Nâng chất lượng tủ sách pháp luật
Đánh giá kết quả 5 năm triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, các chuyên gia nhận định rằng, hoạt động khai thác tủ sách pháp luật đã thực sự đi vào cuộc sống, hướng về cơ sở; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức ở cơ sở, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân; hỗ trợ một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ dàng.
Giảm chênh lệch trong tiếp cận thông tin
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho biết, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg xác định hai định hướng lớn là xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng tủ sách pháp luật điện tử trên Trang Thông tin PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (nay là trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia); trong đó có các loại tài liệu như: Câu chuyện pháp luật, đặc san pháp luật, tài liệu giới thiệu luật, pháp lệnh, sách pháp luật với nhiều hình thức, bài giảng điện tử. Tủ sách pháp luật còn được đặt đường link với Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Công báo điện tử nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Theo thống kê của Cục PBGDPL, cả nước hiện có 1.722 tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc huyện nghèo; 8.511 tủ sách xây dựng theo Quyết định số 06; hơn 9.300 tủ sách pháp luật trong lực lượng quân đội, công an với hàng triệu đầu sách, báo, tài liệu. Việc tủ sách pháp luật được xây dựng, khai thác ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn cũng giúp giảm chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật giữa khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới…; đa dạng hóa thiết chế văn hóa - thông tin tại cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, các địa phương cũng phát triển nhiều mô hình đa dạng, phong phú như "Quán cà phê pháp luật"; mô hình tủ sách pháp luật trong các nhà thờ, họ đạo ở TP. Cần Thơ; mô hình "Mang sách đến từng thôn, xóm trong các đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp với hoạt động lao động giúp Nhân dân" ở tỉnh Bình Thuận… Với tỉnh Lạng Sơn, sau 5 năm thực hiện Quyết định 14, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản đều xây dựng và duy trì tủ sách pháp luật với số lượng từ 50 - 150 đầu sách. Toàn tỉnh duy trì tủ sách pháp luật tại 78 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã thuộc các huyện nghèo và tủ sách pháp luật của các đơn vị lực lượng vũ trang.
Với tỉnh Hậu Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 705 tủ sách pháp luật; trong đó, 97 tủ sách pháp luật tại các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, hội đặc thù; 14 tủ sách pháp luật trong lực lượng quân sự trên địa bàn tỉnh; 34 tủ sách pháp luật trong lực lượng Công an; 229 tủ sách pháp luật tại các đơn vị cấp huyện và xã, phường, thị trấn; 314 tủ sách pháp luật trong trường học; 15 tủ sách pháp luật trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 2 tủ sách pháp luật ở chùa phật giáo. Bên cạnh đó, 40 Kệ sách pháp luật ở ấp, khu vực tiếp tục duy trì.
Không ngừng đổi mới và phát triển
Theo đánh giá của Cục PBGDPL, trong bối cảnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc ngày càng gặp nhiều thách thức. Do đó, việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt, số lượng người đến mượn, tìm đọc tại các tủ sách pháp luật còn hạn chế, người dân chủ yếu tìm hiểu pháp luật thông qua internet, báo điện tử. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, sát sao; chất lượng sách, báo, tài liệu pháp luật trong một số tủ sách pháp luật chưa thực sự phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người đọc...
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao phụ trách trực tiếp quản lý, theo dõi tủ sách pháp luật của các địa phương. Mặt khác, chú trọng tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tủ sách pháp luật trong việc phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật bằng các hình thức phù hợp; trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật.
Để nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, nhiều chuyên gia kiến nghị, tiếp tục quán triệt, phổ biến, thống nhất nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc, tủ sách pháp luật trong thực thi công vụ, nhất là trong công tác PBGDPL. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng, phát triển mô hình tủ sách pháp luật đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.
Thường xuyên thông tin về tủ sách pháp luật, tổ chức các hoạt động (triển lãm, giới thiệu sách, tài liệu pháp luật...) vào dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Pháp luật Việt Nam... để thu hút cán bộ, công chức, chiến sĩ và người dân quan tâm; hình thành thói quen đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu pháp luật; xây dựng, hoàn thiện tủ sách pháp luật điện tử khai thác, kết nối trong cả nước, tăng cường trang bị máy tính, kết nối internet cho chính quyền cấp xã... để ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật.
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng khai thác sách, tài liệu pháp luật trong thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng; nghiên cứu xây dựng các loại hình tủ sách pháp luật ở cộng đồng phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; bảo quản, khai thác và sử dụng các sách, báo, tài liệu pháp luật đáp ứng nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập pháp luật của Nhân dân tại địa phương.