lươn không bùn lứa đầu tiên. Anh Phạm Văn Cường, Giám đốc HTX Thủy sản và Môi trường Gia Hưng đã nhập hơn 3 vạn lươn giống từ cơ sở uy tín về nuôi thả trong 18 bể xi măng. Với bản tính cần cù, nhạy bén, anh Cường đã chịu khó đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn ở nhiều tỉnh, thành phố cũng như các mô hình hiệu quả trên địa bàn huyện. Nắm được kỹ thuật cũng như đã có kinh nghiệm về nuôi trồng nhiều loại thủy sản, những ngày đầu tiên nuôi lươn anh không gặp phải khó khăn trở ngại gì, đàn lươn phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Theo anh, thời điểm thả con giống vào tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, là thời điểm khí hậu ôn hòa, lươn dễ sinh trưởng. Khi bước vào mùa đông, lươn sẽ phát triển cầm chừng, nên người nuôi phải che các bể nuôi để đảm bảo nhiệt độ và giữ ấm cho lươn. Vì vậy, nếu thả con giống vào mùa đông, sản lượng lươn thương phẩm sẽ không có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, lươn tại mô hình của anh được nuôi đủ 12 tháng (một số cơ sở chỉ nuôi 10 tháng), giúp lươn chắc thịt, đảm bảo cân nặng. Hiện tại, lươn phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Theo dự tính khoảng tháng 11, 12 dương lịch sẽ thu được khoảng trên 10 tấn lươn với mức giá từ 110-120 nghìn/kg, với tổng thu khoảng trên 100 triệu đồng và đã có thương lái đặt mua. Anh Cường dự tính, nếu lứa lươn này ổn, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm bể nuôi lươn và sẽ đi hướng dẫn, hỗ trợ những thành viên của HTX có nhu cầu đa dạng hóa con nuôi, phát triển kinh tế. Hiện nay, ngoài anh Cường, anh Nguyễn Văn Quyển, thành viên của HTX Gia Hưng cũng đang thử nghiệm nuôi lươn trong 4 bể.

Xã Hải Giang (Hải Hậu) hiện có 10 hộ dân nuôi lươn với khoảng 200 bể nuôi, trên tổng diện tích hơn 4.000m2, trong đó nổi bật là mô hình của anh Vũ Văn Như, xóm Mỹ Đức. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Vũ Văn Như thường dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, biết được mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. Anh Như cho biết: “Lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi. Không những thế, lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi, kỹ thuật nuôi lại không quá phức tạp, yêu cầu về diện tích không lớn… nên tôi quyết định đầu tư nuôi lươn”. Để đảm bảo nguồn nước, trong quá trình nuôi lươn, anh Như đầu tư hệ thống dẫn, thoát nước theo quy trình kỹ thuật. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nên sau khi cho ăn cần phải thay nước sạch, trên mặt nước anh rải nhiều sợi ni lông cho lươn cư trú. Ngoài cho lươn ăn bằng cám công nghiệp, anh còn cho lươn ăn thêm giun quế, cá xay… vừa giúp giảm lượng cám, vừa giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn. Ngoài ra, anh cũng chú trọng phòng và chữa các bệnh hay gặp trên lươn như: xuất huyết đường ruột, nấm… Ngoài việc chọn lươn giống khỏe mạnh, thức ăn đủ dinh dưỡng, anh còn thường xuyên bổ sung vitamin C, khoáng chất, dùng thuốc diệt khuẩn thủy sản xử lý môi trường nuôi và sử dụng men tiêu hóa trong các bữa ăn để phòng các bệnh mà con lươn hay gặp là bệnh nấm da, bệnh đường ruột. Trong quá trình nuôi, những con lươn với kích cỡ khác nhau được anh Như phân chia ra các bể khác nhau để dễ chăm sóc. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Như không bị hao hụt, tỷ lệ sống đạt tới 97%. Sau 12 tháng, anh tiến hành xuất bán lươn thương phẩm. Khi nuôi đủ tháng, lươn đạt độ già, chất lượng thịt thơm ngon, độ dai và có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Các thương lái khi vào cơ sở của anh Như mua sản phẩm thường kiểm nghiệm xem trong lươn có tồn dư chất tăng trọng, hoóc-môn sinh trưởng, kháng sinh, nếu đạt chuẩn, các thương lái mới tiến hành thu mua và cung cấp ra thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện nay, cơ sở của anh Như đang có hơn 60 bể nuôi lươn, trung bình mỗi bể anh thu được 7 tạ lươn thương phẩm với mức giá ổn định khoảng 120 nghìn đồng/kg.

Không chỉ anh Như, hiện nay trên địa bàn xã Hải Giang còn nhiều hộ nuôi lươn không bùn tiêu biểu khác như hộ các anh: Vũ Văn Phụng, xóm Mỹ Đức; Phạm Thế Thành, xóm Ninh Giang… Đồng chí Vũ Đình Từ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Giang cho biết: “Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, cũng như sự năng động của nông dân trong xã, mô hình nuôi lươn không bùn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân. So với phương pháp nuôi trong ao bùn, lươn nuôi trong bể xi măng phát triển chậm hơn song người nuôi có thể nuôi với mật độ 400-500 con/m2, cao gấp nhiều lần so với nuôi lươn trong ao, sản phẩm cũng sạch hơn; hiệu quả kinh tế cao gấp 6-10 lần so với nuôi cá truyền thống. Hy vọng, thời gian tới, nông dân Hải Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng để mô hình ngày càng được nhân rộng, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển”.

Thành công từ những mô hình nuôi lươn không bùn của những nông dân trên địa bàn tỉnh được xem là mô hình sản xuất phù hợp với những hộ dân có ít đất sản xuất, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả cần được nhân rộng để giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/nang-dong-phat-trien-kinh-te-806326a/
Zalo