Nâng chuẩn Trường Chính trị: Phải nâng chuẩn trình độ của đội ngũ giảng viên trước
Chiều 11.9, đoàn công tác liên ngành của Trung ương do bà Nguyễn Xuân Dung- Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn có buổi khảo sát hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và công tác báo cáo hằng năm tại Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh.
Tham dự buổi làm việc phía Tây Ninh có bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Giám đốc Sở Nội vụ cùng lãnh đạo Trường Chính trị, đại diện sở, ngành liên quan.
Đào tạo hơn 6.000 lượt học viên
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Tuấn Khanh- Phó giám đốc Sở Nội vụ thông tin, số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh hiện tại cơ bản bảo đảm về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo yêu cầu. Về xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị thỉnh giảng giảng viên hiện là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Trên cơ sở đề án vị trí việc làm được phê duyệt, Trường Chính trị tỉnh từng bước sắp xếp lại lực lượng tham mưu ở các phòng, khoa bảo đảm phù hợp trình độ, kinh nghiệm và sắp xếp ở các bộ phận như bảo vệ, phục vụ, thủ quỹ, ký túc xá nhằm giảm bớt số lượng. Nhân sự của trường từng bước củng cố, tham mưu cho lãnh đạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn, kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành chung của trường.
Từ năm 2020 đến nay, trường tổ chức và phối hợp tổ chức 4 lớp cao cấp lý luận chính trị, 38 lớp trung cấp lý luận chính trị, 33 lớp bồi dưỡng, tập huấn, tổng số 6.150 lượt học viên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường bảo đảm thực hiện theo đúng kế hoạch và hoàn thành 100% chỉ tiêu mở lớp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Công tác giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra được tổ chức chặt chẽ, đúng nội quy, quy chế của nhà trường.
Quá trình đào tạo, nhà trường chấp hành và thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác quản lý đào tạo tiếp tục có những đổi mới, thực hiện chặt chẽ, khoa học bảo đảm tuân thủ nghiêm quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ khâu chiêu sinh mở lớp đúng kế hoạch, đúng đối tượng, chủ động lên kế hoạch giảng dạy kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ.
Số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng của Trường Chính trị từng bước được hoàn thiện bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, một số vị trí công tác ở bộ phận hành chính chỉ có trình độ đại học, một số vị trí chưa có kiến thức thực tế.
Tỷ lệ số lượng giữ ngạch giảng viên chính (hạng II) chưa đảm bảo theo quy định của Trường Chính trị chuẩn mức 1 (60%). Trường đang khuyết các chức danh lãnh đạo khoa do không đủ tiêu chuẩn quy định. Một số cán bộ, giảng viên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, nghiệp vụ hành chính.
Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng theo quy định, chất lượng hạn chế vì thiếu kiến thức thực tế. Nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các lớp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chưa có tài liệu thống nhất chung. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nhưng có nơi xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập. Theo cơ chế, quy định hiện nay UBND tỉnh không quản lý Trường Chính trị tỉnh.
Đối với các Trung tâm chính trị cấp huyện, biên chế chuyên trách ít, khó có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và phục vụ giảng dạy. Thiếu cơ chế khuyến khích giảng viên kiêm chức đầu tư thời gian nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tại các trung tâm chính trị cấp huyện còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc cấp, ký giấy chứng nhận bồi dưỡng, văn bằng đào tạo còn có khó khăn, chưa theo chuẩn quy định đối với những nơi sáp nhập. Chưa có nhiều đổi mới trong công tác lý luận chính trị và lịch sử Đảng. Theo cơ chế, quy định hiện nay UBND huyện không quản lý Trung tâm chính trị huyện.
Đề nghị cấp kinh phí cho người đi học
Phát biểu ý kiến, đại diện Trung tâm chính trị huyện Dương Minh Châu cho biết, đơn vị hiện chỉ thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chưa có điều kiện nghiên cứu lý luận. Biên chế của Trung tâm còn thiếu. Dương Minh Châu là một trong ba địa phương cấp huyện của Tây Ninh chưa sáp nhập Trung tâm Chính trị vào Ban Tuyên giáo. “Đề nghị Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy không nên đồng thời làm Giám đốc Trung tâm chính trị” - đại diện cơ quan này nêu ý kiến.
Vẫn theo đại diện đơn vị, cần xem xét giáo án dạy chính trị (ở cấp huyện), vì 25 nội dung trong đó không còn phù hợp. Bà Huỳnh Vương Hiếu- Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu đề nghị cấp trên xem xét cấp kinh phí cho người đi học.
Đại diện UBND huyện Bến Cầu kiến nghị hạ chuẩn giảng viên chuyên trách ở Trung tâm chính trị, tức không nên quy định vị trí này phải có bằng thạc sĩ.
Ông Trương Văn Thành- Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh cho biết nhà trường được giao nhiều nhiệm vụ, lĩnh vực rất rộng. Phần lớn học viên của trường gồm những người đang theo học các lớp trung cấp chính trị. Cũng có những lớp học, ngành học trường chưa mở được, ví dụ đào tạo chuyên viên chính, trường chưa đủ giảng viên đạt trình độ chuyên viên chính, do đó chưa đào tạo, muốn đào tạo phải hợp tác với đơn vị khác.
Ông Phan Văn Long- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Phan Văn Long- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương đặt câu hỏi: việc sáp nhập Trung tâm chính trị cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cùng cấp xuất phát từ cơ sở nào, sau khi sáp nhập hoạt động ra sao? Việc thiếu (đội ngũ giảng viên, báo cáo viên) do đâu, khách quan hay chủ quan?- bà Trần Thị Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ LĐ-TB&XH hỏi. Một ý kiến khác đánh giá cao việc Trường Chính trị mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức cấp xã (liên quan xây dựng nông thôn mới) nhưng đề nghị nhà trường cho biết nội dung đào tạo dành cho nhóm đối tượng nêu trên.
Trao đổi một số nội dung, ông Lê Long Giang- Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện làm giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện đã có hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Việc sáp nhập Trung tâm chính trị vào Ban Tuyên giáo cấp huyện, Tây Ninh đang thí điểm, hết năm 2025 mới đánh giá lại. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị với đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương rằng, cần có một mô hình thống nhất trong cả nước đối với Trung tâm chính trị cấp huyện, trực thuộc cơ quan nào, chế độ báo cáo như thế nào.
Việc tổ chức lớp học, đào tạo cán bộ công chức ở Tây Ninh thực hiện bài bản, đúng quy định, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ có sự phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này. Quyết định sáp nhập Trung tâm Chính trị vào Ban Tuyên giáo cấp huyện ở Tây Ninh nằm trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thí điểm mô hình này đến hết năm 2025- bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin đến đoàn công tác.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện đoàn khảo sát đánh giá, Tây Ninh đã “bao quát hết công tác đào tạo cán bộ, công chức” nhưng cần bổ sung thông tin để “báo cáo sinh động hơn”. Đại diện đoàn khảo sát cho biết, chế độ báo cáo (về công tác đào tạo cán bộ, công chức) thực hiện theo Nghị định số 125/2011/NĐ-CP của Chính phủ cùng một số quy định khác. Để bảo đảm quyền lợi cho giảng viên đồng thời nâng chuẩn Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh, đoàn khảo sát đề nghị Tây Ninh tập hợp danh danh sách cán bộ, giảng viên đề nghị Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương xem xét.
Trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện tại của Trường Chính trị tỉnh như sau: Tiến sĩ 1 người, tỷ lệ 2,8%; thạc sĩ 26 người, tỷ lệ 72,2%; cử nhân 9 người, tỷ lệ 25%. Trình độ lý luận chính trị cử nhân/cao cấp có 20 người, tỷ lệ 55,6%; trung cấp lý luận chính trị 11 người, chiếm tỷ lệ 30,1%; chưa qua đào tạo lý luận chính trị có 5 người chiếm tỷ lệ 13,9%.