Nâng chất lượng kiểm sát giải quyết án hành chính

Những năm gần đây, các vụ án hành chính có chiều hướng gia tăng, chủ yếu liên quan đến khiếu kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Từ thực tế đó, viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.

Năm 2024, toàn tỉnh xét xử sơ thẩm 285 vụ án hành chính, tăng 138 vụ so với năm 2023. Qua rà soát của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy nguyên nhân phát sinh các vụ khiếu kiện hành chính xuất phát từ việc thực hiện các dự án khu dân cư, đô thị, công trình, dự án... dẫn đến khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí có vụ đông người, phức tạp.

 Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (bên trái) tham gia một phiên tòa hành chính.

Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (bên trái) tham gia một phiên tòa hành chính.

Trao đổi với đồng chí Nhữ Đức Dũng, Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được biết, trong số các vụ án hành chính nổi lên một số vấn đề về công tác kiểm sát. Mặc dù kịp thời giải quyết nhiều vụ nhưng vẫn có hạn chế. Đó là chất lượng nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa của một số kiểm sát viên chưa cao, không kịp thời phát hiện vi phạm của tòa án để tham mưu ban hành kháng nghị dẫn đến án bị hủy.

Sự phối hợp giữa viện kiểm sát cấp dưới và cấp trên ở một số thời điểm chưa kịp thời, không phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị hoặc báo cáo cấp trên kháng nghị dẫn đến có vụ án bị sửa, hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng xuất phát từ việc tòa án đánh giá chứng cứ không đúng, không đưa đầy đủ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, việc bố trí, sắp xếp kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến không có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, phát hiện vi phạm để tham mưu ban hành kháng nghị. Việc xác minh, thu thập chứng cứ còn có những thiếu sót ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát các vụ án.

Tìm hiểu tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thế được biết, trên địa bàn thời gian qua có 13 vụ án khiếu kiện chủ tịch UBND các cấp về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của 13 hộ dân. Trong số này, tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên hủy 1 vụ. Đáng chú ý là vụ án này có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án và kiên quyết thực hiện quyền kháng nghị đối với những vụ án hành chính chưa giải quyết dứt điểm. Chấm dứt tình trạng có án hủy, sửa có lỗi của viện kiểm sát mà không có kháng nghị phúc thẩm.

Đồng chí Nguyễn Thị Bộ, Phó Viện trưởng cho biết, qua các vụ án cho thấy việc nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát còn có hạn chế; không thực hiện đầy đủ các thủ tục phải có trong hồ sơ; không phát hiện ra thẩm phán có vi phạm, thiếu sót trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng. Có vụ đề xuất quan điểm giải quyết nội dung vụ án không đúng dẫn đến bị tòa án cấp trên sửa, hủy án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam cho rằng, trong tổng số 12 vụ án hành chính mà tòa thụ lý thì có đến 11 vụ bị đình chỉ, chỉ xét xử 1 vụ. Để xảy ra những tồn tại nêu trên, Viện xác định có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, một số cán bộ, kiểm sát viên trong những thời điểm cụ thể còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm; năng lực hạn chế... Việc nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án chưa đầy đủ, thiếu chính xác về thủ tục tố tụng cũng như nội dung vụ án; kiểm sát bản án chưa chặt chẽ dẫn đến không phát hiện được các vi phạm để kiến nghị, kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị.

Để khắc phục những vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Qua nghiên cứu cần chỉ ra được những thiếu sót của UBND các cấp. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thiếu sót thì báo cáo lãnh đạo Viện để kịp thời ban hành kiến nghị UBND và các cơ quan, tổ chức có liên quan khắc phục, sửa chữa, giảm thiểu nguyên nhân phát sinh khiếu kiện, tranh chấp.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện sắp xếp, bố trí, phân công cán bộ, kiểm sát viên có năng lực chuyên môn thực hiện nhiệm vụ. Những vụ án phức tạp, lãnh đạo Viện cần trực tiếp tham gia phiên tòa hoặc nghiên cứu hồ sơ để có hướng chỉ đạo kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án và kiên quyết thực hiện quyền kháng nghị đối với những vụ án hành chính chưa giải quyết dứt điểm. Chấm dứt tình trạng có án hủy, sửa có lỗi của viện kiểm sát mà không có kháng nghị phúc thẩm.

Khi có án bị cấp phúc thẩm hủy, sửa án thì lãnh đạo kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm. Nâng cao vai trò trách nhiệm, ý thức của từng cán bộ, kiểm sát viên. Các tài liệu, giấy tờ, văn bản của các bên đương sự cung cấp phải được kiểm tra, nghiên cứu kỹ càng, thận trọng, nắm vững nội dung, chứng cứ và các tình tiết của vụ án nhằm chủ động đưa ra quan điểm giải quyết.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm những vụ án bị hủy, sửa có lỗi của viện kiểm sát hoặc những vụ án do viện kiểm sát kháng nghị có chất lượng tốt, được tòa án chấp nhận kháng nghị hủy án, sửa án để các đơn vị cấp dưới nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm. Tăng cường phối hợp, trao đổi giữa các đơn vị trong ngành, giữa viện kiểm sát với tòa án để giải quyết tốt các vụ án hành chính.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-chat-luong-kiem-sat-giai-quyet-an-hanh-chinh-postid415630.bbg
Zalo